Công nghiệp Bình Dương, sức bật và lan tỏa - Kỳ cuối

Cập nhật: 23-01-2021 | 08:36:31

Kỳ cuối: Đồng bộ hạ tầng, thúc đẩy phát triển

 Bình Dương đã và đang tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đa dạng hóa nguồn lực và phương thức đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các công trình hướng ngoại quan trọng, tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

 

Những năm qua, Bình Dương luôn là tỉnh đi đầu phát huy tính chủ động trong đầu tư giao thông kết nối với các địa phương lân cận. Trong ảnh: Tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn đang được khai thác hiệu quả

 Phát huy tính chủ động

Bình Dương luôn là tỉnh đi đầu, phát huy tính chủ động trong đầu tư giao thông kết nối với các địa phương lân cận. Lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đều luôn xác định “Phát triển kết cấu hạ tầng phải đi trước, đón đầu, tạo bước đột phá”. Thực hiện mục tiêu này, những năm qua, Bình Dương đã triển khai xây dựng nhiều hạng mục công trình vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương, vừa góp phần kết nối vùng thuận lợi, thúc đẩy phát triển cả vùng. Để có được nguồn vốn đầu tư, Bình Dương đã tập trung huy động vốn từ mọi nguồn lực, thành phần kinh tế.

Bước đầu huy động, tỉnh đã thu hút được các nguồn vốn ngoài ngân sách, với nhiều phương thức đầu tư khác nhau để phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt về hạ tầng giao thông đối ngoại quan trọng được đầu tư theo hướng đồng bộ, liên hoàn, ưu tiên kết nối hợp lý giữa đường tỉnh, đường huyện với hệ thống giao thông quốc gia và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cụ thể, tỉnh đã triển khai đầu tư các tuyến đường mới bảo đảm kết nối giao thông khu vực, như: Đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, đường trục chính Đông - Tây, Bắc Nam 3, nâng cấp cải tạo Quốc lộ 13, ĐT743; tiếp tục đầu tư hoàn thiện tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn, đây là tuyến đường được xem là điểm sáng của Bình Dương trong việc huy động nguồn vốn từ xã hội hóa. Tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn giúp Bình Dương tạo thêm trục giao thông quan trọng cho các khu công nghiệp kết nối với TP.Hồ Chí Minh và kết nối về cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), sân bay Long Thành (Đồng Nai) thông qua các đường vành đai trong tương lai.

Đẩy mạnh liên kết vùng

Hiện nay, tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn Chơn Thành - Đức Hòa), tỉnh đã đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải sớm triển khai xây dựng để tăng cường kết nối giữa Bình Dương với Bình Phước, Tây Ninh. Hay như tuyến đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh (tuyến đi trùng với đường Mỹ Phước - Tân Vạn đến Bình Chuẩn rẽ trái giao với Quốc lộ 13 và vượt sông Sài Gòn), hiện tỉnh đã đầu tư xây dựng đoạn từ ngã ba Tân Vạn đến Bình Chuẩn quy mô 6 làn xe.

Bên cạnh đó, Bình Dương đang triển khai đầu tư xây dựng từng đoạn tuyến của đường Vành đai 4 để kết nối Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Bình Dương đã kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải sớm đẩy nhanh tiến độ cắm mốc giải phóng mặt bằng và tiến hành đầu tư xây dựng theo quy mô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở để địa phương quản lý quy hoạch xây dựng theo quy định”. Ngoài ra, địa phương đang đẩy nhanh xây dựng cầu Bạch Đằng 2 qua sông Đồng Nai.

Song song với việc chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, Bình Dương cũng hết sức quan tâm đến phát triển hệ thống giao thông đường sắt. Đối với tuyến Dĩ An - Lộc Ninh và tuyến TP.Hồ Chí Minh- Mỹ Tho - Cần Thơ - Cà Mau, theo ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, tỉnh đã kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải sớm triển khai cắm mốc tim tuyến và ranh giải phóng mặt bằng để tỉnh công bố quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng theo quy định. Hiện toàn tỉnh đã và đang triển khai 29 khu công nghiệp (KCN) với diện tích 12.743ha và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 794ha, trong đó có 26 KCN đang hoạt động. Để đáp ứng nhu cầu đi lại, đặc biệt là nhu cầu vận chuyển hàng hóa, Bình Dương đã kiến nghị ngành đường sắt quan tâm đầu tư các tuyến đường sắt liên vùng.

Hiện nay, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang triển khai thi công và sẽ được nối dài đến Bình Dương, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kết nối các đô thị giữa TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương. Dự án sẽ giải quyết được nhu cầu vận chuyển hành khách công cộng giữa 3 địa phương về lâu dài. Bên cạnh đó, dự án còn tạo điều kiện thuận lợi cho chiến lược xây dựng và phát triển đô thị Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Có thể thấy, khi hạ tầng giao thông được đầu tư hiện đại, đồng bộ, kết nối chính là nền tảng, động lực để thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng nói chung.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong tương lai gần sẽ là vùng siêu đô thị, quy mô hàng đầu Đông Nam Á và cả khu vực châu Á. Để đạt được mục tiêu đó, các địa phương cần phải đoàn kết phát triển trong một tầm nhìn. Quy hoạch phát triển vùng TP.Hồ Chí Minh và 7 tỉnh lân cận là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang được xác định có vai trò liên kết và hỗ trợ các đô thị trong vùng cùng phát triển. Để kết nối vùng cần ưu tiên quy hoạch đầu tư các công trình hạ tầng, nhất là các tuyến cao tốc, hệ thống cảng - logistics...

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: “Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bình Dương phát triển các đô thị gắn với việc phát triển kết cấu hạ tầng, tập trung nguồn lực để xây dựng đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục phối hợp với các tỉnh thành trong vùng để tìm giải pháp thực hiện và đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật có tính chất kết nối vùng”.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên