Gia súc thả rong trên đường: Nguy cơ gây tai nạn giao thông

Cập nhật: 13-10-2014 | 09:22:51

Bài 1: Vô tư thả rong

Vấn đề gia súc thả rong trên đường gây không ít phiền toái như: ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan phố phường. Thời gian qua, mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp hạn chế tình trạng này, tuy nhiên thực trạng vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần có biện pháp hữu hiệu hơn để chấn chỉnh tình trạng này.

Giao thông trên tuyến đường cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn (đoạn giáp ranh phường Thuận Giao và phường An Phú, TX.Thuận An) thường xuyên bị ách tắc do đàn gia súc hàng trăm con tràn xuống đường. (Ảnh chụp lúc 10 giờ ngày 23-9). Ảnh: TRANG BÌNH

Khi trâu, bò “tham gia giao thông”

Trưa 23-9, tuyến đường cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn (đoạn giáp ranh phường Thuận Giao và phường An Phú, TX.Thuận An) bất ngờ kẹt xe cục bộ do đàn bò hàng trăm con tràn xuống lòng đường. Đáng chú ý là tại thời điểm trên không thấy bóng dáng của bất kỳ một người nào để quản lý đám gia súc lớn xác này. Tại khu vực đàn gia súc xuất hiện, nhiều vệt bánh xe tải kéo dài trên mặt đường do buộc phải thắng gấp để tránh va chạm. Anh Phan Văn Công (tài xế xe container, ngụ quận 9, TP.HCM) bức xúc nói: “May mà tôi để ý, chứ không đã xảy ra tai nạn rồi. Đây là chuyện thường xảy ra trên đoạn đường này. Ai đi lần đầu thì không biết, chứ cánh tài xế chúng tôi hay qua khu vực này nên phải thường xuyên chú ý, lơ đễnh một chút là xảy ra tai nạn như chơi!”.

Theo ghi nhận của P.V, tình trạng thả rong gia súc không chỉ diễn ra ở đoạn đường trên mà còn diễn ra ở nhiều tuyến đường khác trên địa bàn tỉnh, từ cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn đến các khu vực ven của thành phố mới như phường Phú Tân (TP.TDM); xã Vĩnh Tân, phường Tân Hiệp (TX. Tân Uyên); phường Hòa Lợi, Chánh Phú Hòa (TX. Bến Cát)… Tình trạng gia súc chăn thả rong trên đường vẫn thường xuyên diễn ra và đã gây phiền toái cho người đi đường. Sáng 30-9, tại ngã tư đường Huỳnh Văn Lũy (đoạn giáp ranh giữa thành phố mới với xã Phú Chánh, TX.Tân Uyên), mặc dù đèn đường đã chuyển xanh từ lâu nhưng dòng xe cộ vẫn phải “ưu tiên” cho đàn bò “vượt đèn đỏ” đi ăn ở bãi cỏ bên kia đường. Chị Trần Thị Nga (người dân xã Phú Chánh) ngán ngẩm cho biết đây là chuyện thường ngày. “Cứ chờ một chút để chúng đi qua cho chắc ăn. Bữa trước có người cố chạy len vào, bị húc té trầy cả tay chân đó!”, chị Nga cho biết.

Việc thả rong cả đàn gia súc lớn để chúng tự đi kiếm ăn trên đường là điều vô cùng nguy hiểm. Do nuôi với số lượng lớn, nên việc kiểm soát được đàn gia súc là rất khó khăn, mặt khác, người chăn thả cũng thường lơ là trong việc quản lý vật nuôi của mình. Theo quan sát của P.V, nhiều trường hợp đàn trâu, bò tràn ra đường gây ách tắc giao thông, nhưng người chăn thả vẫn cứ “vô tư”, không có động thái gì ngăn cản, kiểu như “đường anh anh đi, đường em em đi”, ai đâm vào thì… ráng chịu.

Thật vậy, trong nhiều trường hợp do đàn gia súc quá đông, từ xe máy cho đến ô tô buộc phải “nhường quyền ưu tiên” cho chúng qua đường rồi mới dám đi. Có lúc, chúng thản nhiên băng qua đường mặc cho các loại phương tiện bóp còi inh ỏi. Nhiều tài xế sốt ruột, bóp lớn còi xe khiến chúng giật mình bỏ chạy, tạo nên khung cảnh hỗn loạn, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông.

Nguy cơ gây tai nạn giao thông

Vào giờ cao điểm, khi lượng xe lưu thông trên các tuyến đường tăng vọt thì những đàn gia súc thong thả trên đường trở thành “chướng ngại vật” rất khó chịu cho người tham gia giao thông. Đó là chưa kể đến việc những chú trâu, bò này vô tư “xả bậy” xuống đường vừa ảnh hưởng đến người điều khiển xe máy vì phải né tránh, vừa ảnh hưởng đến vệ sinh phố phường.

Tại một số tuyến đường, người tham gia giao thông ngoài việc tập trung điều khiển phương tiện còn phải chú ý tránh gia súc thả rong trên đường, nhiều trường hợp vì tránh gia súc mà bị tai nạn, nhẹ thì trầy xước, nặng thì gãy tay, dập mặt, thậm chí mất mạng. Điển hình là vụ tai nạn xảy ra tối 4-10-2013 khiến anh Võ Thanh P. (ngụ xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên) tử vong. Vào thời điểm trên, khi anh P. chạy xe máy đã va chạm phải một con bò trên đường Huỳnh Văn Lũy. Hậu quả, anh P. nứt sọ, tử vong. Khi khám nghiệm, công an thấy đầu xe anh P. có dính lông bò. Tại hiện trường, công an còn phát hiện một con bò bị thương, chảy máu. Công an đã dùng xe cẩu đưa con bò về trụ sở. Tuy nhiên, không một người dân nào trong khu vực xảy ra tai nạn thừa nhận con bò trên là của mình. Được biết, khu vực này có đến hàng chục hộ dân nuôi bò. Theo gia đình nạn nhân, anh P. đang đi làm tại một công ty dược. Tối 4-10, anh vào bệnh viện thăm em gái sinh con. Khi anh P. trên đường từ bệnh viện về nhà thì xảy ra tai nạn.

Mặc dù pháp luật đã có quy định về việc người dẫn dắt súc vật khi đi trên đường bộ phải có các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh đường phố nhưng thực trạng là các chủ vật nuôi không biết hoặc có biết cũng không tuân thủ. Song song đó, việc xử phạt hành chính về lĩnh vực này ở một số địa phương là rất khó khăn và hầu như các cơ quan chức năng cũng ít xử phạt trường hợp nào thả rong trâu bò trên đường. Vì vậy, để giải quyết dứt điểm tình trạng này, ngành chức năng cần có những biện pháp linh động và cụ thể, như tăng cường nhắc nhở, tuyên truyền tới từng hộ dân về vấn đề này, bên cạnh cũng nên xử phạt nghiêm những hộ dân cố tình vi phạm…

Điều 10, Nghị định 171/2013/ NĐ-CP, quy định mức xử phạt người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 - 60.000 đồng nếu không đủ dụng cụ đựng chất thải của súc vật hoặc không dọn sạch chất thải của súc vật thải ra đường, hè phố.

2. Phạt tiền từ 60.000 - 80.000 đồng đối với hành vi điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới; Để súc vật đi trên đường bộ; Để súc vật đi qua đường không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông; Để súc vật kéo xe mà không có người điều khiển.

3. Phạt tiền từ 80.000 - 100.000 đồng đối với hành vi dắt súc vật chạy theo khi đang điều khiển hoặc ngồi trên phương tiện giao thông đường bộ.

Ngoài ra, hành vi chăn dắt súc vật ở mái đường; buộc súc vật vào hàng cây hai bên đường hoặc vào cọc tiêu, biển báo, rào chắn, các công trình phụ trợ của giao thông đường bộ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 - 100.000 đồng theo Điều 15 của nghị định này.

 

 Bài 2: Đi tìm giải pháp

TÂM TRANG - HUY BÌNH

Chia sẻ bài viết
Thả rông súc vật dẫn đến tai nạn giao thông thì phạt 50 ngàn đến 100 ngàn có bõ không khi mà tính mạng con người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đúng luật bị đe dọa?
Long (Cách đây 9 năm)

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên