Bài ca thống nhất- Bài 3
(BDO) Đúng 0 giờ đêm 31-1-1968 (tức đêm giao thừa Tết Mậu Thân), quân dân toàn miền Nam đồng loạt tiến công và nổi dậy đánh đòn quyết liệt nhấn chìm ý chí xâm lư ợc của Mỹ. Hòa cùng tiếng súng tấn công của toàn miền, quân và dân trong tỉnh đã đồng loạt tiến công và nổi dậy khắp các nơi. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân dân ta đã làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom phá hoại miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris.
Kiện toàn lực lượng
Ông Tư Quỳ xem danh sách các anh hùng liệt sĩ - những đồng chí, đồng đội của lực lượng quân báo - biệt động Thủ Dầu Một năm xưa
Và, một lực lượng quan trọng được nhắc đến chính là Đội Biệt động TX.Thủ Dầu Một. Đây là một lực lượng tinh nhuệ với lối đánh “bí mật, bất ngờ, luồn sâu, đánh hiểm”, vào tận hang cọp để bắt cọp. Đội Biệt động TX.Thủ Dầu Một ra đời có nhiệm vụ kết hợp hoạt động tác chiến với xây dựng cơ sở, nhằm phá thế kìm kẹp của địch, tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân thị xã, nhất là trong nội ô phát triển, buộc địch phải căng kéo đối phó với ta ngay tại sào huyệt của chúng ở trung tâm tỉnh lỵ.
Nhắc lại câu chuyện của gần 60 năm trước, ông Nguyễn Văn Quỳ (Tư Quỳ), nguyên Đội trưởng Đội Biệt động TX.ThủDầu Một, hồi tưởng: “Chỉ từ cuối năm 1962 đến đầu năm 1963, trên toàn tỉnh Thủ Dầu Một và Phước Thành, quần chúng bị gom vào hơn 100 ấp chiến lược. Bởi địch xác định bình định, dồn dân, lập ấp chiến lược là “xương sống” của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Trước tình hình đó, đầu năm 1963, Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thủ Dầu Một quyết định thành lập Đội Biệt động TX.ThủDầu Một với nhiệm vụ kết hợp hoạt động tác chiến với xây dựng cơ sở, nhằm phá thế kìm kẹp của địch, tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân thị xã, nhất là trong nội ô phát triển, buộc địch phải căng ra đối phó với ta ngay tại sào huyệt của chúng ở trung tâm tỉnh lỵ”.
Những năm 1963-1964, lực lượng biệt động TX.ThủDầu Một được tổ chức thành những tổ biệt động hoạt động độc lập với các mật danh K9, K12, K13… do Ban Chỉ huy Thị đội trực tiếp chỉ huy, quyết định những trận đánh. Bước sang năm 1965, do sự phát triển của tình hình và yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng, Đội Biệt động TX.ThủDầu Một phải thực hiện được những trận đánh mạnh, đánh hiểm hơn nữa vào hang ổ địch, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã xây dựng lực lượng biệt động TX.ThủDầu Một thành một đơn vị độc lập, chiến đấu và lập nhiều chiến công lớn.
Một lực lượng cần được nhắc đến từ những ngày đầu Mỹ đổ bộ trên chiến trường Thủ Dầu Một chính là Tiểu đoàn Phú Lợi (TĐPL). Đây là tiểu đoàn chủ lực tập trung cơ động đầu tiên của tỉnh Thủ Dầu Một. Những trận đánh Bông Trang - Lò Gạch, Suối Dứa, Đồng Sổ… chính là bài học kinh nghiệm quý giá để làm nên lịch sử truyền thống hào hùng của tiểu đoàn. Có dịp đến với Khu căn cứ Vườn Trầu ở xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng, mọi người sẽ thấy bia kỷ niệm ngày thành lập TĐPL sừng sững uy nghiêm. Đây chính là minh chứng hùng hồn cho chặng đường 21 năm xây dựng và chiến đấu của tiểu đoàn. Với truyền thống “Ra quân đánh thắng trận đầu, đánh là tiêu diệt, ra quân là chiến thắng”, TĐPL đã lập được nhiều chiến công hiển hách, góp phần cùng quân dân trong tỉnh và lực lượng chủ lực của Bộ, Miền đánh đổ ngụy quân, ngụy quyền trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và đỉnh cao là đại thắng mùa xuân 1975, thu giang sơn về một mối.
Theo lời ông Dương Văn Liễu, nguyên Chính trị viên TĐPL, tiểu đoàn hình thành từ tháng 11-1964, với những đơn vị tiền thân là Đại đội 304, 306, 308 và Đại đội 4 trợ chiến. Trong đó, Đại đội 304 ra đời sớm và là đơn vị mạnh được xây dựng làm nòng cốt. Nhưng đến ngày 5-6-1965 mới thật sự là ngày chính thức khai sinh tiểu đoàn, từ đây đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng vũ trang tỉnh.
Giờ “G” đã điểm
Đúng 0 giờ đêm 31-1-1968 (tức đêm giao thừa Tết Mậu Thân), quân dân toàn miền Nam đồng loạt tiến công và nổi dậy đánh đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Hòa cùng tiếng súng tấn công của toàn miền, quân và dân trong tỉnh đã đồng loạt tiến công và nổi dậy khắp các nơi. Trên địa bàn các căn cứ của ta, bộ đội TĐPL, Trung đoàn Đồng Nai xuất kích tấn công các mục tiêu quân sự, chính trị của địch ở tỉnh lỵ Thủ Dầu Một, Tòa hành chính, Ty cảnh sát cùng hàng loạt đồn bót. Trực tiếp hỗ trợ cho bộ đội đánh địch ở phía trước, đội dân công hoạt động cả ngày lẫn đêm, Chiến khu Vĩnh Lợi trở thành trạm trung chuyển thương binh, tải đạn, đưa vũ khí ra tuyến trước, thành lập trạm sơ cứu thương. Thương binh ở mặt trận được đưa về trạm chăm sóc để chuyển về tuyến sau an toàn.
Ký ức về những ngày Mậu Thân 1968 rực lửa tràn về, ông Tư Quỳ nhớ lại khí thế sục sôi của những ngày ấy: “Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đội Biệt động TX.Thủ Dầu Một có nhiệm vụ đánh chiếm Tòa hành chính - Dinh tỉnh trưởng, phát triển đánh chiếm trại giam, giải phóng những người bị địch bắt cầm tù, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 2, 4 (TĐPL) và Đại đội Đặc công Phân khu 5 đánh chiếm thành Công binh, phối hợp với quần chúng nổi dậy đánh chiếm thị xã, thiết lập chính quyền cách mạng”.
Nhớ về một thời oanh liệt, ông Tư Quỳ bồi hồi nói: “Đội biệt động TX.ThủDầu Một có những lúc thăng trầm, lực lượng tiêu hao nhiều, giờ đồng chí, đồng đội năm xưa đâu còn mấy người. Đó là những năm 1968 - 1969, có khi lực lượng chỉ còn khoảng 20 cán bộ, chiến sĩ phân tán hoạt động trên cả địa bàn cánh nam và cánh bắc thị xã. Tuy nhiên, dù hoàn cảnh nào, Đội Biệt động TX.ThủDầu Một cũng vừa bám trụ chiến đấu, vừa cùng các lực lượng địa phương móc nối xây dựng cơ sở, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Hôm nay, những người tham gia Đội Biệt động TX.Thủ Dầu Một, TĐPL lừng lẫy một thời đã trở thành ông, thành bà. Những con người dũng cảm, kiên cường ấy nếu có dịp gặp lại nhau vẫn luôn nhắc nhau, nhớ về những đồng đội đã ngã xuống năm xưa. (còn tiếp)
THU THẢO