Đời người xuyên thế kỷ

Cập nhật: 14-10-2014 | 10:41:17

>> Xem kỳ trước

Điệp viên A.13 Hoàng Đạo

Cha đã lớn tuổi, sức khỏe kém và cả nhà có xu hướng bảo vệ ông bằng cách hạn chế bớt các hoạt động. Hơn nữa, việc ông làm, ngày nay người đời không đủ kiên nhẫn để làm nữa. Người con trưởng này tỏ rõ mình hiểu sâu sắc phẩm chất của cha. Ba có những lý giải thông minh, rõ ràng. Anh kể lại chuyện trong gia đình, có lúc các con phàn nàn về biểu hiện cục bộ, địa phương, phân biệt đối xử. Ông công bằng hơn và giải thích kiểu của ông: Phải nhớ tính chất cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của ta, người tham gia chủ yếu là nông dân. Mọi thành quả mà ta hưởng, cũng mang dấu ấn của cách mạng nông dân. Thế sao khi anh được đào tạo học hành - một ưu điểm cũng là sản phẩm của cách mạng nông dân đó anh lại không cảm thấy gì, lại chỉ la lối khó chịu về mặt khuyết điểm của cuộc cách mạng nông dân? Một lần trong cuộc học tập chính trị, một diễn giả quan trọng đã nặng lời như mạt sát đám đông. Trong khi mọi người cố nén giận thì ông vụt đứng lên: Mọi người ở đây đều đi làm cách mạng cả, không ai đi làm thuê... Khi làm việc ở Hòa Bình trong cái thời bao cấp, thấy cô mậu dịch viên khinh người như rác, ông quát: Cô hãy đi ra một bên đứng xem tôi bán hàng cho cô coi... Đi cắt tóc cũng vậy. Bị cư xử thiếu lịch sự, người khác im lặng khó chịu, còn ông thì “tham chiến” ngay: Mời ông thợ cạo hỗn hào đó đứng ra một bên “để tôi cắt cho ông coi thế nào là người thợ cắt tóc...”.

Bác sĩ Hoàng Đạo bảo: Những câu nói đó không cần thiết, nhất là cái kiểu đứng lên giữa hội nghị bốp chát như thế. Người ta không hiểu rằng đó là tính bộc trực ngay thẳng.

Nếu bác sĩ Hoàng Đạo cảm nhận sâu sắc sự nhạy cảm thời đại của cha mình, thì anh sẽ còn cảm nhận rõ hơn việc cha anh chuẩn bị cho cái chết. Cũng nhạy như thế, câu chuyện khoán hộ của ông Kim Ngọc, từ năm 1968, cha anh đã ủng hộ quan điểm đó rồi. Ông phát hiện những sai lầm của nhóm nhân văn giai phẩm, nhưng luôn giữ được tình cảm chân thành. Nhà thơ Hoàng Cầm bây giờ vẫn giữ nếp quen tặng sách ba anh, mỗi khi thi sĩ có tác phẩm mới. Có thể tổng kết ông là một người già hạnh phúc, chỉ để lại cho con cháu bản lý lịch một cuộc đời trong sạch.Thế ba anh chuẩn bị cái chết thì anh nghĩ sao?

Tôi chắc chắn anh đã phải nhìn thấy trên bàn viết, cha anh làm cái chặn giấy bằng một miếng gỗ của cái hòm, để luôn nhắc nhở mình về một cái chết chủ động sạch sẽ và có ích. “Tôi chuẩn bị 60 viên thuốc ngủ. Không thể sống làm người vô ích. Chỗ nằm lúc chết cũng đã chuẩn bị. Ghế xếp làm bằng vải sạch, quần áo sạch, sau khi viết thư từ, uống thuốc rồi nằm vào ghế. Người ta phản đối cái chết tự ý thức, thật vô lý! Phản đối cái chết tự tổ chức, thật vô lý! Nằm đó con cái lật qua lật lại, ăn nhiều sợ ỉa- tự chết lại phản đối! Những thành công của tôi có được là do không sợ chết. Thấy cái chết là đúng, cần, thì không sợ nữa” - “Có lần ông đã nói với tôi như vậy”. Có thể là thừa nếu đem chuyện đó kể cho vị bác sĩ đang ngồi trước mặt tôi. Nhưng anh có vẻ đã biết tất cả. Cái chuyện cực đoan đó của cha.

Chuẩn bị là tốt, nhưng không làm ra vẻ quan trọng vậy - Để cho cuộc sống tự nhiên khi phải chết thì muốn sống cũng chả được - Anh nói với cha - Ba sống giờ đây không vì ba mà vì con cháu. Người Á Đông coi cha quan trọng, cho nên có người không thích sống cũng phải sống. Về tâm lý mà nói không riêng ba anh mà các cụ già Á Đông nhìn cái chết, đón nhận bình thản. Nhiều người già trong các làng quê ăn ngủ bên cạnh cỗ hậu sự của chính mình mua. Các cụ chuẩn bị di chúc, dặn dò các việc cần. Làm con thì không ai muốn cha mình chết. Nhưng người có cá tính mạnh mẽ mới chuẩn bị như vậy. Khi anh ra Hà Nội lo việc học tiến sĩ, trở về nhà, ông cho biết ông sợ mình chết trước khi con học xong thì ảnh hưởng tới việc học của con.

“Đúng! Nói thế là đúng. Chuẩn bị cho cái chết không có nghĩa là không uống thuốc nghiêm chỉnh”.

Không rõ nhà tình báo phản ứng ra sao trước câu nói đấy tính chất nghề nghiệp này.

31. Bao giờ đằng sau những nhân vật đặc biệt làm nên công trạng, đều có ẩn giấu một cuộc đời người phụ nữ đầy hy sinh trong im lặng. Ông Hoàng Đạo có hai người vợ. Một người đã chết sớm vì bệnh tật trong những năm kháng chiến chống Pháp, để lại hai con nhỏ. Còn một người là bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, cô gái Huế, người đã nuôi nấng con cái cho ông đi hoạt động. Bà sinh tiếp cho ông bốn người con trai nữa - Lẽ ra, bức chân dung về một đóa hồng nhung thực sự phải nhiều chi tiết lắm. Nhưng bà hoàn toàn là một người hiền thục lặng lẽ, ít kể về mình. Lúc ông Hoàng Đạo đánh chiến hạm rồi, một nách hai con, Hồng Nhung mới là cô thợ nhà in 23 tuổi. Câu chuyện vì sao là một người em vợ rồi trở thành vợ ông, bà cũng không kể - Chính ông kể cho tôi nghe. Trong lúc chồng lao vào hoạt động, vợ ông trước lúc mất trăng trối lại cậy nhờ cô em gái chăm sóc hai đứa trẻ bơ vơ. Dường như người mẹ phải đợi một lời hứa của cô em gái, mới nhắm mắt được.

Câu chuyện đau thương và hình ảnh người chị gái bà Hồng Nhung chỉ nói vắn tắt, khi chúng tôi ngồi ở sa lông nhà bà, đang chờ ông từ trên lầu xuống. “Chị mất năm 1950. Sanh băng huyết, phải gánh bà lên núi Nưa, đi từ Nông Cống, Thanh Hóa. Lúc đánh tàu xong, anh lên Việt Bắc. Mãi năm 1953 tôi xây dựng với anh. Anh hơn tôi 20 tuổi, tính vui hồ hởi nhưng cũng nóng nảy. Tôi nguyện hy sinh cả cuộc đời vì thương các cháu quá. Nếu mình không ở, lỡ các cháu chịu cảnh mẹ ghẻ con chồng thì khổ”. Quá trình công tác, bà cũng chỉ nói đúng một dòng: Làm nhà in Thanh Hóa. Về Hà Nội cũng nhà in. Sau giải phóng 1975 cũng nhà in báo Sài Gòn Giải Phóng.

Khi ông Hoàng Đạo xuất hiện, cười lớn, thì bà nói nốt một câu thoảng qua rất nhanh: Ông bà già tôi mất năm Mậu Thân.

Tôi hiểu, đằng sau mỗi câu nói là một câu chuyện dài, chỉ có điều là bà không muốn đường đột kể ra. (Còn tiếp)

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

 

Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, ông Nguyễn Minh Đức, nguyên Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương (Sông Bé), cho biết: “Với riêng bản thân tôi rất thú vị khi đọc hết từng phần của quyển sách “Đời người xuyên thế kỷ” viết về điệp viên A.13 Hoàng Đạo của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải mà báo Bình Dương trích đăng trong những ngày vừa qua. Thú vị là bởi, tôi từng là người viết lịch sử Sông Bé - Bình Dương và viết về nhân chứng, sự kiện lịch sử của tỉnh nhà giai đoạn 1930-1945, trong đó tập trung đậm nét về phong trào cách mạng của Nhà máy Đề pô xe lửa Dĩ An. Giờ đọc lại cuốn sách tôi cảm thấy tuyệt vời vì những câu chuyện kể của nhà văn luôn sống động, gần gũi và hấp dẫn người đọc”. Ông Đức cũng cho biết thêm, vì làm tình báo nên cuộc đời của Hoàng Đạo trước đây có những điều không thể viết, kể ra hết được. Điều này ít nhiều gây nghi vấn cho nhiều người, trong đó có ông là một trong những người biên soạn lịch sử Sông Bé - Bình Dương qua các thời kỳ. Thế nhưng, nay đọc “Đời người xuyên thế kỷ” thì mọi chuyện càng rõ ràng hơn và góp phần giải đáp cho những khúc mắc trước đây. Thế nên, với ông bây giờ, điệp viên Hoàng Đạo là người rất xứng đáng để ngợi ca, tuyên dương chứ “không được thắc mắc gì nữa” về con người kiệt xuất này.

Tâm sự với chúng tôi ông Nguyễn Minh Đức cho rằng về thể loại, có thể xem đây là một quyển tự truyện, hồi ký, sử ký hay hỏi đáp tổng hợp gì cũng được. Điều đáng nói là văn phong của Nguyễn Thị Ngọc Hải phong phú, súc tích. Ông thích thú hình ảnh của Hoàng Đạo khi còn là cậu bé ở Dĩ An, rồi trưởng thành, những bóng hồng trong đời ông. Cũng theo ông, phương pháp luận của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải rất sắc bén, khoa học nên đã sắp xếp một kho tài liệu đồ sộ thành câu chuyện kể lý thú về cuộc đời của một điệp viên công an, về phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta. Viết mà cái riêng vẫn không bị lẩn khuất trong cái chung, nhân vật chính vẫn làm toát lên công trạng cả một tập thể anh em cùng chiến đấu, cùng chịu sinh tử với nhau như thế là điều rất hay, có hiệu quả trong việc truyền tải thông tin, sử liệu. Quá trình thành lập và đấu tranh của cái nôi cách mạng, phong trào công nhân được nhắc đến một cách nhẹ nhàng, không khô khan cũng là thành công của tác phẩm. “Lịch sử rất phong phú và hấp dẫn, khi được viết nên bởi nhà văn sẽ hay và thú vị hơn. Quyển sách cũng có thể xem là những trang sử ký của một thời bởi “chất sử” rất nhiều, tràn ngập trong tác phẩm. Với sử liệu, bản thân nó được nhiều người ví khô khan nhưng qua cách nhìn, diễn đạt của nhà văn sẽ phong phú hơn rất nhiều”, ông Nguyễn Minh Đức nhận xét.

“Lâu lắm tôi mới đọc một cách say mê, đọc theo kiểu yêu thích chứ không là... buộc phải đọc như kiểu đọc tư liệu. Nguyễn Thị Ngọc Hải đã dẫn dắt người đọc đi từ cuộc sống đời thường của một con người đến công cuộc đấu tranh cách mạng của những người anh hùng đi qua 2 cuộc chiến, góp công sức đưa đất nước đến thắng lợi vẻ vang”, ông Đức chia sẻ. Và, cũng từ những cảm nhận tốt đẹp của ông về tác phẩm này mà ông cho rằng, nên phổ biến rộng rãi cuốn sách này trong cán bộ, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ để họ biết sống có lý tưởng, biết noi gương những bậc cha anh đi trước để góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

QUỲNH NHƯ

 

Chia sẻ bài viết
Tags
diep vien

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên