Tôn vinh nghệ nhân ưu tú

Cập nhật: 13-04-2017 | 07:33:50

Tối 11-4, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Bình Dương đã diễn ra buổi họp mặt, giao lưu nghệ nhân ưu tú đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ của 21 tỉnh, thành phố. Tại buổi họp mặt, 71 NNƯT được phong tặng năm 2016 đã được gặp gỡ, tôn vinh có nhiều đóng góp cho phong trào ĐCTT của Nam bộ. Đây là hoạt động nhằm động viên, khuyến khích “linh hồn” của loại hình nghệ thuật này tiếp tục sáng tạo, cống hiến để ĐCTT bay cao, bay xa hơn.

Chương trình giao lưu với các NNƯT

Hoạt động bảo tồn di sản

Di sản văn hóa phi vật thể chủ yếu được lưu truyền cho đời sau bằng hình thức truyền khẩu. Vì thế, nghệ nhân, người nắm giữ nội dung di sản có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sự tồn tại và phát triển của di sản văn hóa phi vật thể. Họ chính là “linh hồn”, là “báu vật sống” trực tiếp tham gia sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Với tầm nhìn xa và sáng tạo, ngay sau khi ĐCTT được vinh danh, các tỉnh, thành phía Nam đã xây dựng và thực hiện chính sách tôn vinh và hỗ trợ nghệ nhân. Tôn vinh nghệ nhân là cách làm thiết thực để tiếp tục thực hiện chương trình hành động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ĐCTT cũng như các loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác đạt hiệu quả cao hơn. Động thái đó còn tạo niềm hứng khởi và khí thế quyết tâm bảo vệ di sản của các nghệ nhân. Nghệ nhân Nguyễn Thị Kiều Nga (Cần Thơ) chia sẻ: “Khi được tôn vinh, chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc bởi những cống hiến của mình được ghi nhận. Những năm qua, chúng tôi còn được quan tâm cả về vật chất và tinh thần, bởi vậy hiệu quả truyền dạy cao hơn, lớp trẻ có niềm tin để theo học những làn điệu xàng xê của nghệ thuật tài tử. Tôi thấy rằng, nếu tiếp tục nhận được sự quan tâm của chính quyền cùng với sự nỗ lực không mệt mỏi của những người “giữ lửa” cho ĐCTT sẽ đưa loại hình nghệ thuật này sống mãi và lan tỏa trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng”.

“Chắp cánh” cho phong trào ĐCTT

Trong đêm tôn vinh, các nghệ nhân đã dành nhiều tình cảm, từ ngữ hoa mỹ để ca ngợi loại hình nghệ thuật ĐCTT của dân tộc. Tiến sĩ văn hóa học Mai Mỹ Duyên, Phó Trưởng khoa sau Đại học trường Đại học Văn hóa nói, âm nhạc tài tử mang khát vọng, lý tưởng, tâm hồn, mục đích sống của người dân phương Nam. Những người con đất Việt trong hành trình mở cõi đã sáng tạo nên ĐCTT và rồi nhờ những bài ca đó mà giúp họ trụ lại, sinh tồn và phát triển trên vùng đất mới còn nhiều hoang sơ, khắc nghiệt. Sức sống của nhạc ĐCTT là việc tạo lời nhạc cho bản nhạc và mọi sự phong phú đều nằm ở đó. Nghệ thuật ĐCTT từ trước tới nay cũng có nhiều sự thay đổi, từ trước năm 1945 thì những bản nhạc thường nói về chiến tranh, ca ngợi nghĩa khí, anh hùng. Còn từ sau năm 1945 thì những ca từ đã mềm mại hơn, nói về sự đổi mới, tình yêu nam nữ, dựng xây quê hương đất nước…

Đối với nghệ nhân Lê Hoàng Tấn (TP.Hồ Chí Minh) tâm tình: “Sống với nghệ thuật ĐCTT nói riêng, nghệ thuật truyền thống nói chung sẽ góp phần nuôi dưỡng cho tâm hồn mình thêm yêu quê hương, đất nước, cuộc sống, thêm niềm tin, lạc quan và tươi trẻ hơn”. Chính những cái hay, cái đẹp đó, các nghệ nhân đã cùng quyết tâm thể hiện vai trò, trách nhiệm mình trong việc gìn giữ, phát triển loại hình di sản của nhân loại.

 

 T.LÝ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên