Bảo đảm trật tự an toàn giao thông là chủ đề thường xuyên, liên tục được chú trọng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, đặc biệt là các đơn vị chức năng. Tất cả nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản do tai nạn giao thông, bảo đảm sự bình yên cuộc sống của mọi người dân. Hơn ai hết, mỗi một người dân khi tham gia giao thông cần phải nâng cao ý thức để bảo đảm an toàn chính bản thân cùng người đi đường.
Theo phân tích từ ngành chức năng, những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông đều xuất phát từ ý thức. Điều khiển phương tiện lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn hoặc đã uống rượu bia, sử dụng ma túy… đều do ý thức mà ra. Ngoài ra, cũng không ít trường hợp điều khiển phương tiện chưa hiểu hoặc coi thường pháp luật giao thông. Cùng với đó cũng không thể không nói đến trách nhiệm của những đơn vị, doanh nghiệp lĩnh vực vận tải chưa quản lý chặt chẽ, hoặc vì áp lực kinh doanh mà chưa chú trọng đến vấn đề bảo đảm an toàn giao thông…
Tai nạn là điều không ai mong muốn và để công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông ngày một hiệu quả cần phải giải quyết căn cơ mọi vấn đề đặt ra. Trong đó, đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng bảo đảm đồng bộ, thông thoáng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các loại phương tiện, nâng cao trách nhiệm của các đơn vị chức năng cũng như các doanh nghiệp vận tải… là chuyện đương nhiên. Một vấn đề hết sức quan trọng, đã và đang thực hiện thường xuyên là đẩy mạnh tuyên truyền bằng tất cả các hình thức nhằm nâng cao ý thức người tham gia giao thông.
Các cuộc ra quân cao điểm xử lý phương tiện vận chuyển quá khổ, quá tải, xử lý vi phạm nồng độ cồn, chống đua xe trái phép… là hết sức cần thiết nhưng căn cơ nhất vẫn là ý thức chấp hành pháp luật giao thông. Mỗi khi ý thức được nâng cao, mỗi một người dân tham gia giao thông đều tuân thủ nghiêm túc pháp luật giao thông, biết tôn trọng sức khỏe, tính mạng của bản thân và cộng đồng, ắt hẳn công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông sẽ nâng cao hiệu quả. Giáo dục nâng cao ý thức con người nói chung, ý thức chấp hành pháp luật giao thông nói riêng phải được coi là trách nhiệm chung, từ gia đình tới trường học, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng như các tổ chức đoàn thể, xã hội.
Hàng năm cứ vào những dịp nghỉ lễ, tết, mật độ lưu thông tăng cao, số vụ tai nạn giao thông xảy ra nhiều trên cả nước. Đằng sau những vụ tai nạn thương tâm là nỗi đau, là gánh nặng của gia đình và xã hội. Hãy hành động, nâng cao ý thức mọi lúc, mọi nơi để giảm bớt nỗi đau do tai nạn giao thông, giữ sự bình yên của cuộc sống
TRIỆU PHONG