Ý thức cội nguồn

Cập nhật: 19-04-2013 | 00:00:00

“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”

Giỗ Tổ Hùng Vương, từ lâu đã trở thành ngày giỗ trọng đại của cả dân tộc; in đậm trong cõi tâm linh của mỗi người dân đất Việt. Dù ở phương trời nào, người Việt Nam đều nhớ ngày giỗ Tổ, cùng hướng về vùng đất cội nguồn (xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Nơi đây là điểm hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam. Từ ngàn đời nay, Đền Hùng là nơi tưởng nhớ, tôn vinh công lao các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Cây có cội, nước có nguồn. Trở về Đền Hùng, chúng ta như giọt máu trở về tim.

 Có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có chung một gốc gác tổ tiên - một ngày giỗ Tổ như dân tộc ta. Từ huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, nửa theo cha xuống biển, nửa theo mẹ lên rừng đã khơi dậy ý thức về dân tộc, nghĩa đồng bào và gắn kết chúng ta thành một khối đại đoàn kết. Hai chữ đồng bào là khởi nguồn của yêu thương, đùm bọc, của sức mạnh Việt Nam.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954, sáng ngày 19-9 năm ấy, tại Đền Giếng trong Khu di tích Đền Hùng, khi gặp gỡ các chiến sĩ Đại đoàn 308 trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đã dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Làm theo lời Bác dặn, cả dân tộc lại bước vào một cuộc kháng chiến oai hùng, nhiều gian khổ hy sinh, với quyết tâm quét sạch bọn xâm lược ra khỏi bờ cõi, giang san thống nhất, quy về một mối. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, người dân Việt Nam càng tự hào với giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tưởng nhớ tổ tiên, tưởng nhớ bao lớp tiền nhân đã có công lớn trong việc dựng nước và giữ nước.

Mấy ngàn năm qua, Đền Hùng đã trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc, là cội nguồn của sức mạnh, niềm tin, chói sáng của một nền văn hóa. Lịch sử như một dòng chảy liên tục, trải mấy ngàn năm, trước bao biến động thăng trầm, trong tâm thức của cả dân tộc, Đền Hùng vẫn là nơi của bốn phương tụ hội, nơi con cháu phụng thờ công đức tổ tiên. Không chỉ người Việt chúng ta tự hào về Đền Hùng, mà bạn bè quốc tế từng đến thăm viếng Đền Hùng, đều vị nể ý thức cội nguồn dân tộc của chúng ta. Đền Hùng là một di tích vô giá của nhân dân Việt Nam, là biểu tượng của tổ tiên dân tộc Việt Nam - một dân tộc đã có truyền thống dựng nước và giữ nước, yêu chuộng hòa bình…

 

 NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=504
Quay lên trên