Các khu công nghiệp: Lực đẩy phát triển kinh tế - Kỳ 2

Cập nhật: 04-12-2014 | 09:02:04

Kỳ 2: Từ góc nhìn doanh nghiệp

> Kỳ 1: Thành công nối tiếp thành công

Việc các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh thu hút mạnh nguồn vốn, nhất là vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thời gian qua đã cho thấy hiệu quả và sức hút của các KCN đối với nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp (DN) đều khẳng định sự hài lòng là yếu tố đi đến quyết định đầu tư của họ vào đây.

Hấp dẫn nhà đầu tư mới

Điều dễ dàng nhận thấy là các KCN ở Bình Dương có hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, giao thông kết nối thuận tiện, cộng với các yếu tố thuận lợi từ môi trường đầu tư chung của tỉnh như chuẩn bị nguồn lực lao động dồi dào phục vụ nhà đầu tư, thủ tục hành chính công nhanh gọn, nguồn nhân lực qua đào tạo bảo đảm… đã tạo sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn nguồn vốn FDI đã tăng nhanh vào các KCN. Đến nay, trong số 2.367 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 20,3 tỷ đô la Mỹ đầu tư vào Bình Dương, thì số lượng dự án đầu tư vào các KCN có đến 1.361 dự án với tổng vốn 12,2 tỷ đô la Mỹ, chiếm gần 57,5% về số lượng dự án và gần 60,1% về vốn đầu tư.

Sản xuất sản phẩm dược, mỹ phẩm tại Công ty TNHH Rohto-Mentholatum Việt Nam, KCN Việt Nam - Singapore I. Ảnh: T.BÌNH

Với các nhà đầu tư FDI, chọn lựa KCN để đầu tư là phải trải qua quá trình tìm hiểu thực tế, qua khảo sát tìm hiểu rất kỹ mới đi đến quyết định. Là DN đầu tư mới vào Bình Dương, trong năm 2014 Công ty TNHH Dược phẩm Medochemie (Cộng hòa Síp) đã đầu tư 16 triệu đô la Mỹ xây dựng nhà máy sản xuất các loại dược phẩm tại KCN Việt Nam - Singapore II. Ông Pittas Konstantinos, Giám đốc vùng Công ty TNHH Dược phẩm Medochemie, cho biết: “Qua khảo sát thực tế về môi trường đầu tư ở nhiều nơi, chúng tôi nhận thấy rằng tỉnh Bình Dương có môi trường đầu tư rất tốt với cơ sở hạ tầng hiện đại, nhất là các KCN hoàn chỉnh và thuận lợi về kết nối giao thông, về nguồn nhân lực. Cùng với đó là sự trọng thị của chính quyền tỉnh với thủ tục hành chính nhanh gọn, luôn đồng hành và tạo nhiều thuận lợi cho nhà đầu tư. Vì vậy công ty đã quyết định chọn KCN tại Bình Dương để đầu tư”.

Một trong những dự án đầu tư mới vào sản xuất tại các KCN có vốn lớn nhất trong năm 2014 là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Việt Hương (Liên doanh giữa Tập đoàn Haputex Development Limited của Hồng Kông và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Việt Hương). Công ty này đã đầu tư nhà máy sản xuất vải với tổng vốn 120 triệu đô la Mỹ tại KCN Việt Hương 2. Ông Marcus IP, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Nam Phương Textile, cho biết lý do mà tập đoàn chọn đầu tư và xây dựng nhà máy tại Bình Dương là qua khảo sát, tập đoàn nhận thấy các KCN tại đây có hạ tầng kỹ thuật rất tốt và hoàn chỉnh với quỹ đất sạch dồi dào giúp triển khai nhanh dự án để nắm bắt cơ hội trong đầu tư. Bên cạnh đó, với hệ thống giao thông thuận lợi, kết nối từ các KCN đến các cảng khô, cảng biển nước sâu, sân bay… bằng nhiều tuyến đường thuận lợi, giúp DN dễ dàng đưa sản phẩm thâm nhập thị trường.

Tăng vốn đầu tư

Mức độ hài lòng về các KCN tại Bình Dương còn biểu hiện rõ nét nhất là ở chỗ, nhiều nhà đầu tư tăng vốn mở rộng sản xuất. Đối với DN, đầu tư vào một nơi nào đó thường phải cân nhắc kỹ càng, nhưng một khi đã đầu tư hiệu quả thì quyết định đầu tư lâu dài và nhiều DN đầu tư thêm vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Bà Marjorie Yang, Chủ tịch Tập đoàn Esquel (Hồng Kông), có dự án đầu tư tại KCN Việt Nam - Singapore I hơn 14 năm qua, cho biết bên cạnh hạ tầng KCN đáp ứng tốt yêu cầu, đầu tư vào đây DN luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền tỉnh, qua đó tạo thuận lợi cho DN đầu tư hiệu quả. Với sự giúp đỡ đó, DN rất tin tưởng vào môi trường sản xuất, kinh doanh ổn định ở Bình Dương. Vì vậy tập đoàn đã tăng vốn đầu tư thêm 35 triệu đô la Mỹ để phát triển nhà máy trung tâm lớn mạnh nhất của tập đoàn tại Bình Dương.

