Đời người xuyên thế kỷ

Cập nhật: 27-09-2014 | 08:28:55

>> Xem kỳ trước

Điệp viên A.13 Hoàng Đạo

19. Nhưng tôi phải nhớ là, ông không hoạt động một mình, cả một bộ chỉ huy ngành công an đã tạo cho ông môi trường rộng lớn để tung hoành - phần của ông chỉ là người lính ra trận - Hoàng Đạo cứ luôn nhắc nhở tôi như vậy trong câu chuyện. Ông bảo tôi không thể không nhớ cho kỳ rằng, Pháp đã có kiểm tra ông. Đâu chỉ có võ mồm thu phục chúng được. Phải cho họ thấy được lực lượng “đảng” của ông là có thật. Chính công an đã dày công bố trí một vùng chiến khu giả, với các trạm kiểm soát ngặt nghèo và những cuộc phục kích thật sự. Hoàng Đạo, Kim Sơn phải dẫn cả phái viên của chúng về núi Hoàng Sơn, nơi chiến khu của nhân vật lịch sử Lê Chính, tiền đồn của quân Lê Lợi - Cái chiến khu oai hùng, nơi ông đã sống và hoạt động, đã sinh ra hai người con trai ở đây, lấy tên của chính sông núi này Hoàng Sơn - Hoàng Giang để đặt tên cho con. Nói hậu phương hay vùng tự do của ta, nhưng phải nhớ rằng: còn cả một mạng lưới gián điệp, chỉ điểm của Pháp như những kẻ lợi dụng tôn giáo, phản động còn ẩn náu giấu mặt trong vùng tự do... đó là tai mắt của địch... đang theo dõi, rình rập cạnh ta... Công an và tổ chức đã chỉ huy cả một đường dây hoạt động này, không phải mình ông - Tôi biết rồi. Tôi còn biết đánh chiến hạm là một chiến công trong đó có nhiều người đóng góp, ngoài người phụ nữ quyết tử Nguyễn Thị Lợi... Khi vào thành, ông gặp trung tướng Alexandri - Ủy viên Cộng hòa Pháp, quyền lực như thống sứ Bắc kỳ, kiêm tư lệnh quân đội viễn chinh liên hợp Pháp ở Bắc Đông Dương. Họ gặp nhau ở một ngôi nhà, đối diện Bộ Ngoại giao ta ở Hà Nội bây giờ. Kim Sơn làm phiên dịch. Ngồi ở sa lông, mặt đối diện nhau. Tướng Alexandri đeo đầy huy chương, tác phong rất oai vệ. Lúc ông ta tới, có hai đại tá ra đón. Alexandri nói ngay với người ngồi trước mặt mình, người mặc bộ đồ Tôn Trung Sơn cổ cao bốn nút, có để râu: “Hôm nay tôi rất hân hạnh được gặp ông. Tôi là một quân nhân, ông bỏ qua các nghi thức ngoại giao để đi thẳng vào việc. Nhân danh nước Pháp, tôi hứa với ông, chúng tôi sẽ đền bù công sức xứng đáng cho sự đóng góp của ông”. Hoàng Đạo: “Kính thưa trung tướng, khi hân hạnh được mời đến, tôi chưa nghĩ đến việc cộng tác hay giúp đỡ gì cho nước Pháp nói chung và cho trung tướng nói riêng - Thật là bất ngờ - Kẻ đối diện không vồ lấy cơ hội để được trọng vọng đền đáp như rất nhiều người bản xứ tay sai. Hơn nữa, mục đích của cuộc gặp đã được thống nhất trước đó rồi kia mà: Pháp muốn mời đại diện các đảng phái để bàn việc trong lòng một chính phủ thân Pháp”. “Vậy ông tới đây để làm gì?”. Alexandri bật ngay theo tư duy logic ngắn gọn của một vị tướng không có nhiều thì giờ dành cho kẻ khác. “Thưa trung tướng, tôi vào đây để hân hạnh trình lên trung tướng với lòng mong muốn thiết tha của cá nhân tôi là: Đừng để xảy ra sự hy sinh vô ích của một số không ít thanh niên Pháp trong quân đội viễn chinh và một số thanh niên Việt Nam được huy động dưới cờ của tướng Giáp. Hơn thế nữa, còn bao nhiêu dân thường, hàng triệu người. Tất cả sự mất mát ấy chỉ là để trả giá cho sự thất bại của trung tướng”.

Đến đây Alexandri càng bất ngờ hơn. Kẻ đối diện dám mở đầu bằng câu khẳng định rằng ông, rằng người Pháp thất bại! “Chúng tôi thất bại!”. Viên trung tướng ngạc nhiên, hỏi lại, sợ nghe lầm chăng? Người đối diện gật đầu: “Vâng. Đúng vậy!”.

Có lẽ đây là tiếng nói đầu tiên, lạ lùng của dân tộc xứ này, viên tướng Pháp chưa bao giờ nghe. Alexandri đứng thẳng dậy, ghé sát vào Hoàng Đạo: “Ông vừa nói chúng tôi thất bại? Quân Pháp thất bại ở Việt Nam?”. “Đúng thế” - vẫn là câu trả lời chắc nịch - Viên tướng bắt đầu chất vấn: “Ông muốn nói tầm vông nhọn chống xe tăng? Súng mút-cơ-tông chống không quân hùng hậu của nước Pháp?”. Thưa trung tướng - người tranh luận ngồi đối diện vẫn không thay đổi thái độ - “Quả thật chúng tôi rất biết đây là cuộc chiến tranh giữa vũ khí tối tân, quân lính trang bị đầy đủ với những người hoàn toàn tay không. Nhưng chắc khi sang phương Đông, ông đã có nghiên cứu - Tôn Tử đã phát biểu một lần trong nghệ thuật quân sự: chiếm thành và giữ thành là hai việc khác nhau. Nghĩa là trung tướng có thể chiếm thành Hà Nội. Nhưng người nấu ăn cho trung tướng trưa nay, người làm giường ngủ cho trung tướng tối nay, người rót rượu cho trung tướng, họ là du kích thì trung tướng nghĩ sao? Kỹ thuật chiến tranh, khoa học mà nước Pháp dạy ở các trường võ bị Xanh Xuya của trung tướng, tôi không được học nên không rõ thế nào. Nhưng cuộc chiến tranh nhân dân ở đây nó như nước vậy. Đỡ lên được vạn tấn, mà thọc tay vào nước thì không thấy gì hết! Sức nước đổ xuống cũng như hàng vạn mã lực. Càng đánh ta càng mạnh, ta nhất định thắng, địch nhất định thua - Điều này Hồ Chí Minh nói, thưa trung tướng” - Quả là một điều ngoài sức hiểu của lòng tự tôn trong những viên tướng thực dân. Họ đến với trang bị kỹ thuật, họ hiểu chính xác các logic khoa học về mạnh - yếu với các khái niệm rõ ràng. Alexandri, hay là cả nước Pháp và sau này nhiều năm các nhà lãnh đạo Mỹ cũng vẫn tiếp tục mắc phải cái sai lầm duy lý của phương Tây! Năm 1998 này, sắp sang thế kỷ XXI, chiến tranh lùi xa đã mấy chục năm. Các thế hệ khác đã ra đời, đang quyết định các vấn đề mới của thời đại, vây mà môn “Việt Nam học” vẫn còn đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi tại sao Việt Nam thắng. Vậy thì tướng Alexandri không thể hiểu, không phải vì ông ta không thông minh. Ngay Hoàng Đạo, lúc đó cũng đâu có hiễu rõ như ngày nay chúng ta hiểu về chiến tranh nhân dân và nền văn hóa Việt Nam. Đời ông đâu có được học hành. Chữ nghĩa thu được ở trong tù với cây bút là miếng gạch non đổi đường ăn cho đám tù kinh tế. Miếng gạch non ấy cũng phải đem cân lên cho đúng với mấy cục đường - Vì thường xuyên bị cân điêu. Vậy thì hiểu biết ấy của ông ở đâu ra? Nó tích tụ bằng quãng đời phía sau, những ngày tù đày, những ngày làm thợ, những ngày đấu tranh, những ngày làm giám đốc công an với các lý tưởng cách mạng mãnh liệt - Điều này Alexandri có nắm biết không? Có! Họ nắm chắc sự kiện lý lịch nhưng không hiểu con người với những gì trong đầu, trong tim. Chính trong buổi tiếp kiến lịch sử quý hóa đó, viên tướng đã sai viên trưởng phòng chính trị đưa ra một tập tài liệu dày cộm: “Tôi nói cho ông biết, đây là tài liệu về ông đây. Theo tài liệu hồ sơ này thì có thể đem ông bắn ngay mà không cần xử”. Đến như vậy rồi, mà người ngồi đối diện ấy vẫn không thấy có gì mới lạ thì phải. Hoàng Đạo làm cho viên tướng sững sờ hơn khi ông gật đầu đáp: “Điều trung tướng nói, tôi không lấy gì làm lạ cả. Tôi đi vào đây tay không. Người làm cách mạng phải coi thường cái chết cho quê hương, cho dân tộc được giải phóng. Ông có thể làm gì đó cũng là điều tôi không ngạc nhiên”. (Còn tiếp)

 

 NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên