Công nghiệp 4.0 định hình tương lai của ngành sản xuất

Cập nhật: 26-09-2022 | 15:31:53

(BDO) Sáng 26-9, tại phiên đối thoại, thảo luận về công nghiệp 4.0 định hình cho tương lai sản xuất, các diễn giả, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi xoay quanh chủ đề mà các quốc gia trên thế giới đang tập trung để định hình lại toàn bộ tiến trình sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Thảo luận về hiện trạng và tương lai nền sản xuất của Việt Nam và Ấn Độ, các diễn giả, đại biểu đều công nhận những điểm tương đồng của 2 nước, trong đó khẳng định mục tiêu đón đầu, nắm bắt cơ hội chuyển dịch sản xuất sang nền sản xuất của 2 quốc gia có thế mạnh về lao động, nhất là nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn kỹ thuật, nắm bắt công nghệ… Bên cạnh đó, các diễn giả đều đánh giá một trong những điều kiện để Việt Nam và Ấn Độ hiện trở thành tâm điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đó chính là sự hỗ trợ, hậu thuẫn từ cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp 4.0. Đồng thời, các doanh nghiệp 2 nước xác định đây cũng là yếu tố sống còn trong thời đại công nghiệp 4.0  sẽ định hình toàn bộ tương lai của ngành sản xuất. 


Toàn cảnh phiên đối thoại.

Tại phiên đối thoại, đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà đầu tư đều nhất trí cao về nhận định cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việc nắm bắt kịp thời cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình sản xuất sẽ quyết định sự cạnh tranh, năng lực sản xuất, thậm chí là sự tồn tại của 1 doanh nghiệp. Để làm được điều này, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ số vào quá trình hoạt động nhằm giảm chi phí từ các khâu giao dịch, vận chuyển, từ đó hạ giá thành, tăng năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh mô hình quản lý. 

Song, để bắt kịp cuộc cách mạng này rất cần sự hậu thuẫn từ Nhà nước với những cơ chế, chính sách đặc thù từng quốc gia để có thể tạo sự khác biệt, nâng cao sức cạnh tranh với trung tâm sản xuất, gia công từ Trung Quốc trong thời gian tới.

Các diễn giả cũng chia sẻ nhiều mô hình sản xuất xanh, giới thiệu và kiến nghị những cơ chế đặc thù trong phát triển ngành điện tử, công nghệ số, xử lý nước thải, nông nghiệp…Để trên cơ sở đó, các nhà đầu tư, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ nắm bắt, quản trị doanh nghiệp nhằm tạo những giá trị gia tăng mới, sớm tham gia và định vị thương hiệu trong chuỗi dịch chuyển cung ứng toàn cầu, bảo đảm tăng trưởng kinh tế dài hạn trong thời gian tới. 


Các diễn giả, đại biểu nhận định công nghiệp 4.0 sẽ định hình tương lai ngành sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại phiên đối thoại, các diễn giả, đại biểu cũng đồng tình, thống nhất việc triển khai  công nghiệp 4.0 vẫn trên nguyên tắc lấy doanh nghiệp là trung tâm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang tác động mạnh mẽ đến nền sản xuất toàn cầu. Trong điều kiện đại dịch Covid-19 bùng phát, một bộ phận doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc kinh doanh cầm chừng, thua lỗ trong điều kiện rất khó khăn; một số doanh nghiệp không sản xuất được các mặt hàng không thiết yếu do bị hạn chế về lưu thông, sự đứt gãy chuỗi cung ứng và giảm cầu thị trường. Chính điều này đã tạo ra áp lực, yêu cầu rất lớn buộc các doanh nghiệp phải nhận diện lại chính sách, chiến lược sản xuất kinh doanh, phương thức hoạt động của mình để có khả năng thích ứng. 

Đặc biệt, các doanh nghiệp phải chú ý các giải pháp công nghệ, vấn đề chuyển đổi số để thích nghi với tiến trình sản xuất mới phù hợp với xu hướng sản xuất chung của thế giới.

Minh Duy

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=365
Quay lên trên