Với Công ty TNHH KyungBang Việt Nam thuộc Tập đoàn KyungBang nổi tiếng của Hàn Quốc trong lĩnh vực dệt may, khi đầu tư vào KCN ở Bình Dương và đi đến quyết định tăng vốn thì thời gian chỉ tính bằng tháng. Cụ thể, tháng 5-2013 công ty đưa nhà máy sản xuất sợi giai đoạn một 40 triệu đô la Mỹ vào hoạt động tại KCN Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng); chưa đầy 1 năm sau công ty đã tăng vốn đầu tư thêm 54,2 triệu đô la Mỹ để mở rộng sản xuất sợi cotton nhằm phục cho ngành dệt may tại Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường các nước. Ông Lee Kap Soo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH KyungBang Việt Nam, cho biết lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may tại Việt Nam rất có tiềm năng và tập đoàn chọn KCN tại Bình Dương để bắt đầu cho một thời kỳ phát triển mới. Công ty chọn đầu tư vào KCN tại Bình Dương vì các KCN có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội rất tốt, phù hợp với mục tiêu phát triển lâu dài và khả năng phát triển liên tục của nhà đầu tư.

Đánh giá về nguồn vốn tăng trưởng mạnh vào các KCN, nhất là các dự án tăng vốn mạnh sau thời gian đầu tư hiệu quả, Ban Quản lý các KCN tỉnh, khẳng định đây là minh chứng thuyết phục về mức độ hài lòng của DN về các KCN tại Bình Dương.

Bà WOBINE BUIJS GLAUDEMANS, Thị trưởng thành phố Oss (Hà Lan): Bình Dương có hạ tầng KCN tốt

Trong chuyến thăm và làm việc tại Bình Dương trong năm 2014, tôi cho rằng cả hai nước Hà Lan - Việt Nam nói chung và thành phố Oss với Bình Dương nói riêng có nhiều tiềm năng hướng tới hợp tác bền vững và lâu dài. Qua khảo sát thực tế và làm việc, cảm nhận và ấn tượng của tôi là Bình Dương có hạ tầng KCN tốt và phát triển mạnh, rất thuận lợi để doanh nghiệp hai bên cùng nhau hợp tác phát triển trong nhiều lĩnh vực.

Ông KIM GYONG TAE, Tổng Giám đốc Công ty Suntech Vina: DN được hỗ trợ nhiều từ chủ đầu tư KCN

Quá trình đầu tư vào KCN Mỹ Phước 3 chúng tôi gặp nhiều thuận lợi. Bên cạnh thủ tục đầu tư được giải quyết nhanh chóng, công ty còn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chủ đầu tư KCN. Nhờ đó nhà máy của công ty đi vào hoạt động chỉ sau 4 tháng được cấp chứng nhận đầu tư. Sở dĩ đạt được tiến độ nhanh như vậy là nhờ chính quyền, các sở ngành, chủ đầu tư KCN luôn quan tâm, giúp đỡ tận tình, từ việc hướng dẫn thủ tục, cấp phép đầu tư… để công ty triển khai nhanh dự án. Từ những thuận lợi đó chúng tôi đã quyết định tăng vốn mở rộng đầu tư.

Ông SODDY HUANG, Chủ tịch Tập đoàn Kingtec (Đài Loan): Các KCN đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư

Năm 2014 Tập đoàn Kingtec ký kết hợp đồng thuê đất nhằm triển khai dự án tại KCN Mỹ Phước 3 để sản xuất các mặt hàng điện tử như đèn LED cao cấp, đèn để bàn, đèn treo tường các loại… với số vốn đầu tư giai đoạn 1 là 30 triệu USD. Trong quá trình tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam, tập đoàn đánh giá cao môi trường đầu tư của Bình Dương nên quyết định chọn KCN Mỹ Phước 3 để triển khai dự án. Các KCN của tỉnh đã đáp ứng được yêu cầu hạ tầng, lao động… rất phù hợp cho bước chuyển hướng đầu tư lâu dài của tập đoàn vào Việt Nam.

 

Kỳ 3: Tạo lực cho dịch vụ, đô thị phát triển

TRỌNG MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên