Trao yêu thương giữa mùa dịch bệnh – Kỳ cuối

Cập nhật: 30-04-2020 | 08:25:51

 

 Kỳ cuối: Tinh thần người lính không ngơi nghỉ...

Hôm nay (30-4), cả dân tộc Việt Nam tự hào kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất non sông. Chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng, độ dài của thời gian đã đủ cho mọi người thấu hiểu những nỗi đau của chiến tranh để thay vào khoảng lặng trong tâm hồn lòng nhân văn, cùng hướng tới mối bang giao hữu nghị và yêu chuộng hòa bình. Thế nhưng, tháng tư lịch sử này trên mọi nẻo đường quê hương vẫn sục sôi lòng người. Tất cả cùng ra trận chiến đấu với một kẻ thù giấu mặt muôn phần nguy hiểm, đang gieo rắc nỗi đau toàn cầu...


Các CCB phường Phú Thọ (TP.Thủ Dầu Một) tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: DŨNG TUẤN

“...Vắc-xin có sẵn của chúng ta là tinh thần Việt...”, câu nói của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới nghe có vẻ hơi trừu tượng, nhưng hễ ai là người Việt Nam yêu nước hẳn thấm thía hàm ý của nó. Ngay cả người Pháp rồi người Mỹ, nhiều năm sau chiến tranh Việt Nam đều thừa nhận, họ đã thua tất cả vì không hiểu văn hóa và tinh thần của nhân dân Việt Nam. Hay một nhà sử học nước Mỹ đã viết rằng: Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến giữa một bên là tổ chức kỹ thuật hiện đại, còn bên kia là tổ chức con người, cuối cùng con người đã thắng. Chúng tôi muốn nói rõ hơn là, cuối cùng, con người, lịch sử và văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc ta đã chiến thắng. Tinh thần chống giặc giữ nước, rồi cùng nhau chống chọi với thiên tai xây dựng đất nước đã trở thành thuộc tính thượng tôn của xứ sở này. Hôm nay, thêm một lần nữa thế giới phải ngước nhìn về Việt Nam. Một dân tộc đất không rộng, người không đông... quá khứ đã làm thay đổi dòng chảy lịch sử, hiện tại đang thành công đi đầu trong cuộc chiến chống dịch.

Cơn mưa trái mùa vừa tạnh, chúng tôi đến thăm cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Tuyên, nhà cạnh đường Phú Lợi, phường Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một). Tháng tư này, trong tâm hồn ông như tách thành hai nửa, nửa của ký ức thời binh lửa ùa về, nửa nặng tình đồng bào, thương người hoàn cảnh khó khăn thêm éo le vì đại dịch Covid-19. Đời trận mạc có lẽ đã mãi khắc sâu vào tâm khảm người lính, nên mở đầu câu chuyện, nhìn thẳng vào mắt chúng tôi, ông nói những ngày hôm nay đơn vị ông đang ở mặt trận Xuân Lộc, quần nhau ác liệt với quân thù, quyết tâm mở toang cửa thép Xuân Lộc để đại quân ta tiến vào Sài Gòn... Rồi giọng ông bỗng trầm xuống khi chúng tôi nhắc đến sự hy sinh to lớn của bộ đội ta ở chảo lửa này cách đây 45 năm về trước.

Thiếu tá Nguyễn Văn Tuyên, quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tham gia bộ đội từ năm 17 tuổi. Chiến tranh vệ quốc đã đưa gót chân người lính như ông đi khắp chiến trường miền Nam. Sau chiến thắng Xuân Lộc, đơn vị ông tiếp tục tiến về Sài Gòn và tham gia công tác quân quản thành phố vừa giải phóng trong niềm vui ca khúc khải hoàn. Thế nhưng, niềm vui chưa được tày gang thì một dải biên cương phía Nam của Tổ quốc đang bị kẻ thù xâm lấn và phía bên kia biên giới, nhân dân Campuchia đang rên xiết dưới gót giày của chế độ khát máu. Đất nước chưa bình yên, áo lính lại vội khoác vào, ông Tuyên lúc này thuộc biên chế Sư đoàn 7 - Quân đoàn 4 lập tức lên đường theo tiếng gọi của đồng bào biên giới. Chỉ trong một thời gian ngắn, bộ đội ta đã giáng những đòn chí mạng vào bè lũ Pôn Pốt - Iêng Xari và tiến sâu vào hang ổ của chúng đánh đổ tập đoàn phản động, cứu đồng bào đất nước chùa tháp khỏi họa diệt vong. Trong một trận chiến ác liệt, ông đã bị địch bắn vào chân, trở thành người thương binh nhưng vẫn công tác trong quân đội cho đến ngày nghỉ hưu, gắn cuộc đời còn lại của mình với mảnh đất Bình Dương nhiều kỷ niệm thời chinh chiến.

Thế rồi khi cơn đại dịch Covid-19 xảy ra, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, vợ chồng ông Tuyên đã tích góp từng đồng lương, tiền chế độ thương binh để ủng hộ cho những hoàn cảnh khó khăn 13 triệu đồng. Khi chúng tôi hỏi, ông muốn chia sẻ điều gì với mọi người trong giai đoạn khó khăn này, ông Tuyên trầm ngâm rồi nói: “Đời lính chúng tôi nếu không có nhân dân đùm bọc chở che thì làm sao có chiến thắng, vẹn toàn được như hôm nay. Nghĩa nhân dân, tình đồng bào trong chiến tranh cao cả lắm, nên tôi nghĩ thời bình nhân dân gặp hoạn nạn mình phải có trách nhiệm, cố gắng góp một phần nhỏ để giúp đỡ mọi người, đặc biệt là những người trên quê hương Bình Dương này đã cưu mang bao thế hệ chúng tôi đánh giặc...”.


Vợ chồng CCB Nguyễn Văn Tuyên đang nhắn tin ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 Ảnh: DŨNG TUẤN

Thực hiện giãn cách xã hội, cuộc sống tạm lắng xuống nhưng đâu đó vẫn có những con người âm thầm làm việc. Chị lao công vẫn đêm đêm quét rác cho đường phố mãi sạch đẹp, anh thợ điện ngày ngày tuần tra, sửa chữa bảo đảm dòng điện phục vụ nhân dân sinh hoạt tại nhà... Riêng có ba bộ phận mà chúng tôi thấy công việc của họ thì lại tất bật hơn ngày thường, đó là MTTQ, Đoàn Thanh niên và Hội CCB. Tinh thần người lính không bao giờ ngơi nghỉ! Những ngày qua, nhiều hội viên Hội CCB TP.Thủ Dầu Một có kinh doanh nhà trọ đã sẵn sàng giảm miễn tiền thuê trọ cho người lao động. Không những vậy, các CCB đã tạm gác việc nhà cùng đi vận động các nhà hảo tâm chung tay ủng hộ người nghèo. Những việc làm ý nghĩa của họ đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người.

Hôm rồi, mới sáng sớm chúng tôi đến phường Phú Thọ (TP.Thủ Dầu Một) đã thấy các CCB ở đây đâu đó sẵn sàng những chuyến xe chở lương thực thực phẩm chuẩn bị đến từng khu trọ. Dãy nhà trọ đầu tiên mà chúng tôi đến nằm bên đường 30-4, hình như được báo trước nên mọi người có mặt đông đủ. Từng món quà, nào gạo, mì được trao tận tay mọi người trong tình thương sẻ chia rất cảm động. Bà Trương Thị Tuyết, quê ở Thanh Hóa vào Bình Dương thăm các con, “kẹt” cơn dịch không về quê được đã rất xúc động khi nhận quà của CCB phường Phú Thọ. Bà bùi ngùi cho biết, bà tính vào thăm con ít bữa rồi về, ai ngờ vì dịch bệnh nên phải ở lại. Các con làm công nhân phải nghỉ việc, không có lương nên khó khăn, bà ở lâu ngày thêm gánh nặng cho con cái nên thương lắm. May nhờ chính quyền quan tâm ủng hộ, bà cảm thấy an tâm phần nào, chỉ mong hết dịch để về quê....

Có mặt trong buổi trao quà cho người nghèo, CCB Nguyễn Tấn Hinh tâm sự rằng: “Hồi tiến quân sang Campuchia giúp bạn, bộ đội ta thấy đồng bào chùa tháp lâm cảnh đọa đày đã không quản khó khăn dành hết lương thực thực phẩm cứu người dân khỏi chết đói, bệnh tật. Tinh thần quốc tế còn cao cả là vậy, nay đồng bào mình gặp hoạn nạn ngồi yên sao đành. Cơn dịch còn kéo dài, chúng tôi nguyện còn chiến đấu mãi không thôi...”.

Cả khu trọ đường 30-4 buổi sáng hôm đó ấm áp tình người. Đường phố tuy vắng người qua lại nhưng vẫn có người dừng lại để chứng kiến sự việc, chứng kiến tình cảm của những người lính già và cảm thông với người lao động nghèo. Và, chúng tôi tin rằng, trong lòng mỗi con người ấy đang trỗi dậy tình cảm mình là người Việt Nam...

 KIẾN GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên