Bài 14: Vùng lên phía trước
Trước thế kìm kẹp của kẻ địch, nhân dân ấp Bến Tượng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã phối hợp cùng các lực lượng quân đội địa phương vùng lên đập tan ấp chiến lược “kiểu mẫu”, trở về với xóm làng, với cách mạng.
Ấp chiến lược Bến Tượng được công nhận là di tích cấp tỉnh
Chủ trương đúng đắn
Tháng 6-1963, Thường vụ Trung ương Cục đã đề ra chủ trương phá ấp chiến lược “kiểu mẫu” Bến Tượng. Theo đó, trọng tâm là thực hiện công tác tuyên truyền làm cho quần chúng hiểu được âm mưu xây dựng ấp chiến lược của địch, từ đó tự giác thực hiện chống phá ấp chiến lược, coi ấp chiến lược là chiến trường tiến công địch; đẩy mạnh đấu tranh chính trị và binh vận có vũ trang hỗ trợ. Khâu quyết định là phải vận động quần chúng cách mạng trong ấp chiến lược, gia đình binh sĩ, tề, lính, nhất là tổ chức thanh niên chiến đấu và tổ chức dân vệ; kết hợp đẩy mạnh cả hai mặt chống và phá ngay từ đầu; kết hợp với phá kìm kẹp.
Đến tháng 5-1964, Tỉnh ủy Bình Dương và Huyện ủy Bến Cát nhất trí với chủ trương phá ấp chiến lược của Khu ủy và hạ quyết tâm sẽ phá tan ấp chiến lược này, giành thắng lợi. Ban chỉ đạo phá ấp chiến lược được thành lập và vạch kế hoạch tấn công. Huyện đội đã tổ chức học tập nghị quyết của Khu ủy, Tỉnh ủy, Huyện ủy và giao nhiệm vụ chiến đấu phá ấp chiến lược Bến Tượng cho Đại đội C61. Các địa phương Chánh Phú Hòa, Mỹ Phước, Lai Hưng tổ chức học tập cho đảng viên, du kích và giao nhiệm vụ đánh phá ấp chiến lược Bến Tượng, xây dựng tư tưởng tiến công, tự lực tự cường, chống trông chờ ỷ lại; phải nêu cao tác phong sâu sát, nhạy bén, cụ thể; vận dụng phương pháp đánh từ thấp đến cao, mưu trí, sáng tạo, linh hoạt, tạo và chớp thời cơ. Ban chỉ đạo đã đi sâu vào quần chúng nhân dân, bám dân, tuyên truyền, phát động lòng căm thù, chống âm mưu thâm độc của bọn ngụy; tích cực đi sâu đi sát, nghiên cứu khai thác khả năng của quần chúng, phát huy sức mạnh tổng hợp tại chỗ, đánh địch làm cho chúng không chống đỡ nổi. Ban chỉ đạo tổ chức tiếp xúc thường xuyên dân ở trong ấp, giáo dục, tổ chức, trang bị vũ khí trong dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ đóng vai trò trong quần chúng, chọn người tốt xây dựng thành nòng cốt, thành tự vệ mật, thành cán bộ binh vận, thành cơ sở nội tuyến hoặc có cảm tình với cách mạng. Quá trình đấu tranh đều có sự tham gia của đảng viên, đoàn viên, quần chúng và có Ban chỉ đạo tại chỗ.
Ông Hồ Văn Co, phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát, một thành viên phá ấp chiến lược Bến Tượng năm xưa cho biết, khi đó ông được giao nhiệm vụ phụ trách các tổ chức đoàn thể vận động nhân dân đứng lên phá ấp chiến lược. Từng thành viên trong các tổ chức đoàn thể ai cũng có trách nhiệm làm công tác binh vận, làm cho binh lính ngụy trong ấp chiến lược rã ngũ, vận động nhân dân vùng lên đấu tranh để giành thắng lợi cuối cùng. Từ đó, ta xây dựng được thế và lực để phá tan ấp chiến lược này.
Vùng lên phía trước
Từ sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, vào trung tuần tháng 8-1964, ta phát động quần chúng, tấn công làm tan rã bộ máy kìm kẹp, nâng uy thế quần chúng nhân dân lên một bước. Bằng lực lượng tổng hợp đánh bồi, đánh nhồi, đánh liên tục vào lực lượng kìm kẹp và bảo an gây tổn thất cho địch, ta bảo tồn được lực lượng, thế phong trào cách mạng được nâng lên, dân về xóm cũ, còn một số ở lại. Thế kìm kẹp của địch bắt đầu lỏng và rã dần. Cơ sở bên trong của ta đã tăng về chất, có kinh nghiệm, qua đó quần chúng nhân dân được tập dượt. Đến đầu tháng 9-1964, trước nguy cơ sụp đổ của ấp chiến lược “kiểu mẫu” Bến Tượng, địch tiến hành khủng bố, bắt ép số tề còn lại phải tiếp tục làm việc, đồng thời tìm cách đàn áp phong trào quần chúng, tổ chức hành quân đánh vào căn cứ lõm của ta. Địch bắt đầu khôi phục hoạt động mạnh trở lại, sử dụng lực lượng bảo an, chủ lực, liên gia, trưởng ấp làm khó dễ cán bộ, chiến sĩ và những người chúng tình nghi có quan hệ với cách mạng.
Trước tình hình đó, ta chuyển hình thức đấu tranh, kết hợp rải truyền đơn tuyên truyền cùng tổ chức đấu tranh hợp pháp, gặp mặt tỉnh trướng để đòi quyền lợi... Trước thế tấn công dồn dập của ta, một số liên gia, trưởng ấp vội vàng trốn đi nơi khác, số còn lại rất lo sợ. Qua lần đấu tranh này, hệ thống kìm kẹp của địch cơ bản đã tan rã; tề xã, công dân vụ cũng lo sợ, không dám ngủ đêm trong ấp chiến lược, hạn chế hoạt động. Quần chúng nhân dân trong ấp chiến lược đã mạnh mẽ đứng dậy tấn công địch, trở về xóm cũ làm ăn.
Có thể nói, về cơ bản ta đã giành được thắng lợi trong phong trào đấu tranh phá ấp chiến lược Bến Tượng, tạo thời cơ đưa phong trào phát triển mạnh hơn. Đến cuối tháng 9-1964, ta quyết tâm phá dứt điểm ấp chiến lược Bến Tượng. Trong thời gian này, địch sử dụng lực lượng càn quét đánh vào nơi nhà dân mới dọn về. Ta tổ chức đánh bật địch ra xa, làm cho chúng không thọc sâu vào trong được. Ta tiếp tục đấu tranh, biến đau thương thành hành động cách mạng; kết hợp đấu tranh bằng binh vận, tổ chức bắn súng cối từ ngoài căn cứ vào ấp, rải truyền đơn cảnh cáo, tranh thủ kêu gọi binh lính cùng với nhân dân đánh phá ấp chiến lược. Số dân trong ấp chỉ còn lại khoảng 40, 50 hộ, còn đa số dân đã chuyển về xóm cũ làm ăn.
Trải qua 92 ngày đêm, cán bộ, chiến sĩ ta cùng với đồng bào Bến Tượng đã anh dũng chiến đấu với kẻ thù hung hãn tại ấp chiến lược “kiểu mẫu” này dưới sự chỉ đạo của Khu ủy và Tỉnh ủy; kết hợp cùng sự hỗ trợ của đồng bào các địa phương khác trong huyện Bến Cát và sự tác động chung của chiến trường toàn khu ở miền Đông. Trên 85 hộ gia đình trong ấp chiến lược Bến Tượng đã trở về xóm cũ và đi nơi khác, nhà cửa, tài sản của dân đã di chuyển về, một số nhà cửa của địch cũng bị dân phá và đem về xây dựng nhà cửa của mình. Qua phong trào đấu tranh này, tương quan lực lượng giữa ta và địch đã thay đổi hẳn. Ấp chiến lược “kiểu mẫu” Bến Tượng của chúng ở miền Nam Việt Nam đã bị phá sản hoàn toàn. Lực lượng chính quyền và quân đội của chúng đã bị tổn thất khá nặng nề và cuối cùng phải rút chạy. Sau đó, Ban chỉ đạo đã tổ chức ổn định đời sống, khôi phục sản xuất cho nhân dân; xây dựng và củng cố hệ thống phòng ngự tại chỗ…
Phá tan ấp chiến lược “kiểu mẫu” Bến Tượng là chiến thắng từ chủ trương đúng đắn của Đảng, là chiến thắng của tinh thần quyết chiến của các lực lượng ta, của sự đoàn kết như “cá với nước” của nhân dân với các lực lượng vũ trang Bình Dương.
Bài 15: Tam giác sắt anh hùng
CAO SƠN - KIẾN GIANG