Hành động nhanh trước cơ hội đón “sóng” đầu tư mới - Kỳ 2

Cập nhật: 16-07-2020 | 07:56:59

Kỳ 2: Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng

 Cùng với cả nước, Bình Dương đang đứng trước cơ hội đón “làn sóng” chuyển dịch của các chuỗi cung ứng thế giới. Hành động nhanh để đón bắt cơ hội là yêu cầu đặt ra với tỉnh hiện nay. Hiện tỉnh đang nỗ lực cải thiện chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của các nhà đầu tư.

 

Bình Dương đang phát triển không chỉ riêng KCN, mà cả hệ sinh thái công nghiệp, với đô thị dịch vụ đi kèm. Trong ảnh: Một góc khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương

 Chuẩn bị hạ tầng

Trong 6 tháng đầu năm, Bình Dương đã thu hút 557 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giảm 43,7% so với cùng kỳ. Trong đó, cấp giấy chứng nhận đầu tư mới 59 dự án (giảm 44,3% so với cùng kỳ) với tổng số vốn đăng ký là 313,1 triệu USD (tăng 49,4% so với cùng kỳ) và 57 dự án điều chỉnh tăng với tổng vốn đăng ký 243,9 USD. Có thể thấy, trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, dòng vốn đầu tư FDI vào Bình Dương giảm nhiều so với cùng kỳ các năm gần đây. Mặc dù vậy, Bình Dương vẫn là một trong những tỉnh, thành đang dẫn đầu Việt Nam về thu hút đầu tư FDI 6 tháng đầu năm. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Bình Dương vẫn là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện tỉnh đang sẵn sàng đón làn sóng đầu tư nước ngoài hậu dịch bệnh Covid-19.

Thời gian qua, tỉnh đã thu hút được các dự án FDI lớn, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh và quy hoạch phát triển công nghiệp của địa phương, phát triển một số ngành kinh tế quan trọng, như công nghiệp chế biến, chế tạo... Bên cạnh đó, doanh nghiệp (DN) FDI góp phần giúp Bình Dương hội nhập sâu vào đời sống kinh tế quốc tế.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 40.000 DN trong nước với tổng vốn đăng ký gần 350.000 tỷ đồng; hơn 3.800 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 35 tỷ USD. Trong đó đầu tư vào sản xuất công nghiệp là chủ yếu. Nhờ vậy, đã góp phần nâng giá trị xuất siêu của tỉnh liên tục tăng đều qua các năm.

Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh cho biết, ngay từ khi tái lập tỉnh, Bình Dương đã sớm chú trọng phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội. Với 29 KCN, trong đó, nhiều KCN đã trở thành thương hiệu, Bình Dương đã thu hút được nhiều DN lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư. Các KCN của tỉnh với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có vị trí thuận lợi, liền kề các trục giao thông quan trọng kết nối với TP.Hồ Chí Minh và các vùng lân cận.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Bình Dương đã và đang tập trung mọi nguồn lực để hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp với hạ tầng sạch, đồng bộ, hiện đại… để mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài. Chính sự nỗ lực này cộng với những lợi thế sẵn có của địa phương đã tạo nên sự hài lòng và an tâm để các DN đẩy mạnh mở rộng quy mô, chất lượng đầu tư tại Bình Dương trong những năm qua.

Sẵn sàng đón “làn sóng” mới

Để chuẩn bị cơ sở vật chất đón dòng vốn FDI, từ cuối 2019 đến nay, nhiều DN đã đầu tư vào phát triển nhà xưởng, kho bãi công nghiệp. Đơn cử, Tổng Công ty Becamex IDC và các đối tác đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng tại 5 KCN, bao gồm Mỹ Phước 1, 2, 3, Thới Hòa, Bàu Bàng... Không chỉ sớm vượt kế hoạch thu hút vốn FDI, hiện nay, với sự hợp tác của các thương hiệu toàn cầu như Warburg Pincus, Sembcorp… đang trở thành một hấp lực đối với các nhà đầu tư nhắm vào Bình Dương. Becamex IDC còn hợp tác với DN, tổ chức tại Hàn Quốc, Hà Lan, Singapore để hình thành KCN khoa học công nghệ và trung tâm sản xuất thông minh 4.0 tại Bình Dương, mở ra một hệ sinh thái sáng tạo, thu hút các tập đoàn, DN gặp gỡ trao đổi.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Becamex IDC, chia sẻ, Becamex IDC phát triển không chỉ riêng KCN, mà cả hệ sinh thái công nghiệp, với đô thị dịch vụ đi kèm, hạ tầng giao thông kết nối nội bộ và liên tỉnh, gắn với cảng biển, sân bay gần nhất. Ngay cả hạ tầng mềm, như nhà ở xã hội cho người lao động, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ và chuyển đổi nghề nghiệp, hạ tầng văn hóa, thể thao, y tế, đào tạo nâng cao tay nghề, đều được triển khai mạnh mẽ tại các KCN.

Mới đây, tại hội nghị Thủ tướng với các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm tìm giải pháp khắc phục khó khăn, thúc đẩy kinh tế phát triển, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã kiến nghị với Chính phủ sớm bố trí vốn thực hiện đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - TP.Thủ Dầu Một - Chơn Thành; mở rộng quốc lộ 13 đoạn thuộc TP. Hồ Chí Minh để tăng kết nối, lưu thông vùng.

Đối với hệ thống hạ tầng đường bộ, Bình Dương tập trung đầu tư kết nối vùng công nghiệp với đô thị trong tỉnh như: Đường có quy mô 8 làn xe dẫn vào trung tâm hành chính tập trung của tỉnh; đường 7A có 6 làn xe, kết nối các KCN, đô thị tại vùng Nam Bến Cát với đô thị Mỹ Phước; tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn nối các đô thị, KCN phía Bắc với các đô thị, KCN phía Nam của tỉnh, mở ra hành lang vận chuyển hàng hóa theo trục xương sống Bắc - Nam song hành với quốc lộ 13. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành trong tương lai. Kết hợp phát triển giao thông “đối ngoại”, gắn kết đa chiều với các tỉnh thành trọng điểm về kinh tế như: Mở rộng quốc lộ 13 từ 6 lên 8 làn xe, đại lộ Mỹ Phước - Tân Vạn - Nhơn Trạch, xây dựng cầu Thủ Biên (trục vành đai hướng Đông - Tây, kết nối các huyện phía Bắc Bình Dương với huyện Vĩnh Cửu - Đồng Nai), tuyến Metro số 3B kéo dài từ ngã sáu Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước, tuyến đường ĐT747, ĐT746, ĐT745,... sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư vào Bình Dương.

Ông Trần Thanh Liêm cho biết trước làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Bình Dương đang chủ động nhiều phương án để thu hút vốn FDI chất lượng cao. Nhiều năm qua, Bình Dương luôn chủ động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích DN đến đầu tư và đổi mới, sáng tạo. Kết quả, giai đoạn 2016-2020, Bình Dương phấn đấu thu hút 7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Kết quả, tỉnh đã thu hút hơn 11 tỷ USD. Để sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư minh bạch; hoàn thiện hệ thống hạ tầng KT-XH, phát triển đô thị - dịch vụ làm tiền đề xây dựng Bình Dương thành thành phố thông minh. (Còn tiếp)

 Bình Dương hiện có 29 KCN với tổng diện tích trên 10.000 ha với khoảng 1.500 DN đang hoạt động. Trong thu hút đầu tư, ngoài việc ưu tiên quy hoạch đầu tư các công trình hạ tầng mang tính liên kết vùng, nhất là các tuyến cao tốc, hệ thống cảng - logistics... tạo động lực cho các DN, Bình Dương đang nỗ lực ưu tiên, đầu tư phát triển các KCN hiện đại, công nghệ chất lượng cao và đô thị thông minh…

 NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên