Bài 9: Tiểu đoàn Phú Lợi anh hùng
Chiến thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở Sông Bé - Bình Dương có sự góp công rất lớn của Tiểu đoàn Phú Lợi (TĐPL) - Tiểu đoàn chủ lực tập trung cơ động đầu tiên của tỉnh Thủ Dầu Một (TDM), ra đời từ những ngày đầu Mỹ đổ bộ trên chiến trường TDM. Những trận đánh Bông Trang - Lò Gạch, Suối Dứa, Đồng Sổ… chính là bài học kinh nghiệm quý giá để làm nên lịch sử truyền thống hào hùng của tiểu đoàn.
Có dịp đến với Khu căn cứ Vườn Trầu ở xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng, mọi người sẽ thấy bia kỷ niệm ngày thành lập TĐPL sừng sững uy nghiêm. Đây chính là minh chứng hùng hồn cho chặng đường 21 năm xây dựng và chiến đấu của tiểu đoàn. Với truyền thống “Ra quân đánh thắng trận đầu, đánh là tiêu diệt, ra quân là chiến thắng”, TĐPL đã lập được nhiều chiến công hiển hách, góp phần cùng quân dân trong tỉnh và lực lượng chủ lực của Bộ, Miền đánh đổ ngụy quân, ngụy quyền, giành chính quyền về tay nhân dân, làm nên chiến thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và đỉnh cao là đại thắng mùa xuân 1975, thu giang sơn về một mối. Mò mẫm từng viên gạch, từng ụ đất khu vực bia kỷ niệm, ông Huỳnh Văn Thu, nguyên Chính trị viên TĐPL, nhớ lại: “Tiểu đoàn đã hình thành từ tháng 11-1964, với những đơn vị tiền thân Đại đội 304, 306, 308 và Đại đội 4 trợ chiến. Trong đó, Đại đội 304 ra đời sớm và là đơn vị mạnh được xây dựng làm nòng cốt. Nhưng đến ngày 5-6-1965 mới thật sự là ngày chính thức khai sinh tiểu đoàn. Từ đây đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng vũ trang tỉnh. Xưa kia, vùng đất này thuộc xóm Vườn Trầu, ấp Hồ Mên, xã Long Nguyên, huyện Bến Cát”.
Bia kỷ niệm thành lập TĐPL tại căn cứ Vườn Trầu
Các thành viên trong Ban Liên lạc TĐPL kể về ngày thành lập tiểu đoàn năm xưa. Ảnh: T.THẢO
Trong ngày chính thức ra mắt, lễ đài được dựng lên ngay giữa khoảng đất trống. Các Đại đội 304, 306, 308, Đại đội 4, các trung đội trinh sát, thông tin, vận tải và đội phẫu thuộc tiểu đoàn với quân phục mới, đội ngũ chỉnh tề thành đội hình vuông vức trước lễ đài. Các loại hỏa khí trung, đại liên, cối, ĐKZ xếp thành hàng ngang trước đội hình. Cán bộ, chiến sĩ, những người lập công oanh liệt trong các trận Đồng Sổ, Đồng Chèo, Quý Hiệp… nét mặt tươi vui, nghiêm trang chờ đợi giờ phút chính thức khai sinh đơn vị. Không chỉ vậy, hàng ngàn đồng bào thuộc các ấp ở xã Long Nguyên và các xã lân cận như Thanh An, Thanh Tuyền, Kiến An… cùng đến chứng kiến, chia vui với tiểu đoàn. Trong quan cảnh ấy, ông Trần Quốc Ân, Tỉnh đội trưởng TDM đã trang trọng đọc quyết định thành lập TĐPL của Quân khu miền Đông.
Nhớ lại bối cảnh thành lập TĐPL, ông Dương Văn Liễu, nguyên Chính trị viên TĐPL, cho biết mùa đông năm 1964 là một mùa đông ảm đạm, toàn một màu xám đã đến với Mỹ - ngụy trên chiến trường Sông Bé và khắp các chiến trường miền Nam. Lúc bấy giờ, quân ngụy là công cụ chủ yếu, là cái xương sống của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” mà Mỹ không tiếc tiền của, công sức để xây dựng, huấn luyện, trang bị đã không đứng vững được trước sức tiến công bằng cả vũ trang, chính trị và binh vận của quân và dân ta trong một cuộc chiến tranh nhân dân đang phát triển đến đỉnh cao. Nó không còn làm được chức năng mong muốn của Mỹ để tiến hành chiến tranh xâm lược thực dân mới và đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt và tan rã từng mảnh. Cùng với lực lượng quân ngụy, “ấp chiến lược” - một chủ trương mà Mỹ - ngụy đặt lên hàng quốc sách quyết định sự thành bại của chúng đang đứng trước nguy cơ phá sản.
“Chiến tranh đặc biệt” - một chiến lược “sáng tạo” của Mỹ, loại chiến tranh xâm lược bằng quân đội tay sai, trong đó Mỹ đóng vai trò ông chủ và cố vấn. Đây là loại chiến tranh rẻ nhất về tiền của và tránh được sự chết chóc cho người Mỹ, được đẩy đến mức cao nhất đã thất bại. Trong khi đó, vào mùa xuân năm 1965, một mùa xuân của trăm sắc hoa và chiến công mới đang đến với lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Sông Bé. Quân ngụy bị tiêu diệt ngày càng nhiều. Phong trào phá “ấp chiến lược” ngày càng phát triển. Phong trào diệt ác phá kìm, giành quyền làm chủ của nhân dân các dân tộc ngày càng mạnh mẽ. Đấu tranh chính trị được kết hợp chặt chẽ với đấu tranh vũ trang và tiến công binh vận.
Trước yêu cầu khách quan của cuộc chiến ngày càng phát triển, đòi hỏi gấp rút phải có đơn vị chủ lực tập trung cơ động mạnh, thực hành tác chiến tiêu diệt địch, gây tác động đối với kẻ thù và hỗ trợ đắc lực cho phong trào chiến tranh du kích, phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân, tháng 11-1964, Tỉnh ủy quyết định tập trung các Đại đội 304, 306, 308 và Đại đội 4 trợ chiến hình thành lâm thời tiểu đoàn chủ lực cơ động của tỉnh. Tiểu đoàn chủ lực cơ động của tỉnh ra đời còn là yêu cầu khách quan phải có đơn vị mạnh để đối phó với những hoạt động, tác chiến ngày càng lớn của địch. Bởi hệ thống “ấp chiến lược” bị phá từng mảng buộc địch phải sử dụng lực lượng từ cấp đại đội trở lên. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự năng động, sáng tạo của Ban chỉ huy tiểu đoàn và sự đùm bọc của nhân dân, TĐPL đã tự khẳng định mình và một chân trời sáng lạn mở ra phía trước.
Ông Huỳnh Văn Thu cho biết ban đầu, tiểu đoàn định lấy tên 303 - một tiểu đoàn có nhiều chiến công và truyền thống trong đánh Pháp nhưng 303 đã được đơn vị tỉnh bạn chọn làm phiên hiệu do đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy TDM thống nhất lấy tên là TĐPL. Tên này gắn với sự kiện địch dùng thuốc độc cùng một lúc giết hại hàng ngàn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước ngày 1-12-1958 tại nhà tù Phú Lợi. Quân dân Sông Bé ghi mãi mối thù không đội trời chung, mối thù “trời không dung - đất không tha - người người đều căm giận”. Và TĐPL mang trách nhiệm phải trả cho được mối thù này, góp sức cùng quân dân toàn tỉnh, toàn miền tiêu diệt hết bè lũ cướp nước và bán nước, giải phóng quê hương.
TĐPL - Tiểu đoàn chủ lực cơ động của tỉnh được hình thành là niềm tự hào chung của quân và dân toàn tỉnh, là cánh chim đầu đàn của lực lượng vũ trang địa phương, nên từ cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân đều góp sức cho tiểu đoàn mau lớn mạnh, trưởng thành. Đáp ứng lòng tin ấy, tiểu đoàn càng ra sức chuẩn bị mọi mặt để thực hiện bằng được “ra quân đánh thắng trận đầu”, xây dựng truyền thống “Đã đánh là tiêu diệt, ra quân là chiến thắng”. Suốt 21 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành TĐPL đã lập được nhiều chiến công hiển hách, góp phần cùng quân dân trong tỉnh và lực lượng chủ lực của Bộ, Miền đánh đổ ngụy quân, ngụy quyền, giành chính quyền về tay nhân dân, làm nên chiến thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và đỉnh cao là đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước. (còn tiếp)
NHÓM P.V