Xứng danh con cháu Bà Trưng, Bà Triệu

Cập nhật: 23-04-2015 | 08:38:11

Trong chiến tranh, Bình Dương, vùng đất miền Đông gian lao mà anh dũng. Góp phần tạo nên danh xưng này là những Tam giác sắt, Chiến khu Đ anh hùng… và những người con kiên trung của quê hương một lòng đi theo Đảng, nhất tề đứng lên kháng chiến. g với những đấng nam nhi xông pha ra chiến trường, trên mảnh đất kiên cường này còn có hình ảnh rất đặc biệt của những cô gái, những bà mẹ cầm súng đánh giặc, góp công cùng toàn quân chiến thắng kẻ thù. Họ quả thật không hổ danh là con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu…

Nhà văn Chu Lai, trong những năm tháng tham gia chiến đấu tại vùng đất Sông Bé - Bình Dương, đã ghi nhớ hình ảnh những cô gái chân trần, tóc dài chấm vai, đầu đội mũ tai bèo đi giữa những cánh rừng miền Đông. Sau này, những hình ảnh đó trở thành những nhân vật chính trong các tác phẩm văn học của ông như Nắng đồng bằng, Vùng ven một thời con gái… Văn của Chu Lai đã làm say mê độc giả, bởi ông viết thật, tả thật về sự hy sinh mất mát và cả tinh thần lạc quan cách mạng của người phụ nữ thời chiến. Là người đã đi qua cuộc chiến, nên ông có cái nhìn rất nhân văn về mặt sau của chiến tranh. Ông nói đại ý rằng: Sự xuất hiện của người phụ nữ trên chiến trường đã làm “mềm” đi sự tàn bạo của chiến tranh.

Còn người viết bài này, khi cùng với đồng nghiệp tham gia thực hiện các loạt bài viết trên báo Bình Dương về những nhân vật nữ chiến sĩ trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, được tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của các chị, đã có dịp cảm nhận sâu sắc hơn về hình ảnh những người phụ nữ kiên trung, sẵn sàng hy sinh trọn tuổi đời thanh xuân cho quê hương đất nước. Đó là câu chuyện về những người nữ pháo binh Bến Cát, “đội quân tóc dài” vang bóng một thời. Đó là hình ảnh của cô gái Hai Mỹ năm nào kiêu hãnh ngồi trên chiếc xe tăng đưa đoàn quân tiến về giải phóng Lái Thiêu với câu nói đầy khí phách: “Nếu có hy sinh miệng tôi vẫn mỉm cười”! Đó là tấm gương của chị Nguyễn Thị Kim Phượng, người Đại đội trưởng C5 trong lúc bị thương gãy nát đôi chân, trước lúc hy sinh vẫn bắn trả quân thù đến viên đạn cuối cùng. Đó còn là câu nói đầy bi tráng của một nữ pháo binh khi bị địch dồn đến đường cùng, vẫn hiên ngang khẳng định: Nữ pháo binh Bến Cát chỉ biết giết giặc, không biết chiêu hồi… Chưa hết, đó cũng còn là hình ảnh hai má con bà Tám năm xưa bên bờ sông Sài Gòn bị địch nhiều lần bỏ tù, tra tấn dã man nhưng vẫn một lòng sắt son đi theo cách mạng. Rồi trong thời khắc lịch sử ngày 30- 4-1975, cô gái Huỳnh Thị Một, tuổi mới đôi mươi, đã xung phong cầm lá cờ cách mạng cắm lên Nhà việc Phú Cường, đánh dấu thời điểm ca khúc khải hoàn của non sông trong niềm vui khôn tả của đồng bào…

Kể sao cho hết hình ảnh những người con gái miền Đông gian lao mà anh dũng. Vâng! Dân tộc ta có câu: Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh! Lịch sử oanh liệt của dân tộc Việt Nam đã tạo nên những thế hệ người phụ nữ kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Họ mãi mãi là một tượng đài chói lọi trong lòng các thế hệ người Việt Nam.

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên