Yên Bái: Đặc sắc Festival Tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn

Cập nhật: 09-10-2023 | 10:16:16

Diễn xướng hầu đồng tại Lễ hội Đền Đông Cuông năm 2023

Từ ngày 17-26/10, Festival Tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn gắn với Lễ hội Cơm mới năm 2023 sẽ diễn ra tại quần thể Di tích Lịch sử Quốc gia Đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Các hoạt động đặc sắc

Lễ hội sẽ gồm 2 sự kiện chính là Lễ Khai mạc Festival thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn, Lễ hội Cơm mới Đền Đông Cuông và các hoạt động kèm theo gồm: trình diễn nghệ thuật hầu đồng; Carnaval rước biểu tượng Mẫu Thượng Ngàn; Liên hoan hát văn, hát chầu văn huyện Văn Yên lần thứ nhất năm 2023 với chủ đề "Linh thiêng đất Mẫu”; Triển lãm, trưng bày tranh, ảnh, thực hành nghi lễ thờ Mẫu; Hội thi khéo tay làm cốm: "Mâm cốm dâng Mẫu”; một số trò chơi dân gian và các hoạt động thể thao...

Ở nội dung trình diễn nghệ thuật hầu đồng, huyện Văn Yên sẽ mời Nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh hầu khai mạc hội. Tiếp đó, các thanh đồng, bản hội sẽ tiến hành các hoạt động hầu đồng tại cung Công Đồng, cung Chúa và phủ Sơn Trang.

Hoạt động triển lãm ảnh sẽ diễn ra từ ngày 17 đến hết ngày 26/10 tại khuôn viên đền Đông Cuông. Nội dung của triển lãm là các tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh về chủ đề Mẫu Thượng Ngàn Đông Cuông, các lễ hội ở Văn Yên, các sinh hoạt về tín ngưỡng, văn hóa văn nghệ ở Văn Yên và các hình ảnh về đất và người Văn Yên nói riêng và Yên Bái nói chung.

Lễ Khai mạc Festival Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn và Lễ hội Cơm mới đền Đông Cuông sẽ diễn ra vào tối 23/10 (tức ngày 9/9 năm Quý Mão) tại khu vực tổ chức các hoạt động sự kiện đền Đông Cuông. Ngay sau Lễ Khai mạc, vào hồi 0h ngày 24/10 (tức ngày mùng 10 tháng 9 năm Quý Mão) sẽ diễn ra nghi lễ mổ trâu, cúng cơm mới tại cây mít cổ thụ trước cửa đền chính.

Hội thi khéo tay làm cốm với chủ đề "Mâm cốm dâng Mẫu" và các trò chơi dân gian sẽ diễn ra từ ngày 24/10 và duy trì đến hết lễ hội.

Điểm nhấn tại Festival năm nay là Liên hoan hát văn, hát chầu văn huyện Văn Yên lần thứ nhất năm 2023 với chủ đề "Linh thiêng đất Mẫu" dự kiến sẽ diễn ra trong 2 ngày 24 và 25/10.

Quảng bá Di tích Lịch sử Quốc gia Đền Đông Cuông 

Theo Ban Tổ chức, việc tổ chức Lễ hội nhằm tiếp tục mở rộng quảng bá hình ảnh Di tích Lịch sử cấp Quốc gia Đền Đông Cuông và Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia Lễ hội Đền Đông Cuông đến với du khách thập phương trong và ngoài nước, từng bước tạo sự đột phá về phát triển du lịch tâm linh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Đây cũng là dịp để những bản hội, thanh đồng, cung văn và nghệ nhân hát chầu văn trong cả nước tề tựu về đền Đông Cuông dâng hương kính Mẫu, tham gia diễn xướng hầu đồng và những hoạt động trong khuôn khổ của Lễ hội nhằm phát huy giá trị văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu đã được UNESCO vinh danh và Lễ hội Đền Đông Cuông đã được ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Với những nét độc đáo trong sinh hoạt tín ngưỡng, Đền Đông Cuông từ lâu đã trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, thu hút đông đảo khách du lịch.

Theo sử sách, thư tịch cổ, Đền Đông Cuông có từ đời Lê, được phát triển từ một miếu cổ thờ Đông Quang (thuộc trung tâm trại Quy Hóa thời Trần).

Đền Đông Cuông tọa lạc bên bờ sông Hồng, thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, xung quanh có đại ngàn bao phủ.

Đền có dáng dấp kiến trúc của đền chùa truyền thống, góc mái ngói cong và hình lưỡng long chầu nhật, các cột đền được làm bằng gỗ tứ thiết, được sơn son thếp vàng hình rồng cuốn trang nghiêm.

Đền Đông Cuông là cụm di tích gồm 4 điểm, ngoài đền Chính còn có miếu Cô, miếu Cậu và miếu Đức Ông (tọa bên hữu ngạn sông Hồng đối diện với ngôi đền Chính về hướng nam cách 150m đường chim bay thuộc cụm di tích đền Đông Cuông).

Hằng năm, cứ Xuân Thu nhị kỳ, vào đầu năm bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch và cuối năm từ tháng Tám đến tháng 12 âm lịch, các thanh đồng trên mọi miền đất nước thường về đền Đông Cuông để lễ Mẫu và “bắc ghế hầu Thánh."

Lễ hội truyền thống Đền Đông Cuông giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Bản sắc văn hóa trong Lễ hội đền Đông Cuông đã và đang được cộng đồng duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh người Việt.

Hàng trăm năm qua, Lễ hội Đền Đông Cuông đã trở thành sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của cộng đồng các dân tộc là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng các dân tộc.

Với giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học tiêu biểu, ngày 16/1/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định ghi danh Lễ hội đền Đông Cuông vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Festival Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn cũng tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong việc bảo tồn và phát huy Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại là "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt."

Đây còn là dịp để nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Văn Yên củng cố tình đoàn kết, tích cực thi đua lao động sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở huyện Văn Yên./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên