Vòng bán kết cuộc thi Chiếc thìa vàng năm 2016: 15 đội thi xuất sắc vào vòng chung kết

Cập nhật: 31-10-2016 | 08:47:49

Với chủ đề “Món ăn vàng”, vòng bán kết cuộc thi Chiếc thìa vàng năm 2016 - khu vực miền Bắc đã diễn ra vào ngày 11-10-2016 có sự góp mặt của 19 đội thi, là những đại diện xuất sắc đã vượt qua vòng sơ tuyển, đến từ các cụm thi Bắc Trung bộ, Đồng bằng sông Hồng, Cao nguyên Bắc bộ và Hà Nội.


Đại diện Tổng cục Du lịch và Ban tổ chức cuộc thi trao giải thưởng cho các đội đoạt giải tại vòng bán kết khu vực miền Nam

Trong thời gian thi đấu, các đầu bếp đã mang tới các sản vật phong phú, không chỉ của 3 miền đất nước mà có cả những nguyên liệu đắt tiền được tuyển lựa từ nhiều quốc gia trên thế giới. Bằng tài nghệ và đặc biệt là việc ứng dụng kỹ thuật nấu hiện đại (nấu chậm, ẩm thực phân tử...), các đội thi đã “sáng tạo” nên những món ăn sang trọng, đẹp mắt. Đối với những món ăn mang hồn Việt, không chỉ ngon và lành, mà còn thể hiện phong cách hiện đại... các đầu bếp đã đưa ẩm thực Việt lên một tầm cao mới…

Sau một ngày thi đấu hấp dẫn, Ban tổ chức cuộc thi đã chọn được 6 đại diện xuất sắc đầu tiên vào vòng chung kết, gồm: Naman Retreat Resort Đà Nẵng (giải nhất); Khách sạn Indochine Palace Huế, Khách sạn Mường Thanh Lào Cai, Khách sạn Hilton Hanoi Opera, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort và Khách sạn Crowne Plaza Danang (giải nhì).

Vòng bán kết miền Nam (vừa diễn ra trong 2 ngày 26 và 27-10-2016 tại Nhà thi đấu Quân khu 7, số 202 đường Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh) là dịp hội ngộ của 28 đội thi gồm những đại diện xuất sắc đã vượt qua vòng sơ tuyển, đến từ các cụm thi Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, Tây nguyên, Nam Trung bộ và TP.Hồ Chí Minh. Yếu tố khiến vòng bán kết miền Nam diễn ra gay cấn và hồi hộp hơn, bởi do đây là vòng thi xác định những chiếc vé cuối cùng vào vòng chung kết Chiếc thìa vàng 2016.

Nhờ có nhiều quỹ thời gian để lên ý tưởng, tìm nguyên liệu, nghiên cứu và tập dượt, các đầu bếp các cụm thi miền Nam đã chuẩn bị được những thực đơn ưng ý nhất: Các đầu bếp đồng bằng vẫn dựa vào thế mạnh sản vật sông nước, đặc biệt là các loại hải sản, rau trái mùa nước nổi để chế biến thành những món ăn độc đáo. Các đầu bếp Đông Nam bộ, Nam Trung bộ lại có thế mạnh về các loại hải sản cũng như rau trái địa phương, họ tìm sự hòa hợp giữa hương rừng núi và vị biển khơi cho các món ăn. Riêng các đầu bếp Tây nguyên thì có thế mạnh về nhiều loại gia vị mới lạ, các loại thực phẩm đặc hữu và những bí quyết hấp dẫn để làm nên món ăn. Trong đó, các đầu bếp TP.Hồ Chí Minh là những đối thủ nặng ký bởi họ có thừa kinh nghiệm, kỹ thuật để tiếp nhận, dung hòa món ngon các vùng miền bằng phong cách ẩm thực kết hợp…

Cầm cân nảy mực cuộc thi là đội ngũ giám khảo có uy tín, giàu kinh nghiệm. Trong đó, các giám khảo chuyên môn, gồm: Đại sứ hàng Việt - nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương; Đại sứ hàng Việt - Nhà giáo ưu tú Triệu Thị Chơi; Chủ tịch Hiệp hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn - ông Lý Sanh; Chuyên gia ẩm thực gốc Thụy Sĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn - ông Norbert Ehrbar; Chủ tịch Hiệp hội Escoffier Việt Nam - ông Sakal Phoeung; các giám khảo khách mời: Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Long I, Phó Ban tổ chức cuộc thi Chiếc thìa vàng - ông Lý Huy Sáng; Đại sứ hàng Việt - NSƯT Kim Xuân; Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh - bà Nguyễn Thị Ánh Hoa.

Cố vấn và là giám khảo chuyên môn của cuộc thi, Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương cho biết, chủ đề chung của cuộc thi năm 2016 là “Hương vị quê nhà thời hội nhập - Hành trình gia vị Việt”, vì vậy Ban giám khảo vẫn kỳ vọng và đánh giá cao những món ăn vàng được các đầu bếp dụng công tìm tòi, giới thiệu những món ăn truyền thống, ngon và lành cũng như phát hiện các loại gia vị mới lạ của địa phương, dụng công nghiên cứu để khai thác hết giá trị của gia vị, tạo ra sự hòa quyện với nguyên liệu, làm món ăn thêm thăng hoa... Kinh nghiệm chấm thi cùng các giám khảo nước ngoài, là những chuyên gia ẩm thực, đầu bếp uy tín tầm quốc tế, họ đánh giá cao cách sử dụng sáng tạo, khai thác giá trị nguyên liệu và gia vị Việt Nam, làm nên những món ăn đậm chất Việt Nam ngon lành, đẹp mắt và câu chuyện hấp dẫn kèm theo...

Giám khảo Bùi Thị Sương cũng đánh giá cao những đầu bếp có cơ cấu thực đơn hợp lý, mà ở đó, chủ đề của thực đơn kể được những câu chuyện hấp dẫn về xuất xứ, ý nghĩa, những giai thoại của món ăn làm thực khách thích thú. Các món ăn được trình bày đẹp mắt, có tính kết nối tốt, bố cục hài hòa trong việc sử dụng các dụng cụ chén dĩa... Với những yêu cầu như vậy, rõ ràng vòng thi bán kết đặt ra cho các đầu bếp những thử thách cao hơn, nhiều áp lực hơn nhưng cũng là dịp để những đầu bếp tài nghệ, có nhiều tâm huyết, giỏi kỹ năng, giàu kinh nghiệm khám phá và thể hiện hết khả năng của mình.

Ông Lý Huy Sáng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I, Phó Ban tổ chức cuộc thi, chia sẻ: “Trải qua 3 mùa thi, càng về sau, Chiếc thìa vàng càng được đầu tư, xây dựng và tổ chức chuyên nghiệp hơn và chúng tôi rất hào hứng với những cơ hội và thách thức mới mà cuộc thi mang lại cho các đầu bếp. Qua vòng thi sơ tuyển, Chiếc thìa vàng mùa thứ 4 đã thực hiện hành trình đi dọc đất nước và cảm nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các đầu bếp 3 miền. Dấu ấn đậm nét của mỗi hành trình đầy cảm xúc ấy, là việc cuộc thi đã đến được nhiều địa phương hơn, tiếp cận nhiều nét văn hóa ẩm thực vùng miền, những món ăn gia truyền, món ngon dân gian còn lẩn khuất. Thành quả hết sức ý nghĩa là các đầu bếp, bằng đam mê và tài nghệ đã khám phá, giới thiệu và tôn vinh hơn 400 món ăn, những đặc sản nổi bật với giá trị ngon - lành, những loại gia vị độc đáo và giàu tiềm năng thương mại. Nhờ đó, song song với Bản đồ món ăn Việt Nam, Bản đồ gia vị Việt đang dần lộ diện, thì những món ăn tốt nhất được lựa chọn sẽ là những dữ liệu quan trọng để thực hiện ẩn phẩm sách ẩm thực Chiếc thìa vàng, gửi đến rộng rãi độc giả cả nước và thế giới...”.

Sau 140 phút thi đấu gay cấn với phần thi thuyết trình và thi kiến thức trắc nghiệm, cuộc thi đã xác định được 9 đại diện cuối cùng vào chung kết. Giải nhất (trị giá 50 triệu đồng) thuộc về KDL Bình Quới 1 (đội 16); 8 giải nhì (mỗi giải trị giá 40 triệu đồng) là các đội: Quán Nhi - Cần Thơ (đội 1), Nhà hàng Thắng Lợi 1 - An Giang (đội 2), La Veranda Phú Quốc - Kiên Giang (đội 4), Công ty TNHH Sea Links City - Bình Thuận (đội 31), Khách sạn Palace Vũng Tàu (đội 34), Nhà hàng Thành Phát - Đaklak (đội 44), Quán 79 Gia Bảo - KonTum (đội 45), Khách sạn Cẩm Thành (đội 52). Như vậy, 9 đại diện xuất sắc nhất miền Nam cùng với 6 đội miền Bắc sẽ cùng tranh tài trong trận chung kết diễn ra vào ngày 6-12-2016.

Cuộc thi Chiếc thìa vàng diễn ra với 3 vòng thi tập trung: vòng sơ tuyển (tại 3 địa điểm trải dài theo chiều dọc đất nước), vòng bán kết và chung kết. Mùa thứ 4 - năm 2016 với chủ đề “Hương vị quê nhà thời hội nhập - Hành trình gia vị Việt” đặt ra 5 tiêu chí: 1. Tìm kiếm, bảo tồn và phát huy những món ăn dân dã truyền thống, bình dị, mang đặc trưng văn hóa địa phương, vùng miền. 2. Món ăn phải “ngon và lành”, đây là tiêu chuẩn đầu tiên của một nền ẩm thực phù hợp với xu thế thời đại: sống xanh, vì sức khỏe con người. 3. Quốc tế hóa món ăn Việt bằng nghệ thuật trang trí, trình bày món ăn sang trọng, đẳng cấp và hoàn hảo. 4. Tôn vinh những đầu bếp tài năng và những nhà hàng - khách sạn đã góp sức làm giàu nền văn hóa ẩm thực Việt. 5. Biến ẩm thực Việt thành thương hiệu du lịch - ẩm thực quốc gia nhằm góp phần nâng cao thể chất con người khỏe mạnh, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.  Để tìm hiểu thêm thông tin vui lòng truy cập web Chiecthiavang.com.

 

 BÌNH MINH - VIỆT KHÁNH 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên