(Tiếp theo kỳ trước)
9. Trong tiếng ồn ào của dòng xe cộ đường Võ Thị Sáu vọng vào, cộng với tiếng tivi ở căn-tin người ta đang xem bộ phim chiếu lại đêm qua, ông Hoàng Đạo thường phải cố gắng nói thật to - Cung cách ấy gần với một vị giáo sư trên hội trường dõng dạc, khúc chiết. Nhưng hôm nay, nhân vật của tôi tỏ ra chán nản. Chúng tôi tạm ngưng dòng thời gian quá khứ để trở về cuộc đời hiện tại. Trở về điều đã làm ông chán nản.
“Ở đời, ông thường buồn về điều gì nhất?”. Tôi hỏi - ông lắc đầu nhè nhẹ như đang tự nói với mình: “Tôi buồn mỗi khi gặp người nói dối”. “Làm sao biết được người ta đang nói dối để mà buồn đây?”. “Tôi dễ tin lắm. Người ta nói là tôi tin. Vậy mà khi thẩm tra ra, khối người nói dối”.
Ông kể một thí dụ, lộ ra điều khá “lãng mạn”. Ở tuổi này, ông vẫn đang đeo đuổi một chương trình liên quan đến đầu tư, đến lĩnh vực kinh tế. Liệu ông làm gì được trong thời buổi hiện đại và phức tạp này? Thời buổi mà người nhanh nhạy còn phải vã mồ hôi?
“Tôi chỉ giúp đỡ các mối quan hệ giao dịch, để đẩy mạnh gọi đầu tư vào, góp sức cho hiện đại hóa nhanh”.
Phải hiện đại hóa nền nông nghiệp, nếu không ta sẽ chỉ đi một chân. Ông đang giúp cho một phương án trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long và thường buồn lòng khi nghe đối tác nước ngoài kêu ca khi chạy thủ tục. Họ đã mất rất nhiều tiền mà chưa đi đến đâu. Rồi đùng một cái, ông lại thay đổi tâm trạng: lúc trước thì sốt ruột vì không hiểu cửa nào cũng hoan nghênh ý đồ của dự án, mà thủ tục thì luôn luôn tắc. Rồi bây giờ thì ông buồn khôn xiết vì chính phía đối tác nước ngoài lại lỗi hẹn. Họ nói số vốn quá lớn, phải để có thời gian vận động nguồn tài chính. Té ra là họ cũng chẳng có tiền…!
Những điều thông thường mà các nhà kinh tế gặp xoành xoạch, thì đối với ông, thật là khó hiểu. Chữ tín trong ông là một quá vãng - Còn chữ tín ở thương trường hôm nay lại có những màu sắc khác. Ông già bị “khủng hoảng” lòng tin chăng? Trong cơn khủng hoảng đó, ông bộc bạch một tổng kết bất ngờ: “Sao tôi bị nhiều người ghét! Tôi biết những sự thật mà họ không muốn ai biết. Bạn bè nói: anh có một tội không tha thứ được là nhiều kẻ thù quá. Anh biết quá rõ sự thật đời họ. Nhưng tôi tự phân tích tôi: Phải lấy trung thực làm lẽ sống. Lời tôi làm mất lòng cô, nhưng tôi không thể không nói. Cho nên tôi được người quý rất quý, mà người oán rất oán”. Ngừng lại để uống nốt chai sữa đậu nành, ông tổng kết:
“Tôi thành công vì nói thật. Lý lẽ của nó là: đời ngắn”.
Ông lý giải về cuộc đời của mỗi con người “từ 1 đến 20 tuổi còn ăn bám, đang được gia đình tạo điều kiện cho vào đời. Lứa tuổi này, ngay thương yêu cũng chưa lý giải nổi. Thấy kẻ cướp bị bắt cũng vẫn thương. Ngoài 20 tuổi, đủ hay thiếu điều kiện chưa biết, nhưng anh đã vào đời: một nghề để kiếm ăn, một sự nghiệp cho mình. Nếu không tạo được sự nghiệp lớn thì tức là chỉ kiếm ăn để sống. Đến 60 tuổi thì coi như không làm gì lớn được nữa. Đó là lúc coi lại quá khứ xem mình đúng, sai: bao nhiêu lần sai lầm? Lừa dối bao nhiêu người? Kể cả trong tình yêu. Có thể hoạt động nhẹ nhàng: nuôi cá, đánh cờ, trồng cây. Rồi sống làm ngọn đèn cho con cháu nhìn, nhưng tự thấy là cái nợ cho vợ hầu”. Thấy tôi bật cười, ông thuyết phục tiếp: “Nói như nhà văn Nguyễn Khải thì nếu đời anh lại gặp một thủ trưởng xấu nữa thì mất toi thì giờ. Cũng có những người thấy giỏi hơn, người ta ghét. Thế là chết, là rủi ro cho con người. Tôi tự thấy thời gian ngắn, dối trá làm gì. Cũng đừng có đau khổ vô ích”.
Khi tôi bị bắt được thả về, mẹ tôi bị nhà cầm quyền bắt gia đình phải cưới vợ cho tôi yên ổn “khỏi đi làm loạn”. Hội tề địa phương phải theo dõi việc thực hiện này. Tôi lấy vợ sinh con. Rồi thì tôi bị bắt lại, bả lấy người khác. Cách đây mấy tiếng đồng hồ, đứa con gọi điện cho tôi. Con nó đua xe bị bắt giữ. Nó nhờ can thiệp. Tôi bảo việc đó để công an làm, tôi không tán thành đua xe. Phải nói thật, không nói dối mất thì giờ. Thành công cũng là thật, mà thất bại cũng là thật”.
Ông “tổng kết” là: luôn luôn nói thật. Vậy có trường hợp hãn hữu nào không, thí dụ như khi ông làm điệp viên cộng tác với người Pháp, ông có thật được không?
“Có chứ. Nguyên tắc của tôi là: nói thật tất cả những gì họ đã biết về tôi”. “Nhưng mà thôi, tôi chưa kể cho cô cái đoạn kết thúc cuộc đời làm báo phải không?”. Chính ông đưa tôi trở lại với dòng thời gian câu chuyện quá khứ đang bỏ dở.
(Còn tiếp)
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI