Theo dấu chân Người- Bài 3

Cập nhật: 18-05-2020 | 09:31:46

Bài 3: Về “Thủ đô gió ngàn” nhớ Bác

Tại lán Tỉn Keo, ngày 6-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chúng tôi có dịp đến với ATK Định Hóa, Thái Nguyên trong những ngày cuối năm 2019. Rừng cọ, đồi chè xanh tươi bát ngát cùng với những địa điểm di tích gợi nhớ những tháng ngày lịch sử màBác đã từng sống và làm việc nơi đây.

Phủ Chủ tịch trong lòng dân

Tối 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Sau lời kêu gọi, Bác đã quyết định chuyển toàn bộ cơ quan đầu não và lực lượng chủ chốt lên vùng an toàn nhằm bảo toàn, củng cố và phát triển lực lượng. Định Hóa (Thái Nguyên) cùng với Sơn Dương (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Kạn) được chọn làm an toàn khu trong kháng chiến.

Trong chuyến hành trình theo dấu chân Bác, được các đồng nghiệp Báo Thái Nguyên giúp đỡ, cánh phóng viên báo chí miền Nam chúng tôi nhanh chóng đến với ATK. Địa điểm đầu tiên mà chúng tôi đặt chân đến là Di tích đồi Tỉn Keo (xã PhúĐình, huyện Định Hóa), nơi Bác Hồ đã từng sống, làm việc và cùng Bộ Chính trị ra những quyết sách quan trọng cho cách mạng Việt Nam.

Nằm ở trung tâm của “Thủ đô gió ngàn”, đồi Tỉn Keo đáp ứng tiêu chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc các đồng chí bảo vệ, giúp việc khi tìm địa điểm đặt cơ quan: “Trên có núi, dưới có sông/Có đất ta trồng, có bãi ta chơi/Tiện đường sang Bộ tổng/ Thuận lối tới Trung ương/Nhà thoáng ráo, kín mái/Gần dân, không gần đường”. Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc nhiều lần trong những năm từ 1948 đến cuối 1953.

Vượt qua đoạn bậc thềm bằng đất cạp bởi cây tre và dây mây rừng chúng tôi đặt chân đến những căn lán bằng tre nứa, lợp bằng lá cọ trong khuôn viên di tích. Những đồ vật đơn sơ sinh hoạt hàng ngày tại đây tất cả đều được bảo quản tốt. Cùng với lán của Bác ở còn có lán của các đồng chí bảo vệ giúp việc; lán họp, chòi gác gần sát con suối Khuôn Tát và đường hầm hào thoát xuống chân đồi. Bếp ăn được đào đặt sâu xuống đất để đun nấu không có khói. Buổi sáng, Bác thường ra khoảng đất nhỏ dưới chân đồi để tập thể dục. Tại đây, Bác còn tự tay trồng rau, ngô. Trước lán trên đồi Tỉn Keo còn bờ hoa râm bụt do Bác mang từ Khau Tý về, sau được bà con lấy giống trồng ở khắp nơi trong vùng.

Từ trên đồi Tỉn Keo xanh tươi tán cọ, phóng tầm mắt ra xa có thể bao quát được khung cảnh núi rừng ATK thật hùng vĩ. Tại đây, ngày 6-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy - Bộ Tổng tư lệnh, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta đến thắng lợi.

Vào hạ tuần tháng 9-1953, ta có được bản kế hoạch của Nava - Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Nava chủ trương phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, tập trung bình định ở miền Nam. Mùa thu năm 1954 sẽ tập trung quân ra miền Bắc tiêu diệt chủ lực của quân ta, hoàn thành thôn tính nước ta trong 18 tháng. Vào giữa năm 1953, tướng Nava đã tập trung ở đồng bằng một lực lượng cơ động mạnh chưa từng có, sẵn sàng chờ đón cuộc tấn công của ta. Nghe Đại tướng trình bày, đôi mắt Bác rất chăm chú. Bàn tay Bác trên bàn bỗng giơ lên và nắm lại. Người nói: Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh, không sợ, ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh ấy không còn”. Bàn tay Bác mở rộng, mỗi ngón chỉ về một hướng. Đó chẳng đã là chỉ đạo mang tính chiến lược tạo thế làm bật ra một Điện Biên Phủ đó sao? Sau khi bàn luận, Bộ Chính trị xác định phương châm tác chiến của ta là tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, hướng chính của chiến cuộc Đông xuân 1953-1954 là Tây Bắc.

Hình bóng Người còn in mãi

Trên chuyến hành trình về ATK, chúng tôi cũng không quên ghé thăm địa điểm di tích Đồi Phong tướng (xóm Nà Lọm, xã PhúĐình). Nơi đây vào lúc 13 giờ ngày 28-5-1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì lễ thụ phong chức đại tướng đầu tiên của quân đội ta cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng Chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ Việt Nam. Trước đó, tại phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 19-1- 1948 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã quyết định phong quân hàm cấp tướng, tá cho cán bộ quân đội. Ngày 20-1-1948 tại Khuôn Tát (xã PhúĐình), Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm cấp tướng cho một số cán bộ lãnh đạo - chỉ huy quân đội, quân hàm Đại tướng: Võ Nguyên Giáp, quân hàm Trung tướng: Nguyễn Bình, quân hàm Thiếu tướng: Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình.

Chúng tôi vượt đèo De, ngọn đèo tựa vào dãy núi Hồng để đến với Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc này, trong khuôn viên Nhà tưởng niệm có nhiều du khách từ khắp các nơi về đây tham quan, thắp nhang lên bàn thờ Bác. Chị Hoàng Huệ Dinh, phóng viên Báo Thái Nguyên đi cùng chúng tôi cho hay, đền thờ Bác Hồ được xây dựng tại vị trí trung tâm Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa của Chiến khu Việt Bắc năm xưa nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Toàn bộ các hạng mục công trình có tổng diện tích gần 16.000m2 gồm Tứ trụ, Tam quan, Nhà dâng hương tưởng niệm và trưng bày các hình ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi tri ân, thể hiện ý nguyện của đồng bào với vị cha già kính yêu, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, tượng đài của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Du khách đến Nhà tưởng niệm Bác Hồ được tổ chức lễ dâng hương, báo công với Bác sau đó vãn cảnh thiên nhiên, núi rừng Việt Bắc và tham quan các điểm di tích lịch sử trong quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa.

Từ Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi phóng tầm mắt đến khung cảnh ngút ngàn của vùng ATK. Ngày nay, ATK đã có nhiều đổi mới về nhiều mặt. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây đã có bước cải thiện rõ rệt. Trong tâm hồn của đồng bào nơi đây, núi rừng ATK vẫn còn in đậm những hình ảnh về Bác, vị lãnh tụ gần gũi, giản dị của dân tộc. Về sau, trên cương vị cao nhất của đất nước, dù bận trăm công ngàn việc nhưng Bác Hồ vẫn dành cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc ởThái Nguyên những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc, đúng như trong thư Người viết gửi đồng bào tỉnh Thái Nguyên: “ Tôi luôn nhớ lúc tôi ốm đau, anh chị em chăm sóc ân cần như ruột thịt. Vì vậy, người tôi tuy xa cách nhưng lòng tôi luôn gần gũi anh em”. Tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của Người đã trở thành tài sản tinh thần quý báu, là nguồn động viên to lớn để tỉnh Thái Nguyên vươn lên xây dựng địa phương ngày càng phát triển, xứng đáng với niềm mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (còn tiếp)

Nằm ở trung tâm của “Thủ đô gió ngàn”, đồi Tỉn Keo đáp ứng tiêu chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc các đồng chí bảo vệ, giúp việc khi tìm địa điểm đặt cơ quan: “Trên có núi, dưới có sông/Có đất ta trồng, có bãi ta chơi/Tiện đường sang Bộ tổng/Thuận lối tới Trung ương/ Nhà thoáng ráo, kín mái/Gần dân, không gần đường”. Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc nhiều lần trong những năm từ 1948 đến cuối 1953.

CAO SƠN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên