Xây lý tưởng ở chốn lao tù – Kỳ 3

Cập nhật: 18-03-2015 | 09:04:57

Kỳ 3: “Thép đã tôi thế đấy”!

Trong những tháng ngày đọa đày nơi tù ngục, trái tim người tù cộng sản luôn hướng về tiền phương, ngóng chờ những chiến công, ao ước được cùng đồng bào, đồng chí cầm súng chiến đấu trên những mặt trận nóng bỏng. Lý tưởng này đã thôi thúc họ suy nghĩ phải tìm cách vượt ra khỏi chốn lao tù để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

Ý chí của người cộng sản

Trong ngôi nhà nhỏ yên tĩnh giữa rừng cao su đang mùa rụng lá tại ấp Bình Tiến, xã An Bình, huyện Phú Giáo, chúng tôi được trò chuyện với một người cựu tù chính trị Phú Quốc, ông Huyền Linh (tên trong tù là Trương Văn Thơ). Giữa tiếng xào xạc của những chiếc lá rụng và với giọng nói nhẹ nhàng, ánh mắt xa xăm, ông Linh dẫn dắt chúng tôi vào câu chuyện. Quê ở xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên cũ, ông tham gia cách mạng khi mới 18 tuổi, làm giao liên rồi sau này làm y sĩ quân đội.

Ông Huyền Linh đang đọc những trang hồi ký của một người đồng chí cựu tù chính trị tại nhà tù Phú Quốc. Ảnh: C.SƠN

Trong một trận càn của địch tại xã An Sơn vào năm 1969, ông bị địch bắt và đưa về giam giữ tại Khám đường Bình Dương, sau đó được chuyển đến trại giam tù binh Hố Nai, Biên Hòa. Chính tại những nơi này, ông được tham gia vào những cuộc đấu tranh cùng những người tù cộng sản chống lại các cuộc tra khảo, đàn áp của địch. Ông đã nhanh chóng nhận ra, những cuộc đấu tranh này chính là “sản phẩm” từ sự lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng nhà tù. Từ đó ông nhận thấy, trong lao tù, tổ chức cơ sở Đảng của ta vẫn có đất “dụng võ”. Chính vì vậy, khi bị đưa ra đảo Phú Quốc giam cầm vào năm 1969, ông đã nhanh chóng kết nối với tổ chức cơ sở Đảng tại phân khu A8, nơi ông bị giam giữ ban đầu. Sau đó, ông được chỉ định làm Phó Bí thư của phòng số 2, phân khu A8 gồm gần 100 đồng chí.

Với ý chí chiến đấu của người đảng viên, ông nhanh chóng phối hợp cùng các đồng chí trong chi ủy củng cố tổ chức cơ sở Đảng, tổ chức cho anh em bạn tù đoàn kết một lòng đấu tranh với những thủ đoạn tàn ác của địch. Chính vì được chi ủy tổ chức sinh hoạt từ trước, anh em bạn tù dù có bị trấn áp nhưng ai cũng kiên quyết không khai, ra sức bảo vệ tổ chức cơ sở Đảng. Tuy vậy, địch vẫn nghi ngờ, truy lùng gắt gao. Có lần chúng đã bắt ông và một đồng chí khác trong phòng lên chuồng cọp hành hạ phơi nắng, phơi sương, ăn uống kham khổ. Tại đây, thấy tình hình sức khỏe của người cùng bị nhốt với mình không ổn, với những kinh nghiệm trong ngành y, ông ra mật hiệu với người này cần đấu tranh với địch bằng cách giả xỉu để chúng cải thiện chế độ ăn. Người bị giam với ông thực hiện theo đúng những gì ông chỉ, thấy vậy, sợ người tù chết, bọn quân cảnh đã cho những người này ăn cháo, sau đó chế độ ăn của những người nằm trong chuồng cọp cũng được cải thiện hơn. Thấy không khai thác được gì từ ông, địch đã buộc phải trả ông lại nơi giam giữ ban đầu. Ông nhớ lại: “Sau năm 1970, có những giai đoạn đấu tranh giữa ta và địch rất căng thẳng. Trong bối cảnh này, vai trò của cấp ủy trong nhà tù là hết sức quan trọng. Việc tổ chức cho anh em đấu tranh phải đúng phương pháp, khéo léo và biết dừng đúng lúc để bảo tồn lực lượng đến ngày chiến thắng trở về...”.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những tháng ngày đọa đày nơi “địa ngục trần gian” của ông là lần đầu tiên được đọc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lần đó, khi các đồng chí đang bổ củi thì thấy Di chúc của Bác được nhét bên trong, mọi người liền bí mật cất giấu và đưa về cho cấp ủy trong nhà tù. “Trước đó, nghe bọn quân cảnh rêu rao Bác đã mất, chúng tôi cho đây là đòn tâm lý của kẻ địch. Nhưng khi được đọc Di chúc của Bác, chúng tôi biết Bác đã mất thật và ai nấy đều rất đau buồn. Cấp ủy trong nhà tù đã nhanh chóng tổ chức cho anh em đọc Di chúc của Bác. Những dòng Di chúc được anh em bạn tù học thuộc và khắc sâu vào trong tâm can đã tiếp thêm sức mạnh chiến đấu, thôi thúc anh em bạn tù kiên định con đường cách mạng, vượt qua những đớn đau về thể xác, tinh thần, hướng đến ngày toàn thắng của cách mạng…”, ông Linh kể.

Thất bại cũng không nản lòng

Trong những tháng ngày đọa đày nơi tù ngục, trái tim người tù cộng sản luôn hướng về tiền phương, ngóng chờ những chiến công, ao ước được cùng đồng bào, đồng chí cầm súng chiến đấu trên những mặt trận nóng bỏng. Lý tưởng này đã nung nấu họ phải tìm cách vượt ra khỏi chốn lao tù để tiếp tục cống hiến cho cách mạng. Trong những tháng ngày trong lao tù, ông Linh đã tổ chức cho các đồng chí bạn tù đào hầm bí mật để thoát. Đây chính là hình thức hiệu quả nhất để người tù có thể vượt ra khỏi những hàng thép gai bủa vây trùng điệp tại nơi này.

Trước khi tổ chức đào hầm, chi ủy trong nhà tù cũng phải bí mật sinh hoạt để thống nhất cách thức, thời gian, địa điểm và người thực hiện việc đào đường hầm; phân công cụ thể từng đồng chí, nếu bị phát hiện thì đứng ra tự nhận là người tổ chức đào hầm để chúng không tra tấn dã man những người tù khác cũng như để bảo vệ tổ chức cơ sở Đảng của ta. Việc tổ chức đào hầm được tổ chức hết sức bí mật, phải đào vào ban đêm và có cảnh giới chặt chẽ. Dụng cụ để đào hầm cũng hết sức thiếu thốn, chỉ đào bằng cọng kẽm gai, thìa ăn cơm, cà mèn đựng cơm…

Ông Linh kể tiếp, xác định việc đào hầm là hết sức khó khăn, vất vả, tốn thời gian, công sức và rất nguy hiểm, chi ủy trong nhà giam đã tổ chức sinh hoạt và lên tinh thần cho các đồng chí bạn tù chuẩn bị tiến hành công việc quan trọng này. Công việc được diễn ra trong âm thầm lặng lẽ nhưng tất cả mọi người tham gia đào hầm đều rất quyết tâm và rồi từng nắm đất một đã được đào và chuyển lên. Để bọn quân cảnh không phát hiện, mọi người phải phân chia đất thành những nắm nhỏ, nắm đất vào trong lòng bàn tay, giấu trong ống quần, khi đi vệ sinh thì tiến hành “phi tang”! Đường hầm chỉ dài khoảng trên một trăm mét nhưng việc đào hầm lại diễn ra ròng rã suốt nhiều tháng trời trong điều kiện hết sức khắc nghiệt.

Đáng tiếc trong lần đào hầm này, khi chỉ còn cách điểm đến vài mét là có thể thoát thân thì ông và các đồng chí bạn tù bị bọn quân cảnh phát hiện. Chúng tiến hành tra khảo, tra tấn dã man nhằm tìm ra người chủ mưu nhưng do được quán triệt, tổ chức sinh hoạt từ trước nên không một ai khai ra nửa lời. Vì vậy, cấp ủy Đảng được bảo vệ an toàn. Sau thất bại lần đầu, phải chịu những cuộc đàn áp khủng bố của kẻ thù, thậm chí có người hy sinh, chi ủy trong nhà tù đã tổ chức rút kinh nghiệm cho những lần vượt ngục về sau. Ông Linh khẳng định: “Dù thất bại, bị tra tấn dã man nhưng anh em bạn tù không ai nản lòng. Chính lần thất bại khi vượt ngục ấy lại càng làm cho người chiến sĩ cách mạng có thêm niềm khao khát tự do, ý chí chiến đấu mãnh liệt, kiên gan, bền chí đối đầu với những đòn roi, những màn tra khảo dã man của kẻ địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”.

Vượt qua những khó khăn, đọa đày nơi lao tù tối tăm, ông Linh đã chiến thắng trở về với cách mạng, tiếp tục tham gia vào công tác chính quyền sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Giờ đây khi đã ở cái “tuổi xưa nay hiếm”, nhìn quê hương ngày càng đổi thay nhanh chóng, ông lại càng thêm tự hào về những cống hiến, hy sinh của những người đồng chí, đồng đội trong nhà tù. Vâng! Những hy sinh mất mát và sự cống hiến cao cả cho cách mạng của những người chiến sĩ cộng sản trong nhà tù như ông sẽ mãi được các thế hệ mai sau ghi nhớ, đáp đền…

Kỳ 4: Cùng anh em phất cao ngọn cờ...

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=894
Quay lên trên