Báo chí Cách mạng Việt Nam: 90 năm song hành cùng đất nước- Bài 4
Theo dõi Báo Bình Dương trên
Bài 4: Báo Sông Bé, Bình Dương - những dấu ấn không phai
(BDO)
Sau 39 năm ra đời, báo Sông Bé - Bình Dương tiếp nối những tờ báo tiền thân của tỉnh nhà trong kháng chiến, đã trải qua những chặng đường hết sức gian khó nhưng cũng nhiều vinh quang, đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh nhà, đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới. Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 39 năm ngày thành lập báo Sông Bé - Bình Dương, kỷ niệm 90 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, chúng tôi xin điểm lại những dấu ấn khó quên, đi cùng năm tháng, cũng như khái quát những định hướng phát triển trong tương lai của cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương.
Giải bóng đá Doanh nhân mở rộng do báo Bình Dương sáng lập và điều hành. Trong ảnh: Trao cúp cho đội đoạt danh hiệu vô địch Giải bóng đá Doanh nhân mở rộng năm 2014
Những cột mốc lịch sử
Báo Sông Bé và báo Bình Dương hôm nay được thành lập vào ngày 1-12-1976, do ông Tiêu Như Thủy (thường gọi là ông Mười Quang) lúc đó là Trưởng ban Tuyên giáo giữ chức danh Chủ nhiệm, kiêm Tổng Biên tập. Lúc đầu thành lập báo chỉ có 3 đến 4 phóng viên, nếu tính cả cơ quan cũng chỉ khoảng 10 người, “trụ sở” đầu tiên của báo được cấp trên bố trí trong khu khán đài sân vận động Gò Đậu cũ. Đến ngày 10-12-1976 báo Sông Bé mới chính thức ra mắt số đầu tiên, đánh dấu cột mốc quan trọng của lịch sử báo chí tỉnh nhà. Sở dĩ sau này vẫn chọn ngày 1-12-1976 là ngày thành lập báo Bình Dương vì đây là ngày kỷ niệm sự kiện “Phú Lợi căm thù” (1-12-1958), khi kẻ thù đã hèn hạ đầu độc hàng ngàn tù nhân chính trị là các chiến sĩ cách mạng bị địch giam giữ tra tấn tại nhà tù Phú Lợi và báo Sông Bé khi đó chưa thể xuất bản hàng ngày như hiện này. Báo Sông Bé là tờ báo tiếp nối truyền thống của báo Phú Lợi hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ, vì vậy ngày ra số báo Sông Bé đầu tiên vẫn được chọn là ngày 1-12-1976.
Sau khi số báo đầu tiên ra đời, tập thể báo Sông Bé đã có những nỗ lực không biết mệt mỏi để duy trì, đưa tờ báo ngày càng phát triển lớn mạnh. Từ chỗ chỉ có 4 trang (khổ A3 như báo Sài Gòn Giải Phóng, 10 ngày ra 1 số), trong những ngày đầu ra mắt, báo Sông Bé bắt đầu tự trang bị nhà in, dần nâng lên 8 trang (vào năm 1980) sau đó là 12 trang (những năm 1990), tăng kỳ. Số lượng phát hành của báo cũng tăng, theo thống kê vào năm 1980, báo Sông Bé đạt mốc 7.000 tờ/số (tuần có 2 số). Vào năm 1993-1994, báo Sông Bé lúc đó do ông Nguyễn Xuân Vinh làm Tổng Biên tập (kể từ giữa năm 1986) đã vươn đến con số kỷ lục là 80.000 tờ/số (tăng lên tuần 3 số kể từ năm 1992). Ông Nguyễn Xuân Vinh nhớ lại: “Báo Sông Bé thời điểm đó không chỉ phát hành trên địa bàn các tỉnh Đông Nam bộ, mà còn lan tỏa xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long, được đông đảo bạn đọc đón nhận và từ năm 1994-1997 thì báo tự thu tự chi, không phải nhận ngân sách của tỉnh cấp. Sau khi chia tách tỉnh vào năm 1997, cũng từ đó báo mang tên mới là báo Bình Dương…”.
Dấu ấn không phai
Đầu năm 2004, báo Bình Dương bước vào thời kỳ mới trong lịch sử của mình khi tăng từ 3 số lên 6 số báo/tuần, trở thành nhật báo. Nói về quyết định mang tính lịch sử của báo Bình Dương (từ báo tuần lên nhật báo), ông Huỳnh Ngọc Đáng, nguyên Tổng Biên tập báo khi đó, tâm sự: “Đây hoàn toàn không phải là quyết định cảm tính mà đã được suy xét, cân nhắc kỹ càng. Cơ sở để tôi quyết định đưa báo Bình Dương lên nhật báo là xuất phát từ nhu cầu thông tin, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đó là những năm mà tình hình kinh tế - xã hội của Bình Dương đã rất sôi động. Từng đoàn, từng đoàn các nhà đầu tư, doanh nghiệp của Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu đến xúc tiến hoạt động tại Bình Dương; đô thị của Bình Dương cũng có những bước phát triển, đột phá lớn. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo của tỉnh và các huyện, thị rất mong nhận được sự phản hồi, chia sẻ thông tin, tâm tư từ nhân dân, ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, nắm bắt nhu cầu của công nhân lao động…”.
Ông Đáng kể tiếp: “Sau khi bàn với các thành viên Ban Biên tập, tham khảo ý kiến của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, tôi nhận được câu trả lời là: Hiện tại, sự trưởng thành về tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ, trình độ chính trị của anh chị em trong cơ quan đều đã chín muồi, sẵn sàng và hoàn toàn đủ sức tiến lên báo ngày. Điều quan trọng nhất đã giúp tôi củng cố thêm quyết tâm để thực hiện đưa báo Bình Dương lên nhật báo là sự đồng lòng, đoàn kết, khát khao muốn được thử sức mình trên mặt trận mới, bên cạnh năng lực chuyên môn đã được thử thách và khẳng định cộng với những điều kiện về cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, nhất là sự tăng cường thêm lớp phóng viên, kỹ thuật viên mới vừa trẻ tuổi, yêu nghề, chịu xông pha, sáng tạo trong công việc. Tôi có niềm tin rất lớn là báo Bình Dương sẽ thành công khi đi lên nhật báo, điều mà đến bây giờ báo chí của nhiều địa phương khác vẫn còn chưa đảm đương nổi. Sau đó, chúng tôi trao đổi với lãnh đạo cấp trên và được chấp thuận. Thế là ngày 1-1-2004, báo Bình Dương chính thức trở thành nhật báo, phát hành liên tục từ thứ hai đến thứ bảy.
Khẳng định vị thế
Ông Huỳnh Ngọc Đáng tâm sự: “Sau hơn 3 tháng chạy thử, báo Bình Dương không rơi vào tình trạng thiếu bài như buổi ban đầu của nhiều tờ báo khác. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là chất lượng của các tác phẩm báo chí làm sao phải xứng tầm, đúng đẳng cấp với một tờ nhật báo thì thật sự gây đau đầu cho Ban Biên tập. Một năm sau, báo mạnh dạn cải tiến một loạt chuyên mục, mỗi ngày đều có chủ điểm, đáp ứng được yêu cầu của tình hình chính trị - kinh tế - xã hội, văn hóa của địa phương, trong nước và quốc tế…”.
Trong giai đoạn từ năm 2004-2007, báo Bình Dương lần lượt cho ra đời các trang web với các phiên bản tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn và tiếng Nhật. Đây là một trong những tờ báo hiếm hoi ở Việt Nam có đến 4 thứ tiếng nước ngoài, phục vụ đắc lực cho chủ trương xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài. Ngoài những ấn bản trên, báo Bình Dương còn có nhiều ấn phẩm phụ khác… Hiện tại, trước sự cạnh tranh gay gắt của báo mạng, mạng xã hội, báo Bình Dương chủ động xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ để thực hiện các tác phẩm báo chí đa phương tiện. Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, báo Bình Dương đã có những bước chuyển mình căn bản trong việc đầu tư, phát triển tờ báo theo định hướng trên, như mua sắm một loạt phương tiện máy móc, thiết bị chuyên dụng, xây dựng phòng thu, phòng dựng để phục vụ cho truyền hình trên nền tảng báo điện tử của báo. Ban Biên tập báo Bình Dương cũng tăng cường cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên tham dự các khóa đào tạo về nghiệp vụ chuyên môn để cải thiện cơ bản về chất lượng các sản phẩm báo chí. Kết quả, trong 3 năm gần đây báo Bình Dương đều có tác phẩm báo chí đạt giải báo chí quốc gia; mỗi năm đều có hàng chục tác phẩm được trao thưởng tác phẩm báo chí chất lượng cao của tỉnh…
Không chỉ chú trọng về hoạt động nghiệp vụ báo chí, báo Bình Dương hiện nay còn rất quan tâm đến các hoạt động từ thiện xã hội, các chương trình vì cộng đồng. Trong đó chuyên mục “Hãy gọi đến chúng tôi”, Giải bóng đá Doanh nhân mở rộng do báo Bình Dương sáng lập và điều hành… là những điểm nhấn ấn tượng về diện mạo khác của báo Bình Dương trong giai đoạn mới. Hiện tại, theo đánh giá của Hội Nhà báo Việt Nam, báo Bình Dương cùng với Sài Gòn Giải Phóng, Hà Nội Mới, Cần Thơ, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… là một trong 8 tờ báo hàng đầu trong hệ thống cơ quan ngôn luận của Đảng bộ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bài 5: Đài PT-TH Bình Dương - sức vươn của một thương hiệu
CHÍ THANH