Hiệu quả từ quy hoạch các khu công nghiệp và đô thị tại Bình Dương – Kỳ 4

Cập nhật: 15-01-2015 | 08:45:59

Kỳ 4: Góp phần tạo tiền đề lên thành phố trực thuộc Trung ương

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020. Để mục tiêu này sớm hoàn thành thì việc phát triển công nghiệp và đô thị rất quan trọng. Với kết quả đạt được từ các khu công nghiệp (KCN) và đô thị tại Mỹ Phước và Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ và đô thị (KLH) trong thời gian qua sẽ góp phần vào quá trình đưa Bình Dương lên thành phố sớm hơn dự kiến.

“Đường lớn” đã mở…

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025, Bình Dương sẽ trở thành đô thị văn minh, hiện đại; là một trong những đô thị phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có sức lan tỏa lớn, có tác động mạnh đến các tỉnh lân cận và vùng xung quanh. Khi trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trước năm 2020, công nghiệp của tỉnh sẽ phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tỷ lệ nội địa cao, ít thâm dụng lao động; cơ sở hạ tầng thương mại, dịch vụ hiện đại; du lịch phát triển theo hướng đa dạng loại hình dịch vụ gắn chặt với đô thị xanh, văn minh, hiện đại…

Công nghiệp và đô thị tại KLH phát triển góp phần đưa Bình Dương lên thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: T.BÌNH

Bên cạnh đó, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đến năm 2020 Bình Dương là một trong những trung tâm công nghiệp lớn trong vùng. Là nơi chú trọng phát triển công nghệ có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu; từng bước nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chế biến trên thị trường quốc tế. Đây cũng là thành phố phát triển công nghiệp gắn chặt với đô thị; phát triển mạng lưới công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo hướng hiện đại, văn minh và hiệu quả; hình thành và tổ chức sắp xếp các cụm công nghiệp theo hướng kết hợp chặt chẽ, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động hiệu quả. Đồng thời, phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh trong lĩnh vực công nghiệp; thu hút lao động có chất lượng cao; hạn chế tối đa ngành công nghiệp thông dụng nhiều lao động một cách hợp lý…

Hướng đến mục tiêu trên, có thể nói việc quy hoạch xây dựng, phát triển các KCN tập trung tại Mỹ Phước (TX. Bến Cát) và KLH đã tạo nên những thành công mang tính đột phá góp phần đưa Bình Dương phát triển, trở thành một trong những tỉnh có công nghiệp phát triển hàng đầu của đất nước như hôm nay. Đồng thời, cũng chính nhờ hạ tầng các KCN và đô thị tại Mỹ Phước đã tác động nhanh quá trình đô thị hóa, để hôm nay Bến Cát trở thành thị xã sớm hơn dự kiến; còn các KCN và đô thị tại KLH đã tác động nhanh để TP.Thủ Dầu Một xứng tầm lên đô thị loại II. Thành quả này đã góp phần làm thay đổi nhanh bộ mặt đô thị của Bình Dương hôm nay và tạo tiền đề tiến tới hoàn thành các mục tiêu phía trước.

… Đi tới tương lai

Thực tế, sự chuẩn bị “dài hơi” cho quá trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ thuận lợi và tác động tích cực của các KCN, KLH, Bình Dương đã tập trung vào xây dựng để đô thị thật sự là động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong thời gian qua tỉnh đã tập trung phát triển hệ thống đô thị đồng bộ, kết hợp giữa hệ thống đô thị trung tâm với hệ thống đô thị vệ tinh, thị trấn, trung tâm xã, phường; phát triển khu vực ngoại vi mới, các khu dân cư đô thị; phát triển các đô thị gắn chặt với việc phát triển kết cấu hạ tầng như đường bộ, bưu chính viễn thông, năng lượng mới và kết cấu hạ tầng ở mức độ hiện đại; từng bước phấn đấu trở thành các đô thị xanh, hiện đại, văn minh, kiểu mẫu mang sắc thái Bình Dương.

Nổi bật trong quá trình phát triển đô thị là việc tập trung xây dựng đô thị tại Mỹ Phước và Thành phố mới Bình Dương với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại nhằm tạo điều kiện cho tỉnh mời gọi đầu tư, hợp tác với các đối tác nước ngoài thuận lợi hơn. Đây là bước quy hoạch có tầm nhìn xa. Trong nỗ lực thực hiện vì mục đích phát triển chung này, đến nay tại Mỹ Phước và KLH nhiều công trình tạo lực đã về đích sớm hơn so với kế hoạch. Từ đó thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị của tỉnh nhanh hơn, hiệu quả hơn theo hướng bền vững trong những năm tiếp theo.

Đối với lĩnh vực kinh tế, để đạt được những mục tiêu theo quy hoạch, Bình Dương tập trung nhiều giải pháp; trong đó tiếp tục phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Theo dự kiến đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có tổng cộng 35 KCN với diện tích gần 13.765 ha. Nhiệm vụ đặt ra cho KCN là thu hút và lấp đầy 16 KCN tại TX.Dĩ An, TX.Thuận An và TP.Thủ Dầu Một; tiếp tục hoàn chỉnh và thu hút đầu tư vào các KCN phía bắc của tỉnh. Để hoàn thành mục tiêu này, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp và phát huy yếu tố “quy hoạch hạ tầng luôn đi trước và đón đầu”. Cụ thể, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển mạnh và đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; phát triển và hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối; tạo quỹ đất sạch tại các KCN; cung ứng ngày càng tốt hơn các dịch vụ để phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính nhanh gọn nhằm tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung mở rộng mạng lưới đào tạo nghề và thay đổi cơ cấu đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề theo hướng xã hội hóa; đồng thời tăng cường gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp; cùng với đó tập trung đào tạo và đào tạo lại đội ngũ công nhân kỹ thuật, lao động có trình độ cho các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh…

Có thể nói, Bình Dương đã thực hiện có hiệu quả quá trình xây dựng hạ tầng KCN tạo đột phá đưa Bến Cát đi lên và xây dựng KLH góp sức giúp Bình Dương phát triển bền vững trong thời gian tới. Đây chính là thành quả của sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa nhằm tạo tiền đề vững chắc để đưa tỉnh xứng tầm lên thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020. (Còn tiếp)

T.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên