Đời người xuyên thế kỷ

Cập nhật: 26-09-2014 | 10:21:18

>> Xem kỳ trước

Điệp viên A.13 Hoàng Đạo

Ông sẽ kể về cuộc đối thoại chưa từng có trong đời, với tướng Alexandri, Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Việt Nam về những “tuyên ngôn” thực sự của mình trước thời cuộc. Nhưng trước khi đi vào cuộc chất vấn nảy lửa để thu phục lòng tin đó, ông thấy cần thiết phải giải thích rõ cho tôi cái hoàn cảnh và nhiệm vụ của ông lúc đó. Dường như ông sợ tôi không hiểu hết - Mà sao tôi hiểu hết được? Ngày ông làm nên chiến công vang dội, thế hệ chúng tôi nhiều người chưa ra đời, hoặc mới vài tuổi. Đến ngay như các đồng chí, người cùng thời hoạt động với ông còn có tới 1.000 điều thắc mắc kia mà! Tôi đề nghị ông cứ làm người kể chuyện. Bởi đây không phải là cuốn chính sử, mà là bức chân dung con người với ký ức của ông, có thể nhớ điều này hơn điều nọ là lẽ thường. “Ty điệp báo lúc đó cử tôi vào theo đường dây với Kim Sơm, lúc đó đã cấy vào cơ quan Phòng Nhì của Pháp. Pháp cấp tiền bạc cho họ hoạt động không cần đắn đo trong chi tiêu. Một lãnh tụ tay sai của họ trong tương lai. Về các nhân vật tay sai như thế, trong lịch sử thường là những hình ảnh đáng khinh. Tính chất chung là: cầu lợi, nhắm mắt bán nước, răm rắp tuân lệnh chủ một cách ngu xuẩn và hèn hạ, thường bị chính chủ nhân vừa dùng vừa khinh rẻ. Nhưng Hoàng Đạo, tạo nên hình ảnh một chính khách có tư chất, có tư tưởng và can đảm. Phẩm chất đó càng làm cho Pháp càng thêm tin tưởng và hy vọng. Họ cũng đã chán ngàn với đám tay sai trung thành, chỉ vì quyền lợi, đám tay sai không có uy tín xã hội. Người Pháp tự hiểu làm sao những đảng phái khác đầy rẫy ở nội thành, những nhân vật như Đặng Văn Sung, Bùi Diễm, Hà Thúc Ký, Hoàng Nguyên, Đinh Xuân Cầu, Nguyễn Văn Hương... vừa viết báo vừa làm ở “Đơ dem” mật thám, lại có thể trở thành lực lượng đối chọi nổi với những người yêu nước Việt Minh. Những người yêu nước Việt Nam lớn mạnh lên với tên tuổi Cụ Hồ Chí Minh đang thu phục lòng ngưỡng mộ cả một dân tộc. Phải có một nhân vật có tầm cỡ yêu nước nhưng theo Pháp, thực sự hành động vì lý tưởng. Hoàng Đạo chính là miếng mồi ngon cho con hổ đói. Đó chính là tài năng nhận định của lãnh đạo cách mạng, là tài năng của ngành công an, của ông Nguyễn Tạo và của người trực tiếp hành động.

Ông trở thành niềm hy vọng, là con cưng của Pháp. Không kể các sinh hoạt lặt vặt như ngồi ở nhà có người đến đo ni đóng giày, cắt quần áo, hớt tóc, mà ông còn nhận vũ khí cho “Đảng Phục Việt” đảng “ma” của ông. Liệu có hay không những khó khăn tất yếu của nghề tình báo điệp báo: Pháp tin dùng, thì thường những người yêu nước thực sự sẽ ghét và xa lánh? Ngoài số yêu nước ra chiến khu, tập hợp ở làng Quần Tín - Cổ Định, chịu bao gian khó ra kháng chiến, thì còn những trí thức yêu nước khác ở lại trong lòng địch. Vì những lý do riêng Hoàng Xuân Hãn, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Mạnh Hà, những trí thức “trùm chăn” bất hợp tác, Tây gọi “toa hát” (ba chữ H). Sự im lặng của các trí thức lớn như một “phong trào”, một không khí chính trị. Người ta đều biết “trụ sở” của sự im lặng ấy “đóng” ở nhà sách của Nguyễn Mạnh Hà đường Tràng Thi. Họ đối lập với những “trụ sở” khác như Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh... ở số 80 đường Quán Thánh. Khó khăn của Hoàng Đạo là tập hợp các đảng phái trong một “mặt trận yêu nước” mà ông phải nổi lên như một lãnh tụ. Đủ các mức độ phản ứng phải dung hòa, từ việc sao cho các đảng phái ở trong cái “mặt trận” đừng chống lại ông, cho tới việc tranh thủ quan hệ với giới báo chí thân Pháp như tờ “tin tức” của Mai Văn Hàm...

Hoạt động như thế rất dễ chịu sự khinh bỉ của trí thức “trùm chăn”. Hoàng Đạo biết vậy, ông thường chú ý tránh mặt nhóm “ba H”.

Nhưng với người Pháp, không lẽ Phòng Nhì mật thám Pháp cao giá như vậy lại mắc mưu dễ dàng sao?

“Đó cũng là 1.000 câu hỏi, ở cuộc chất vấn của chính các đồng chí chân thành của tôi - “Hình như ông sợ tôi nghĩ đến cái cung cách “đấu tố” ở thời nhiều ấu trĩ sai lầm, rồi vì thế mà có ác cảm với quá khứ chăng. Mặt khác, ông lại không muốn giấu sự thật: “Có một số người sẽ còn nhớ cái trường mang tên bốn con số: 1111. Đó là nơi học tập của những người “có vấn đề”. Họ đến đây để nhìn lại tỉ mỉ cuộc đời mình từ năm bảy tuổi. Lý lịch làm trong sáu tháng. Họ chân thành với các ý niệm: Nói thật là thước đo trung thành với Đảng và chỉ nói khuyết điểm mà thôi”.

Trại cải tạo chứ gì? Sao ông không gọi đúng sự vật bằng tên của nó? Tôi bật lên một câu hỏi. Từ lâu người ta thành kiến với nền dân chủ của châu Á, nhất là sau khi đọc nhiều sách của chính người Trung Quốc viết về số phận bi thảm của con người trong cách mạng văn hóa của Trung Quốc. Và sai lầm đã được sửa chữa trong cải cách ruộng đất ở Việt Nam. Hoàng Đạo cười: “Cô bị tràn ngập thông tin rồi đó - Sao lại nghĩ đen tối vậy. Ta khác - Nếu cô bị ám ảnh điều gì đó thì hãy nghe tôi tả cuộc sống ở đó nhé”. Ông Trần Trọng Hoàn, tức Hai Tân, thủ trưởng của cô hôm nay, cũng có mặt ở cái trường đó cùng với tôi đấy! Các đồng chí khác thì thích thú, chỉ muốn nghe đến lượt tôi kiểm điểm. Vì cái đời của tôi nó hay, nhiều chuyện ly kỳ như nghe tiểu thuyết tình báo, lại là cuộc đời đầy những thăng trầm và éo le cho người khác dễ chất vấn cả buổi”.

Sau mỗi lần chất vấn như thế, họ lại cùng nhau nấu chè ăn. Lại còn rúc rích kể cho nhau về một bà tên “Catơrin Nhu” - Catơrin là tên một nhân vật phụ nữ Nga có nhiều chồng - Mà ở cái xứ Việt Bắc gian khổ toàn nam giới ấy, có một phụ nữ, nhiều anh tán, thành ra cái tên bà ta. Mỗi người làm cái lán nhỏ ở bên suối. Bà Catơrin kia thường lên phía trên để làm lán. Hoàng Đạo đâu chịu. Ông vác đồ lề lên tít trên nữa mới làm lán “định cư”. Ông phải ở phía trên “dòng nước” của Catơrin thơ mộng!

Ông Phan Trọng Quảng người đã từng đi Nga với đồng chí Trần Phú, làm tặng Hoàng Đạo một cây gậy có khắc dòng chữ: “Tân Long Tuyên Kỷ” nghĩa là kỷ niệm ở xã Tân Long, Tuyên Quang.

“Thôi tôi lại kéo cô đi lan man. Cuộc sống thế đó, gian khổ, căng thẳng vì kiểm điểm nhưng ấm áp tình đồng chí. Cho đến hôm nay tôi ngồi với cô đây, sau cả mấy cuốn tiểu thuyết viết theo nguyên mẫu đời tôi, vẫn còn chưa hết những câu hỏi. Vậy, bạn đọc vẫn tiếp tục thắc mắc để tôi kể cho cô nghe cái đoạn thằng Tây nó tin tôi trên cơ sở nào nhé”.

Trước khi lắng nghe một chương mới, tôi đã tự đáp cho mình phần nào về câu chuyện “cải tạo”. Người Việt Nam dù có bị ảnh hưởng của nhân loại điều hay điều dở nào, cũng luôn có cái riêng của mình. Tôi chợt nhớ một người bạn đã tâm sự sau khi xem “Tây du ký”: Tôn Ngộ Không là một hình tượng kỳ diệu, thu phục tình yêu của toàn nhân loại. Người Việt Nam, trẻ em mê như điếu đổ. Yêu cái thông minh, biến hóa can đảm, nhưng rõ ràng khác người Việt Nam. Tây du ký phản ảnh một thời kỳ nhiều phức tạp của xã hội cổ Trung Quốc, nhiều chống đối. Còn tâm hồn người Việt Nam như một cuốn sách bỏ ngỏ, luôn mong ước giao hòa với mọi người, không có cái nhìn “vào đâu cũng thấy yêu quái”. (Còn tiếp)

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

Chia sẻ bài viết
Tags
diep vien

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên