Điệp viên A.13 Hoàng Đạo |
Tôi đến đây, không nghĩ là được trung tướng giúp cho tôi chết và thành công sớm như vậy - Lại một sự ngạc nhiên nữa: “Tôi bắn ông chết mà ông thành công gì?”.
“Trước mắt tôi là một người Pháp mới, một người Pháp cũng đã đau khổ vì quê hương bị chiếm đóng, trong thời kỳ chiến tranh với Đức. Người Pháp đau khổ như thế nào, thì người Việt Nam cũng đau khổ thế ấy - Cái chết của Hoàng Đạo nhỏ bé vô cùng, bao nhiêu người Việt Nam yêu nước đã chết - Tôi sẵn sàng chấp nhận vì người làm chính trị, làm cách mạng không được sợ chết. Cái chết của tôi sẽ đem lại sự thành công ở chỗ đồng bào tôi sẽ hiểu thì ra người Pháp đến đây cách đây 80 năm với thương thuyền và tôn giáo, so với nước Pháp hôm nay không có gì thay đổi cả. Người Pháp không có gì thay đổi cả. Người Việt Nam, nhất là ở Nam bộ, người ta đã yêu văn hóa Pháp với tính nhân văn. Tiếng mẹc-xi, vu, toa, moa dùng cả trong đời sống gia đình, bè bạn. Nay thì họ sẽ thấy sau Đại chiến 2, nước Pháp đã không còn như trước kia. Cái chết của Hoàng Đạo cho người Việt Nam thấy rằng họ cần thức tỉnh: nước Pháp không có gì mới cả”.
Chính sai lầm của người Pháp cũng như người Mỹ là họ lăn lộn ở đây, chết chóc ở đây, đổ người đổ của vào đây, nhưng họ biết rất ít về con người của đất nước này. Có người sẽ bảo: không, họ không phải không hiểu. Chứng cứ là tài liệu nghiên cứu cả địa lý, lịch sử, dân tộc học... Người Pháp đã có nhiều công trình. Thậm chí bây giờ nhiều giáo sư, tiến sĩ của ta thèm cái thư viện của Pháp, Mỹ, Nhật để tìm các tài liệu về chính dân tộc mình. Tài liệu khoa học nhiều, nhưng người Pháp vẫn đứng trên lập trường của nước Pháp, theo cái nhìn Pháp, không thấu hiểu. Cái nhìn của chính quyền bề trên, “nước mẹ đại Pháp” nhìn xuống kẻ nhược tiểu, muốn có sự khuất phục.
“Đấy, đấy là lý do để ông thua cuộc chiến tranh nhân dân” - Nghe câu này, vị tướng đi tới đi lui bực bội. Nhưng ông suy nghĩ, không thể vì đấu lý mà quên đi mục đích cần đạt được qua cuộc gặp gỡ này, là chọn người đại diện. Ông đưa ra con bài Bảo Đại. Hoàng Đạo: “Tôi không rõ trung tướng biết Bảo Đại đến đâu nhưng tôi thì nhận xét rằng: Với Bảo Đại, biểu ông ta làm đúng cũng không dám làm chứ đừng nói làm sai. Ông ta không phải con người hành động”. Hoàng Đạo nghĩ: đã làm chính trị ai là người không rõ bản chất của Bảo Đại là thích đánh cờ, đi săn bắn và có nhiều phụ nữ - Ai cũng biết hết, không lẽ nói ra? Đến cái chiếu thoái vị cũng do cụ Phạm Khắc Hòe thảo.
Nhưng không có cách nào khác, Alexandri quyết định, vẫn phải dùng lại con bài Bảo Đại. Tuy nhiên, phải có một cố vấn. Người cố vấn đó, Alexandri chọn Hoàng Đạo-dù rằng bên cạnh Bảo Đại lúc đó đã có cố vấn chính trị Cút Xô, người của thượng sứ toàn quyền Thái Bình Dương Pi-nhông.
Từ đây, người Pháp tạo điều kiện cho Hoàng Đạo vào Nam ra Bắc, lên cả Đà Lạt làm việc với quốc trưởng - Cái tờ giấy màu vàng to in cờ ba sọc để làm giấy chính thức ngày ấy, cũng như biên bản các cuộc tiếp xúc, tranh cãi này, bây giờ vẫn còn được lưu giữ tại Hà Nội.
20. Ông trở thành một chính khách quan trọng, luôn phải giao tiếp với các nhân vật quan trọng như Cút Xô, Lê Ông Pác-mít người đại diện của thượng sứ Thái Bình Dương. Tiếp xúc với đại diện của Bảo Đại, rồi làm đại diện cho Bảo Đại, ông gặp Bảo Đại năm nào?
“Sao lại năm nào?”. Ông nhíu mày nói: “Tôi ít nhớ - Hình như trong vòng sáu tháng tôi đã trèo lên được cái nấc thang cao nhất, đã trèo lên đó rồi”.
Vào tới Sài Gòn, Hoàng Đạo được Ưng An, đại diện của Bảo Đại đón tại sân bay Tân Sơn Nhất, đưa về khách sạn. Hôm sau xe lại tới đón ông lên dinh toàn quyền. Trong biên bản cuộc họp tại biệt điện thành phố Sài Gòn, đại diện cho thượng sứ Thái Bình Dương là Pác-mít, Hoàng Đạo và Ưng An đại diện của Bảo Đại, họ bàn việc đi đến hợp tác và tổ chức một bộ chỉ huy hỗn hợp. Cũng ở đây, một đề nghị được đưa ra: Một phái đoàn sẽ ra kiểm tra và tham quan “chiến khu” của Đảng Phục Việt của ông Hoàng Đạo tại Thanh Hóa. Như ta biết, đó là chiến khu giả của Việt Minh tạo ra để lừa địch như thế nào. (Còn tiếp)
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI