Bài ca thống nhất - Bài 2
(BDO) Bài 2: Đồng khởi!
Ông Nguyễn Thanh Tâm (bên trái) cùng Hội Truyền thông Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương về thăm Chiến khu Đ
Từ ánh sáng của nghị quyết
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Thanh Tâm, chiến sĩ Đoàn C.200 (lực lượng mở đường Trường Sơn huyền thoại), nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh, trong dịp kỷ niệm đặc biệt khi đất nước được hưởng 46 mùa xuân hòa bình, độc lập. Theo lời ông Tâm kể, giai đoạn 1955- 1959 được xem là thời kỳ rất khó khăn của cách mạng miền Nam. Trước những thủ đoạn mới của Mỹ - Diệm, lực lượng cách mạng bị tổn thất nặng. Từ giữa năm 1959, ở miền Nam Mỹ - Diệm tập trung lực lượng tiến công đánh phá vùng căn cứ cách mạng. Chúng sử dụng máy bay bắn phá ác liệt và ra sức bao vây kinh tế, triệt nguồn lương thực từ ngoài vào căn cứ. Lúc này, lực lượng vũ trang cách mạng đã kiên trì bám trụ nhờ vào sự hào phóng của thiên nhiên và sự đùm bọc, thương yêu giúp đỡ của đồng bào.
Chính lúc Mỹ - Diệm tưởng chừng như có thể dập tắt được phong trào cách mạng thì nhân dân ta lại dấy lên phong trào đấu tranh mạnh mẽ. Một số nơi, lực lượng cách mạng đã chủ động diệt ác ôn, chỉ điểm hỗ trợ cho quần chúng đấu tranh chính trị chống khủng bố, chống bắt lính... Đâu đâu nhân dân cũng sôi sục ý chí căm thù, sẵn sàng nổi dậy lật đổ chế độ độc tài tay sai Ngô Đình Diệm khi có hiệu lệnh của Đảng.
Trước tình hình khó khăn của cách mạng miền Nam, Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II ra đời. Nghị quyết chỉ rõ: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân…, lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”. Tiếp thu Nghị quyết 15, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thủ Dầu Một như được tiếp thêm nguồn sinh lực mới, tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang ở các huyện, thị phát triển.
Bước phát triển mới của phong trào cách mạng miền Nam
Nhớ lại thời điểm “Đồng khởi” ở tỉnh Thủ Dầu Một, bác sĩ Trương Trung Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Sông Bé, cho biết năm 1958, khi tròn 14 tuổi, ông đã được đưa đi Sài Gòn làm quân báo. Nhiệm vụ của ông lúc bấy giờ là giao liên, đưa thư từ mật cho khu Sài Gòn- Gia Định - Chợ Lớn. Đầu năm 1960, ông được đưa về quê ở xã An Điền, huyện Bến Cát để theo thầy Sáu Vui, Chín Ngót học cứu thương để phục vụ cho trận đánh Tua Hai ở Tây Ninh. Sau trận Tua Hai, phong trào nổi dậy của quần chúng, các lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng ra đời và phát triển mạnh mẽ với những trận đánh có hiệu quả cao, tiêu diệt được nhiều địch trên khắp chiến trường miền Nam.
Tại tỉnh Thủ Dầu Một, để chuẩn bị cho “Đồng khởi” trong toàn tỉnh, Tỉnh ủy xác định phải khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang tự vệ; xây dựng, phát triển thật nhiều cơ sở cách mạng, xây dựng căn cứ đứng chân tương đối an toàn cho nhiệm vụ chiến đấu lâu dài; phát động nhân dân ủng hộ vật chất phục vụ yêu cầu mọi mặt của cách mạng. Đồng thời, Tỉnh ủy chỉ đạo cho các huyện, chủ yếu là Bến Cát, Châu Thành rút thanh niên đưa lên xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh.
Sau khi kiểm tra lại công tác chuẩn bị lần cuối, Tỉnh ủy quyết định chọn ngày 25-2-1960 làm ngày đồng khởi chung toàn tỉnh. Tỉnh ủy xác định địa điểm chỉ đạo của tỉnh là huyện Bến Cát, lấy 3 xã An Điền, An Tây, Phú An làm điểm đột phá và chọn địa bàn Bắc Châu Thành làm hướng nổi dậy. Từng huyện tổ chức ban chỉ đạo riêng và chọn xã điểm để chỉ đạo. Nơi nào điều kiện chưa cho phép, không tiến hành đồng khởi được, các tổ vũ trang phải đẩy mạnh hoạt động diệt ác, trừ gian, uy hiếp tinh thần địch, mở thế kiềm cho dân.
Tối ngày 24-3-1960, tại xã Thới Hòa (huyện Bến Cát), ngay từ chiều, cơ sở hoạt động bí mật trong lực lượng dân vệ đóng đồn Thới Hòa đã tổ chức ăn nhậu tại ấp Bù Chí và mời cả tiểu đội dân vệ đóng đồn này đến nhậu. Khi bọn dân vệ thấm rượu, lực lượng ta phục sẵn bên ngoài chủ động thu 6 súng; tiếp đó diệt những tên ác ôn và kêu gọi số còn lại đầu hàng. Cùng lúc đó, đồng chí Sáu Thành, Huyện ủy viên chỉ đạo quần chúng nổi dậy dùng loa kêu gọi binh lính trong đồn đầu hàng; đồng thời vận động gia đình binh sĩ kéo tới đồn kêu gọi chồng con em bỏ ngũ về với cách mạng. Khắp các xóm ấp xã Thới Hòa vang lên tiếng gõ thùng, gõ mõ.... Hàng trăm quần chúng cùng đội vũ trang kéo đến trụ sở tề xã đốt phá nhà làng, giải tán tề vệ; truy bắt trừng trị những tên có nhiều nợ máu với nhân dân. Cuộc khởi nghĩa ở Thới Hòa đã châm ngòi nổ mở đầu cho phong trào đồng khởi trong toàn tỉnh...
Trong ngôi nhà tình nghĩa ở đường Huỳnh Văn Nghệ, phường Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một), bà Phạm Thị Lý (Tám Trầu) đã ở vào cái tuổi xế chiều nhưng tinh thần vẫn lạc quan, đặc biệt là khi kể về một thời thanh xuân rực lửa. 92 tuổi đời, hơn 70 năm tuổi Đảng, bà Tám Trầu là một trong số ít người đã từng sống trong giai đoạn lịch sử rất đỗi hào hùng nhưng cũng lắm đau thương của dân tộc. Kể về giai đoạn đồng khởi ở tỉnh Thủ Dầu Một, bà Tám Trầu, Phó Ban đấu tranh chính trị trực diện “mật” của tỉnh, cho biết: “Trong phong trào đồng khởi, để phối hợp và hoạt động vũ trang đạt kết quả hơn, Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban đấu tranh chính trị trực diện “mật”. Những năm đó, cấp ủy từ huyện, thị đến các xã đều thành lập được Ban đấu tranh chính trị để vận động, tổ chức, tập hợp quần chúng nhằm phối hợp trong hoạt động trên toàn tỉnh, địa bàn từng huyện, từng xã. Ở mỗi đợt đấu tranh tập trung của tỉnh, huyện, xã đều bố trí lực lượng đi đấu tranh trực diện, lực lượng phía sau hỗ trợ... được tổ chức chặt chẽ, kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang, công tác binh vận tiến công địch”.
Như vậy từ ngày 24-2-1960 đến 14-11-1960, trên địa bàn tỉnh Thủ Dầu Một diễn ra ba đợt đồng khởi. Đánh giá thắng lợi qua ba đợt thực hiện đồng khởi, ông Nguyễn Văn Hữu, nguyên Tỉnh đội Trưởng Tỉnh đội Thủ Dầu Một, cho biết: Qua ba đợt thực hiện đồng khởi, kết hợp chặt chẽ thế tiến công quân sự với phong trào nổi dậy của nhân dân, quân và dân Thủ Dầu Một đã làm chủ được trên 40 ấp thuộc 25 xã trên tổng số 46 xã trong toàn tỉnh; 10 làng công nhân trong tổng số 22 làng công nhân của đồn điền cao su Dầu Tiếng. Ta tiêu diệt hơn 100 tên ác ôn, giải tán nhiều ban tề xã, ấp, bức rút, bức hàng và tiêu diệt nhiều đồn bốt, thu trên 300 súng các loại. Suốt thời gian đồng khởi, ta huy động hàng chục ngàn lượt đồng bào tham gia đấu tranh trực diện với địch, kêu gọi hàng trăm tù binh lính bỏ ngũ. Chiến khu Đ, căn cứ Long Nguyên được mở rộng và củng cố, tạo thế liên hoàn giữa các xã, huyện. Một thắng lợi lớn hơn nữa là lực lượng Đảng, lực lượng vũ trang, cơ sở cách mạng được củng cố, xây dựng và phát triển nhanh chóng. Cơ sở Đảng ở Thuận An Hòa, An Sơn, An Thạnh, Bình Nhâm... được khôi phục. Hàng trăm thanh niên tình nguyện tham gia lực lượng vũ trang xã huyện, tỉnh. Một số nơi hình thành các đội tự vệ mật...
Phong trào Đồng khởi năm 1960 đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng miền Nam nói chung và tỉnh Thủ Dầu Một nói riêng. Thế và lực của cách mạng phát triển nhanh chóng, thời kỳ cách mạng chuyển sang thế tiến công đã bắt đầu. (còn tiếp)
THU THẢO