Quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng - Bài 3

Cập nhật: 14-12-2019 | 09:56:50

Bài 3: “Đại bản doanh” đầu tiên

Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, huyện Định Hóa, Thái Nguyên được Trung ương Đảng, Bác Hồ lựa chọn làm căn cứ địa địa cách mạng. Ngày 15-5-1945, tại xã Định Biên, huyện Định Hóa đã diễn ra lễ hợp nhất Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang cách mạng khác trong cả nước thành Đội Việt Nam Giải phóng quân. Mảnh đất Định Biên trở thành “Đại bản doanh” đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN). Chính từ nơi đây, lực lượng vũ trang (LLVT) trong toàn quốc được thống nhất, cùng nhân dân vùng lên giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945.


Đình Làng Quặng, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, nơi được coi là “Đại bản doanh” đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam

“Địa chỉ đỏ” Định Biên

“Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!/ Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt/ Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát/ Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca…”. Trong hành trình về với nguồn cội của QĐNDVN, từ Hà Nội lên Tuyên Quang, với cảm hứng lịch sử từ Tân Trào, chúng tôi lại về thăm An toàn khu (ATK) Định Hóa, Thái Nguyên. Đây là khu Di tích Quốc gia đặc biệt trải rộng trên địa bàn các xã Phú Ðình, Ðiềm Mặc, Thanh Ðịnh, Ðịnh Biên, Bảo Linh, Ðồng Thịnh, Quy Kỳ, Kim Phượng, Bình Thành và thị trấn Chợ Chu, thuộc huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Và tại xã Định Biên, vào ngày 15-5-1945 đã diễn ra hội nghị hợp nhất các LLVT thành Việt Nam Giải phóng quân. Trên cơ sở đó, LLVT đã cùng với lực lượng chính trị quần chúng, kết hợp chặt chẽ hai lực lượng trong một thế trận chung, một thế tiến công chung của một cuộc khởi nghĩa toàn dân vĩ đại, vùng lên giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám.

Cũng phải nói thêm rằng, sau khởi nghĩa Bắc Sơn (tháng 9-1940) đã khai sinh ra đội du kích Bắc Sơn, một lực lượng nòng cốt để xây dựng căn cứ cách mạng Bắc Sơn - Võ Nhai. Ngày 14-2-1941, tại Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ, châu Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, đội du kích Bắc Sơn chính thức được thành lập. Đồng chí Hoàng Văn Thụ thay mặt Trung ương Đảng công nhận, trao cờ đỏ sao vàng và giao nhiệm vụ cho đội. Trong lúc đó, tại Nam kỳ, phong trào cách mạng có các đội du kích, tự vệ làm nòng cốt phát triển mạnh. Tháng 7-1940, tại nhiều nhà máy, trường học, đường phố các tỉnh Nam kỳ, ngoài tổ chức tự vệ, đã hình thành các tổ, tiểu đội du kích. Ở nông thôn, các xã tổ chức được từ 1 tiểu đội đến 1 trung đội du kích, biên chế 3 người thành 1 tổ, 3 tổ thành 1 tiểu đội, 3 tiểu đội thành 1 trung đội. Đến tháng 11-1940, 18 trong số 21 tỉnh Nam kỳ đã tổ chức được các đội du kích, quân số có đội lên tới 100 người... Đây chính là những lực lượng nòng cốt để Trung ương Đảng ra quyết định hợp nhất các LLVT trong toàn quốc thành Việt Nam giải phóng quân trong thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Niềm tự hào chung

Thật vui và vinh dự, Hoàng Huệ Dinh, phóng viên Báo Thái Nguyên, vốn là cô bạn học chung thời đại học, như một cơ duyên, lại có dịp đồng hành với chúng tôi trong trong chuyến về nguồn đầy ý nghĩa này. Sau khi trải qua gần 100km từ TP.Thái Nguyên, với những “rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt”, chúng tôi tìm đến xã Định Biên. Cũng nhờ sự hỗ trợ của đồng nghiệp, chúng tôi nhanh chóng tìm gặp được những người có chức sắc tại địa phương để tìm hiểu về địa điểm hợp nhất các LLVT tiền khởi nghĩa - đình Làng Quặng, nơi được coi là “Đại bản doanh” đầu tiên của QĐNDVN.

Ông Hoàng Luận, một cán bộ hưu trí tại xã Định Biên, người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về lịch sử địa phương tiếp đón chúng tôi bằng một tình cảm thật nồng hậu. Ông bảo: “Quý lắm! Thế hệ chúng tôi giờ chỉ mong muốn lịch sử quê hương được mọi người biết đến, không chỉ là niềm tự hào riêng của địa phương mà còn là sự tiếp nối truyền thống của cả dân tộc, để thế hệ trẻ phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới”.


Ông Hoàng Luận (thứ 2, phải qua) chia sẻ những câu chuyện về sự kiện hợp nhất các LLVT thành Việt Nam giải phóng quân. Ảnh: CAO SƠN

Theo lời kể của ông Luận, ngày 15-5-1945, tại ngôi đình Làng Quặng có lực lượng Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân từ Cao Bằng xuống, Cứu Quốc quân 1 từ Bắc Sơn - Võ Nhai, Ðại Từ lên; Cứu Quốc quân 3 từ Tuyên Quang sang. Các lực lượng Việt Nam Giải phóng quân được biên chế thành 13 đại đội. Ðồng chí Võ Nguyên Giáp là tư lệnh. Các đơn vị Việt Nam Giải phóng quân được tổ chức thống nhất, biên chế theo kiểu “tam tam chế”, mỗi tiểu đội có 12 người, 3 tiểu đội thành 1 trung đội, 3 trung đội thành 1 đại đội. Vũ khí trang bị của Việt Nam Giải phóng quân được tăng cường cả súng máy, súng cối 60 ly lấy được của Pháp và Nhật...

Ông Luận cho biết, đình Làng Quặng xưa có 4 gian dài 18m, rộng 8,5m. Trải qua thăng trầm của thời gian, nay ngôi đình đã được phục dựng lại để nhắc nhở cho thế hệ hôm nay và mai sau về truyền thống lịch sử địa phương. Điều đặc biệt là phía sau ngôi đình có trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Định Biên. Ngôi đình vì thế như một bài học lịch sử để những cán bộ tại địa phương luôn phải trau dồi đạo đức cách mạng, phát huy truyền thống quê hương, phát triển kinh tế - xã hội, vì cuộc sống ấm no của người dân.

Khi tiếp chuyện với chúng tôi, bà Nông Thị Quyên, Chủ tịch UBND xã Định Biên, huyện Định Hóa, cho biết cũng như bao người dân địa phương, bà rất tự hào vì Thái Nguyên, huyện Định Hóa và xã Định Biên là nơi có nhiều địa danh ghi dấu ấn truyền thống lịch sử cách mạng. Chính vì thế, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã phát huy truyền thống, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới thành công, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, thế hệ trẻ của địa phương luôn ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, luôn sẵn sàng lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. “Đình Làng Quặng không chỉ là niềm tự hào riêng của người dân Định Biên chúng tôi mà còn là niềm tự hào chung của cả nước...”, bà Quyên nói. (còn tiếp)

Từ ngày 15 đến 20-4-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc kỳ tại Hiệp Hòa (Bắc Giang). Về quân sự, hội nghị quyết định chia toàn quốc thành 7 chiến khu, đề ra nhiệm vụ xây dựng Việt Bắc thành căn cứ địa chống Nhật kiểu mẫu để mở rộng chiến tranh du kích, sáp nhập một số tỉnh trung du và căn cứ địa Việt Bắc để làm vùng hoạt động du kích, bảo vệ căn cứ. Hội nghị quyết định thống nhất Cứu Quốc quân, Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thành một lực lượng vũ trang thống nhất có tên gọi là Việt Nam Giải phóng quân để cùng nhân dân tiến hành khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa. Hội nghị cũng đề ra những điểm cơ bản để xây dựng Việt Nam Giải phóng quân như thống nhất biên chế, thống nhất huấn luyện chính trị, quân sự; tổ chức công tác chính trị trong bộ đội, trau dồi kỷ luật...

 CAO SƠN - THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên