Hội tụ và lan tỏa

Cập nhật: 13-04-2017 | 07:33:50

Trong không gian sen tại sân khấu Trung tâm Hội nghị - Triển lãm tỉnh, Lễ bế mạc Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) Quốc gia lần II - Bình Dương 2017 đã chính thức diễn ra vào tối qua (12-4), khép lại 5 ngày đêm với nhiều chương trình phong phú, đa dạng và đậm đà hương sắc phương Nam. Tham dự có đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Phạm Văn Cành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh và một số tỉnh, thành khu vực phía Nam.

21 người mẫu đại diện 21 tỉnh, thành phía Nam có đờn ca tài tử chào mở màn cho chương trình bế mạc

Dâng tràn cảm xúc

Đến Trung tâm Hội nghị- Triển lãm tỉnh hôm qua, chúng tôi được hòa mình vào một không gian ĐCTT tuyệt mỹ. Điểm tô từ ngoài cổng là 21 chiếc đĩa gốm khổng lồ cách điệu thành không gian ĐCTT của 21 tỉnh, thành tham dự festival, cùng 21 người mẫu trong bộ sưu tập thời trang áo dài “Hương sắc miền Nam” của nhà thiết kế Tuấn Hải biểu diễn trên thảm đỏ. Bên trong tiền sảnh, 300 hình ảnh triển lãm về ĐCTT Nam bộ của đông đảo các hội viên, nghệ sĩ nhiếp ảnh trong và ngoài tỉnh đã “giữ chân” du khách đến thưởng lãm.

Với chủ đề “Phương Nam ngày mới”, đại tiệc nghệ thuật ấn tượng của đêm bế mạc được bài trí trong một khung cảnh trữ tình của những sắc màu, hồng của những đóa sen tỏa ngát, xanh của lá sen nơi vùng quê yên bình. Khi tiếng nhạc mở màn chương trình nghệ thuật vang lên, ai nấy đều phấn khởi náo nức nhiều nỗi niềm với hoạt động tương tác “Vọng nguyệt tri ân” và bài “Duyên kỳ ngộ” do NNƯT Thu Hồng biểu diễn.

Khán giả càng dâng tràn cảm xúc với những lời ca hết sức mộc mạc của các em thiếu nhi. Trong khung cảnh mùa xuân đất phương Nam, các thiếu nhi chơi các trò chơi dân gian, vừa ca lòng bản ngũ âm vừa ca lời các bài bản nhỏ (Thu hồ, Long hổ hội, Tam pháp nhập môn...). Lời ca, tiếng phách hòa quyện vào nhau tạo cho khán giả nhiều cảm nhận đặc biệt về sức sống của nghệ thuật ĐCTT đi vào cuộc sống mang sắc xuân trên vùng đất phương Nam.

Những tiết mục hoạt cảnh, bài tân cổ giao duyên, cùng các bài bản theo đó nối tiếp nhau thể hiện phong cách âm nhạc phóng khoáng, phù hợp với hơi thở cuộc sống hiện đại của người Nam bộ hôm nay. Bằng các hình thức nghệ thuật tổng hợp, chương trình đã phần nào vẽ lên “bức tranh” toàn cảnh về đất phương Nam bình dị, hiền hòa, là nơi hình thành, nuôi dưỡng và duy trì sức sống của nghệ thuật ĐCTT.

Quyến luyến chia tay

Đến với chương trình lễ bế mạc, đông đảo khán giả còn có dịp thưởng thức 2 tiết mục xuất sắc được tuyển chọn từ Hội thi Nghệ thuật ĐCTT Nam bộ Quốc gia lần thứ II, một trong những chuỗi hoạt động chính của festival. Qua các tiết mục, người mộ điệu như càng phấn khởi hơn với sự kế thừa mạnh mẽ của các “tài tử nhí” và một niềm tin sáng ngời mà Bình Dương nói riêng, Nam bộ nói chung đối với công tác bảo tồn, phát huy những giá trị nghệ thuật của ĐCTT ở các địa phương.

Sau những màn biểu diễn nghệ thuật, các nghệ nhân, nghệ sĩ, cán bộ quản lý văn hóa của 21 đoàn nghệ thuật các tỉnh tham dự festival lại háo hức, chờ đợi giây phút cá nhân, đơn vị mình được xướng tên đoạt giải trong các phần thi “Liên hoan ĐCTT”, “Không gian ĐCTT”. Trong đêm bế mạc, Ban tổ chức festival đã trao 14 giải thưởng cao nhất của Hội thi ĐCTT và Không gian ĐCTT cho các đơn vị, cá nhân; 8 giải nhất cuộc thi sáng tác lời mới, bài ca vọng cổ chặp cải lương, thi ảnh nghệ thuật “khoảnh khắc”; trao 27 bằng khen cho 21 đoàn nghệ thuật ĐCTT các tỉnh, thành, 2 tổng đạo diễn và 4 đơn vị thực hiện các hạng mục của festival. Cụ thể, giải A Không gian ĐCTT thuộc về TP.Cần Thơ, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, Đồng Nai, Sóc Trăng, TP.Hồ Chí Minh; cuộc thi sáng tác bài ca vọng cổ và chặp cải lương, giải nhất là tác phẩm “Đêm Nguyệt Cầm” của tác giả Phạm Ngọc Phú (Bình Dương), “Nỗi nhớ Bình Dương” của Vưu Long Vĩ (Bạc Liêu), “Về quê” của Xuân Anh (Bạc Liêu)…

Đêm bế mạc festival, cán bộ, nghệ nhân Cần Thơ ngoài mong đợi nhận giải, họ còn chờ đợi giây phút được nhận cờ luân lưu đơn vị tiếp nhận đăng cai Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ III - Cần Thơ 2020. Để giới thiệu về địa phương mình, Cần Thơ cũng có tiết mục biểu diễn qua phần trình diễn ngọt ngào của các nghệ sĩ xứ miệt vườn.

Sau những giây phút lắng đọng với ca từ ngọt ngào, điệu lý, điệu xàng xê của ĐCTT, khép lại chương trình bế mạc, mọi người đã cùng nhau thưởng thức các ca khúc sôi động với chủ đề “Bình Dương- Lời chào tạm biệt” qua phần biểu diễn của các ca sĩ, nghệ sĩ và nhóm múa đến từ TP.Hồ Chí Minh. Qua các tiết mục “Bình Dương khúc hát mùa xuân”, “Bình Dương khúc hát ngày mới” cùng nhóm nhảy, hình ảnh minh họa đã thể hiện sự phát triển của địa phương. Ngoài phát triển kinh tế, Bình Dương luôn quan tâm xây dựng sân chơi văn hóa tinh thần cho nhân dân và nỗ lực bảo tồn, lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống.

Chương trình ca nhạc cũng đã khép lại “ngày hội” của loại hình nghệ thuật tài tử với nhiều gửi gắm, hy vọng ĐCTT mãi trường tồn. Đây cũng là giây phút các nghệ nhân, nghệ sĩ các đoàn nghệ thuật tạm chia tay nhau nhưng trong ánh mắt, cái bắt tay lại chứa đựng sự vấn vương, lưu luyến và hẹn nhau ở Festival ĐCTT lần thứ III tại Cần Thơ.

 

 M.HIẾU - T.LÝ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên