Đời người xuyên thế kỷ

Cập nhật: 15-09-2014 | 09:07:55

> Xem Kỳ trước 

Điệp viên A.13 Hoàng Đạo

10. Như ta đã biết, sau khi đi xin ý kiến cụ Phan, cụ Huỳnh và gặp được Hải Triều, chàng thanh niên đã tham gia Công hội Đỏ, trở thành đảng viên cộng sản năm 1931. Vào Đảng đầu năm thì cuối năm bị bắt. Ở tù ra, tiếp tục làm thợ. Khi bị đuổi việc thì viết báo. Công việc đó vừa là một nguồn sống, vừa góp phần tranh đấu. Khi Hoàng Đạo trở thành thợ sửa xe lửa, bí thư Chi bộ của Depol Tháp Chàm, anh được nhận một nhiệm vụ quan trọng: viết một tham luận “quyền tự do ngôn luận của giai cấp thợ thuyền” để tự đọc trước hội nghị toàn kỳ báo chí Trung kỳ do cụ Huỳnh Thúc Kháng tổ chức, Hải Triều là tổng thư ký. Hội nghị tổ chức vào năm 1936 tại nhà hàng Đông Pháp ở Huế. Hoàng Đạo phải nhờ một anh y tá tên là Giác nghĩ cách nào tạo điều kiện cho mình ra bệnh viện Huế. Phải có cái cớ để đi dự hội nghị báo chí. Anh Giác bày cho đốt hạt na, nhỏ vào mắt cho mắt đỏ mọng. Thế là anh được ra nhà thương ở Huế. Hội nghị báo chí tổ chức ban đêm. Có nhiều lính kín trà trộn trong đám đông. Anh phải trèo qua tường bệnh viện để đi tới nhà hàng. Hải Triều dặn: cố gắng tính toán đọc làm sao bước xuống là kịp cho Phan Văn Hùm vừa xuống tàu. Hùm sẽ lên đọc tham luận về trí thức Nam kỳ với nền báo chí Việt Nam. Đọc xong bản tham luận khớp với thời gian bố trí, Hoàng Đạo được Hải Triều rỉ tai: mật thám bao vây hết rồi. Anh đã chuẩn bị sẵn sàng điều này nên không bất ngờ. Trước lúc đọc tham luận, bảo vệ hội nghị đã báo cho biết: đọc xong sẽ bị bắt.

Hải Triều đưa anh ra khỏi nhà hàng và dặn: Ra khỏi đây là nó bắt ngay. Anh em bảo vệ có thể giúp đưa ra tàu. Chỉ có thể bảo vệ tới đó thôi, về đến Tháp Chàm nó sẽ đón bắt ở đó. Phải tìm cách tránh ga Tháp Chàm.

Từ ga Hương Thủy, Hoàng Đạo lên con tàu Hà Nội vừa tới. Theo lời hỏi thăm người trên tàu, biết mỏ vàng Bồng Miêu đang cần, anh xuống ga Tam Kỳ để tìm đường vào mỏ. Không thể cứ dấn thân về Tháp Chàm: mật thám đang chờ ở đó. Xuống ga, anh đi xe đò lên ngã ba Trung Đàn (bây giờ là Trà Mi) vào hỏi thăm đường ở một cái sở trà. Lúc đó người dân gọi theo tiếng Pháp là “Pơ-lantaxiông đờ Tê”. Người ta mách anh hãy ở đó đợi xe mỏ vàng ra. Để bảo vệ mình, anh mua một giấy đỏ, một loại giấy tùy thân của Trung kỳ do đám ăn cắp móc túi, bán lại. Đi tìm đám ăn cắp này, nói “cần bài chỉ” là họ ra giá liền: 3đ5. Bây giờ Hoàng Đạo vẫn còn nhớ cái tên người trong tờ giấy anh mang là Nguyễn Kiệt. Giấy tờ đầy đủ thế mới nhập được vào một làng dân phu mộ.

“Hồi đó người ta đãi vàng như sau: đào đá, xay thành bột, bỏ vào quay trong nửa tháng, mạt vàng lắng xuống. Nước sông tràn, dân Tam Kỳ ngồi đen bên bờ, lấy hộp gỗ xúc cát, sàng đãi suốt dọc bờ sông”.

Ông còn nhớ, cứ nửa tháng, chủ lấy ra một cục lớn, bỏ quay với thạch tín, cho vào lò đốt cháy thành một lanh gô vàng lớn tới 5, 10kg. Bây giờ, ta có thể liên tưởng tới cảnh đào vàng trong phim cao bồi Viễn Tây, đầy chất phiêu bồng. Nhưng với ông, chắc chắn là những ngày nhọc nhằn khủng khiếp. Bằng cớ là nó khắc sâu vào ký ức từng chi tiết: “Ông chủ Tây, tên Đi-boa, mặc quần lãnh đen, lấy vợ Việt Nam, nói thạo tiếng Việt. Nuôi dê lấy sữa…”. Đúng là cái hình ảnh Tây thực dân trong các đồn điền mà thế hệ sau chỉ thấy một cách mơ hồ qua các cuốn phim người Pháp làm như “Đông Dương”, “Người tình…”. Chàng trai thợ Hoàng Đạo lúc đó được chính ông chủ “ra đề” thử tay nghề bằng một sản phẩm thợ nguội. Anh được nhận ngay làm thợ nguội, chuyên sửa các máy khoan, máy bắn đá, máy nghiền. Ăn ở thì trọ ở nhà người thợ tiện tên là Lượng. Không lẽ cuộc đời của người đảng viên trẻ tuổi tới đoạn này chỉ dừng lại là để ẩn náu và kiếm sống? “Tôi lập một chi bộ có ba người, gồm tôi và hai người thợ nguội Đỗ Thảo, Lê Ưng tiếp tục hoạt động ngay trong phong trào của công nhân mỏ vàng Bồng Miêu. Chúng tôi còn nhớ, lúc đó đã phái người xuống Tam Kỳ (Đà Nẵng) liên lạc với ông Võ Chí Công (sau này là Chủ tịch nước). Lúc đó ông là cựu tù chính trị phạm bị quản thúc và mang một tên khác. Ban đầu Hoàng Đạo rất ngạc nhiên, buồn phiền. Vì sao ông Võ Chí Công lại từ chối sự móc nối này? Vì sao lại có câu trả lời là do ông đang bị quản thúc nên không hoạt động nữa? Mãi đến sau này mới hiểu - Ông Võ Chí Công đã vạch ra cho thấy sự thận trọng là một nguyên tắc của hoạt động bí mật. Nhóm của Hoàng Đạo hoạt động ngang như thế, những người có tổ chức và cảnh giác không thể móc nối. Năm 1936- xứ Việt Nam mà tác giả Pháp nghiên cứu gọi là “một nồi hơi không có xú páp” đến đây đã có một chút chuyển biến, nhờ vào phong trào Mặt trận Bình dân bên Pháp. Người công nhân trẻ Hoàng Đạo trong lao động cật lực ở mỏ vàng đâu biết được hết toàn cảnh cách thức người Pháp áp dụng để khai thác giá trị xứ thuộc địa này. Chàng trai cũng không thể biết những con số tới 40.000 người Pháp, công chức, quân nhân, cùng gia đình họ sống ở Đông Dương, mà ông chủ Đi-boa chỉ là một hình ảnh. Đông Dương chiếm tới bốn phần trăm xuất khẩu của Pháp. Hôm nay, trong cái năm 1998 này, khi Hoàng Đạo đang tự chuẩn bị nơi ăn ở cuối cùng của đời mình, ông biết rất rõ Việt Nam đứng hàng thứ hai, thứ ba thế giới trong xuất khẩu gạo. Nhưng ngày xưa ấy, chàng trai không thể biết nước Việt Nam của anh lúc đó đã xuất khẩu 1 triệu rưỡi tấn bán ra mỗi năm. Lớn nhất Đông Dương lúc đó là “công ty cao su Đất Đỏ” (plantaxiông Terudơ như người dân gọi). Phu cao su phần lớn người Bắc kỳ, ở Thái Bình là nhiều nhất. Quản lý phu là mụ đầm Sô-xe-rơ. Vì không chịu được khí hậu nóng bức, bà ta thường mặc xì líp, su chiêng, tay cầm ba toong đánh phu cao su. Phu chịu mãi, có lần một nhóm nổi dậy đánh lại, bắt mụ trói vào gốc cao su, rồi trốn mất. Còn lại mụ đầm bị kiến lửa đốt, kêu la. Đó là chút hình ảnh thực dân ở các đồn điền cao su. Nỗi cơ cực của những người phu đồn điền cao su sau này đã được nhà thơ Tố Hữu khái quát bằng hai câu thơ “Bán thân đổi lấy đồng xu, thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng”… Chàng trai lúc đó có thể không biết các con số ấy, anh đâu có là học giả. Nhưng anh biết rất rõ, biết một cách trực tiếp người thợ bị đau khổ đói rét ra sao. Đó là lý do khiến cho đời anh lại có một khúc ngoặt lớn.

“Chúng tôi sống ở nhà Đỗ Thảo ở số 32 đường Hội An, hồi đó gọi là Phai-phô. Đà Nẵng lúc đó kêu là Tua-ran, Phai-phô là tỉnh lỵ của Quảng Nam. Vào năm 1937 có tin từ Tua-ran đưa vào: sẽ có “lao công đại sứ” thanh tra Gô-đa từ Pháp qua thanh tra mỏ vàng Bồng Miêu. Chúng tôi ráo riết lập một ủy ban hành động, gom nguyện vọng của người thợ và làng phu mộ”. Các hoạt động này bị lộ. Chủ mỏ lại đuổi anh ra khỏi Bồng Miêu.

Chủ mỏ nói rằng sẽ đưa anh ra ngã ba Trung Đàn rồi thả ở đó, vì đó không còn là lãnh địa của mỏ do nó chịu trách nhiệm. Nghĩa là trục xuất anh. Nhưng anh em thợ thừa biết ở ngã ba Trung Đàn sẽ có ai đứng đợi sẵn: bọn mật thám. Chúng đã bàn với nhau cả rồi. Hoàng Đạo bị bắt, anh em thợ mỏ biểu tình đòi thả người đại biểu công nhân vô tội. Tên chánh mật thám Quảng Nam chất vấn Hoàng Đạo. Nó nói tiếng Việt sỏi như người Việt.

“Sau này giải phóng rồi, trên đường tôi ra Bắc phát hành cuốn “X.30 phá lưới”, tôi đã gặp lại chính cái người hợp tác với Pháp đón đường bắt tôi khi đó”. Không kể ngay cái cuộc gặp gỡ hy hữu đó, ông chợt nhớ những người làm phát hành sách cam go, lúc ông làm việc ở báo Sài Gòn Giải Phóng. (Còn tiếp)

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên