Trong dòng chảy văn hóa, các lễ hội ở Bình Dương đã được hình thành và phát triển gắn liền với mảnh đất và con người nơi đây qua hàng trăm năm, được lưu giữ, trao truyền và ngày càng phát huy nét văn hóa tiêu biểu, đặc trưng, được kết tinh từ vùng đất hội tụ. Đó là những giá trị về sự đoàn kết, đức tính hào sảng, ứng xử văn minh, hành động nghĩa tình của các cộng đồng dân cư sinh sống trên mảnh đất Bình Dương. Điều này được thể hiện rất rõ từ các lễ hội cho đến những hành động ở trong cộng đồng xã hội.
Trong nhiều lễ hội tín ngưỡng hàng năm, Lễ hội Rằm tháng giêng ở Bình Dương từ lâu đã rất nổi tiếng, thu hút ngày càng nhiều du khách thập phương gần xa đến vãn cảnh, viếng chùa với lòng thành kính, tâm nguyện tốt lành. Đặc biệt, nơi đây không chỉ linh thiêng trong tín ngưỡng dân gian ở Miếu Bà Thiên Hậu (phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một) và các chùa chiền khác trên địa bàn tỉnh, mà còn nổi tiếng về sự hiếu khách, sự tử tế của người dân đất Thủ.
Từ nhiều năm qua, thương hiệu “Lễ hội miễn phí” dường như đã gắn liền với Bình Dương trong tâm khảm của du khách thập phương. Bởi, nơi đây đã luôn được các cấp chính quyền cùng người dân chung tay tổ chức thực hiện những công việc thiện nguyện, vì một mùa lễ hội bình yên, vì lòng mến khách. Tham gia lễ hội, đâu đâu cũng thấy xuất hiện những dòng chữ “miễn phí”, từ các hàng quán ăn uống đến vá xe, đèn nhang... Không những thế, các hoạt động tình nguyện của các bạn trẻ luôn hướng dẫn tận tình du khách; các lực lượng khác thì chung tay gìn giữ an ninh trật tự, bảo đảm giao thông thông suốt... Và, năm nay, thông điệp “Lễ hội văn minh, nghĩa tình, thân thiện với môi trường” đang tiếp tục để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách gần xa.
Những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp ấy không chỉ trong phạm vi các lễ hội tín ngưỡng, mà còn được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng xã hội, trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại. Ấy vậy mà nhiều năm qua, Bình Dương không chỉ điển hình về phát triển công nghiệp mà còn được đánh giá điển hình về nhiều mặt khác trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, như: Xây dựng nông thôn mới; xây nhà ở xã hội cho công nhân lao động; các hoạt động nhân đạo, từ thiện; an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, công nhân lao động... Tất cả đều chung sức để xây dựng một cộng đồng nhân ái, nghĩa tình.
Đó cũng chính là sự chắt lọc những giá trị truyền thống từ mạch nguồn văn hóa, bồi đắp giá trị của thời đại, sáng tạo cùng thời gian, tạo hành trang văn hóa mới cho mỗi người dân; để văn hóa truyền thống trở thành sức mạnh nội sinh, là động lực to lớn, tạo đà cho sự phát triển của tỉnh nhà trong giai đoạn mới.
K.TÂN