Vì sao Công ty Cổ phần Đại Nam bị thanh tra toàn diện? - Bài 5 

Cập nhật: 04-09-2015 | 06:06:40

Bài 5: Thiện nguyện phải từ tâm

Theo Kết luận thanh tra số 2735/KL-UBND ngày 13-8-2015 của UBND tỉnh Bình Dương, cùng với các vi phạm trong việc chấp hành quy định pháp luật về đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản; chấp hành quy định pháp luật trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, kết luận, kiến nghị sau thanh tra, Công ty Cổ phần Đại Nam (CPĐN) còn có những vi phạm trong việc chấp hành quy định pháp luật về môi trường và tài nguyên nước. Điều đáng chú ý là theo nội dung kết luận thanh tra, các khoản kinh phí làm từ thiện xã hội của Công ty CPĐN từ năm 2009-2013 đều được hạch toán vào chi phí quản lý, không phải được trích ra từ lợi nhuận sau thuế.

 Vi phạm các quy định bảo vệ môi trường

Trong quá trình tiến hành thanh tra tại Công ty CPĐN, tại các dự án Khu công nghiệp Sóng Thần 2, Khu nhà ở Sóng Thần 2, Khu dân cư Dĩ An, Khu đầu tư - dịch vụ - thương mại Sóng Thần 2, Khu nhà ở Sóng Thần 2 mở rộng, Khu nhà ở Sóng Thần 2, Khu tái định cư Sóng Thần 2, Khu tái định cư Tân An 2, Khu công nghiệp Sóng Thần 3…, qua kiểm tra thực tế, đoàn thanh tra của UBND tỉnh Bình Dương đã phát hiện ra những thiếu sót, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường theo quy định của phát luật.

Kết luận thanh tra cho biết: “Đa số các dự án chưa thực hiện nghiêm túc việc giám sát, báo cáo môi trường theo định kỳ. Việc giám sát chưa đúng theo quy định trong giấy phép xả nước thải vào nguồn nước số 1388/GP-BTNMT ngày 14- 7-2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường…”. Không những thế, kết luận thanh tra của UBND tỉnh còn cho thấy công tác lập hồ sơ bảo vệ môi trường của Công ty CPĐN cũng còn bộc lộ những vi phạm. “Vài dự án chưa lập hồ sơ bảo vệ môi trường, không xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải theo đề án bảo vệ môi trường, chưa có hệ thống thu gom nước thải của các hộ dân về hệ thống xử lý nước thải tập trung…”, kết luận thanh tra nêu rõ. Các hành vi này đã vi phạm các quy định tại Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 và Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24-10- 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính.

Cùng với các vi phạm khác, Công ty CPĐN còn có những vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Ảnh: P.V

Tuy nhiên, do hành vi vi phạm của Công ty CPĐN chưa được các đoàn thanh tra, kiểm tra nhắc nhở nên chỉ bị áp dụng mức phạt tối thiểu cho mỗi hành vi. Vì thế, theo các quy định tại các nghị định nêu trên, tổng số tiền mà Công ty CPĐN bị xử phạt đối với các vi phạm về môi trường, tài nguyên nước là 1.110.000.000 đồng.

Cùng với các vi phạm các quy định pháp luật về môi trường, tài nguyên nước, qua quá trình thanh tra, đoàn thanh tra còn phát hiện Công ty CPĐN có những vi phạm các quy định trong quá trình kê khai, tính thuế trên lĩnh vực tài nguyên khoáng sản. Đoàn thanh tra mới chỉ chọn Khu công nghiệp Sóng Thần 3 và Khu du lịch Đại Nam, qua xem xét hồ sơ, chứng từ mà Công ty CPĐN cung cấp, đoàn thanh tra cho biết, công ty đã kê khai giá tính thuế chưa đúng với quy định tại Quyết định số 249/2003/QĐ-CT ngày 15- 10-2003 của UBND tỉnh Bình Dương, Nghị định số 05/2009/ NĐ-CP ngày 19-1-2009 của Chính phủ và phí bảo vệ môi trường chưa đúng quy định tại Quyết định số 322012/QĐ-CT ngày 1-8-2012 của UBND tỉnh Bình Dương và Nghị định số 74/2011của Chính phủ…

Thiện nguyện phải từ tâm

Trước hết, phải thừa nhận rằng, trong thời gian qua, Công ty CPĐN là một doanh nghiệp đã hưởng ứng tham gia và đồng hành với một số hoạt động từ thiện xã hội trong và ngoài địa bàn tỉnh Bình Dương. Đó là các chương trình ủng hộ bão lụt, xây nhà cho người nghèo và tham gia vào hoạt động mổ tim cho trẻ em nghèo. Hơn thế nữa, lâu nay trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông Huỳnh Uy Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CPĐN cũng luôn “nổi tiếng” với những phát ngôn “gây sốc”, trong đó có những phát ngôn “hoành tráng” về việc tham gia, ủng hộ các hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội, đặc biệt là chương trình mổ tim cho trẻ em nghèo như dành 1.800 tỷ đồng làm từ thiện hay dùng toàn bộ lợi nhuận để đồng hành với chương trình mổ tim… Hay mới đây, sau khi UBND tỉnh Bình Dương công bố kết luận thanh tra, trên các phương tiện truyền thông đăng tải thông tin ông Huỳnh Uy Dũng công bố, nếu không bị buộc nộp phạt gần 100 tỷ đồng thì ông Dũng sẽ lấy số tiền này để ủng hộ cho trẻ em nghèo mổ tim… Chính thế, dư luận biết đến ông Huỳnh Uy Dũng là một “đại gia” luôn đồng hành với các hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội.

Thực tế thì như thế nào? Trong quá trình tiến hành thanh tra tại Công ty CPĐN, đoàn thanh tra của UBND tỉnh Bình Dương đã xác định rõ những hoạt động mà công ty tham gia trong công tác nhân đạo, làm từ thiện xã hội. Theo nội dung Kết luận thanh tra số 2735/ KL-UBND ngày 13-8-2015 của UBND tỉnh Bình Dương, cùng với hoạt động sản xuất, kinh doanh, Công ty CPĐN đã thực hiện một số hoạt động đóng góp, hỗ trợ cho xã hội như chương trình mổ tim, ủng hộ xây dựng trường học, hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo, hỗ trợ thiệt hại do bão lụt… Tổng số tiền mà Công ty CPĐN chi cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội này từ năm 2009 đến năm 2013 là 11.905.553.936 đồng. Trong đó, trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Công ty CPĐN chi 4.806.041.290 đồng và trên phạm vi ngoài tỉnh, công ty đã chi 7.099.512.646 đồng.

Điều đáng lưu ý là, theo kết luận thanh tra, toàn bộ khoản tiền trên 11 tỷ đồng mà Công ty CPĐN chi cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội nêu trên đều được công ty hạch toán vào phần chi phí quản lý, không phải là chi ra từ lợi nhuận sau thuế! Riêng trong năm 2014, đoàn thanh tra không nhận thấy khoản chi cho hoạt động xã hội, từ thiện nào. Ngoài ra, qua kiểm tra chứng từ, sổ sách, báo cáo tài chính của Công ty CPĐN, đoàn thanh tra cũng không nhận thấy sự thể hiện việc Công ty CPĐN chi cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội từ lợi nhuận sau thuế để hỗ trợ cho trẻ em nghèo mổ tim như ông Huỳnh Uy Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CPĐN vẫn thường công bố.

Thiết nghĩ, thiện nguyện là một hoạt động từ tâm của mỗi con người. Và một khi đã có tâm hướng phật, có lòng trắc ẩn, có thể chia sẻ được những điều mình có khả năng đối với những trường hợp hoạn nạn, khó khăn trong xã hội, thì đó cũng là một hành động thiện nguyện từ tâm của mỗi con người. Một khi đã có cái tâm như thế, mỗi người khi đi tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội, chắc hẳn cũng không cần thiết phải công bố với toàn xã hội về hành động thiện nguyện của mình. Hơn thế nữa, đối với Công ty CPĐN, từ năm 2009-2013, các khoản chi phí cho hoạt động từ thiện, xã hội đều được hạch toán vào chi phí quản lý, không phải được trích ra từ lợi nhuận sau thuế như ông chủ của doanh nghiệp này từng tuyên bố. Dư luận cũng thừa thông minh để hiểu bản chất số tiền trên 11 tỷ đồng mà Công ty CPĐN đi làm từ thiện từ năm 2009-2013 là như thế nào!

 NHÓM P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên