Bài 12: Sức hút đờn ca tài tử ở An Giang
Nhiều người lo ngại loại hình nghệ thuật dân tộc như đờn ca tài tử (ĐCTT) sẽ dần bị lãng quên, khi hàng loạt văn hóa ngoại lai xâm nhập. Và, một số giới trẻ hiện nay chỉ thích điệu sôi động, hiện đại của nhạc điện tử, rap, rock, hip hop, K-pop… chứ nào để ý đến giai điệu trữ tình, trầm bổng của ĐCTT. Thế nhưng, khi đến An Giang thì nhận định đó là khá vội vàng, bởi nơi đây ĐCTT luôn sống với một sức hút mãnh liệt.
Sự lan tỏa của ĐCTT
Về An Giang nhân buổi họp mặt thân tình, giao lưu văn nghệ, hay thi thố tài năng… một lớp xuân tình, hay một bản lưu thủy trường, một câu vọng cổ cứ mộc mạc, tự nhiên cất lên, khiến xung quanh chìm đắm trong cảm xúc khó tả. Bài này vừa dứt, đã có bài khác nối đuôi theo. Cuộc vui tưởng chừng kéo dài đến vô tận cũng bởi cảm xúc đặc biệt mà ĐCTT mang đến. Theo ông Trương Bá Trạng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh An Giang, ở đây ngoài việc duy trì đều đặn các câu lạc bộ (CLB) ĐCTT địa phương, sân khấu hát với nhau, người yêu thích ĐCTT còn có thể thỏa lòng mong ước khi tham gia Liên hoan ĐCTT.
Một tiết mục tham gia tại Liên hoan ĐCTT An Giang năm 2016 (ảnh: Báo An Giang cung cấp)
Ông Trương Bá Trạng nói thêm, liên hoan lần nào cũng xuất hiện nhiều nghệ nhân ưu tú, thầy đờn và cả ngón đờn mới vào nghề, tham gia sinh hoạt ở CLB ĐCTT tại địa phương, vùng sâu, vùng xa, biên giới… Đặc biệt, liên hoan còn có cả những tài tử cao tuổi như: Tài tử đờn Lê Văn Trung (86 tuổi, Đội ĐCTT TP.Châu Đốc), tài tử ca Trương Hoàng Bảo (84 tuổi, An Phú), tài tử đờn Tám Hờ (81 tuổi, TX.Tân Châu). Ngoài ra, còn có tài tử đờn khiếm thị Phạm Duy Tân (Tri Tôn); tài tử ca Phạm Ngọc Nhớ (11 tuổi, TP.Châu Đốc) và Trần Thị Cẩm Tú (11 tuổi, TP.Long Xuyên)… Tuổi tác, khiếm khuyết về ngoại hình không thể cản bước chân họ đến với bộ môn nghệ thuật này. Mà ngược lại, họ mượn lời ca phím đàn để bộc bạch tâm sự, niềm đam mê cháy bỏng của bản thân. Điều đó tạo nên sự rung động sâu sắc ở người nghe.
Vượt ra ngoài khuôn khổ của liên hoan, ĐCTT còn xuất hiện trong các buổi sinh hoạt của các đội, nhóm tuyên truyền. Kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện tuyên truyền dân số bằng ĐCTT ở huyện Thoại Sơn, anh Trần Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện Thoại Sơn nói, năm 2010, trong lần nói chuyện chuyên đề sinh hoạt nhóm tại xã Vĩnh Trạch, một cộng tác viên DS đã thư giãn bằng bài ca cổ nói về công tác KHHGĐ, vừa ca xong thì có rất nhiều người đứng lên đặt câu hỏi xoay quanh những nội dung trong bài ca. Nhận thấy sự tác động mạnh mẽ của lời ca tiếng hát, anh liền nảy ra ý định kết hợp giao lưu văn nghệ và tuyên truyền về DS-KHHGĐ. Sẵn trong CLB ĐCTT xã Vĩnh Trạch có nhiều thành viên là cộng tác viên DS, anh Sơn đã vận động các thành viên phối hợp với trung tâm để triển khai mô hình cho đến bây giờ. Theo đó, chất lượng sinh hoạt tuyên truyền DS-KHHGĐ cải thiện rất tích cực, dần dần tổ chức thành đêm văn nghệ thu hút đông đảo người dân tham gia. Hiện nay, ai cũng thuộc nằm lòng những khẩu hiệu, trả lời đúng về những kiến thức liên quan đến sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, sức khỏe tuổi vị thành niên và tâm sinh lý của con em, biện pháp phòng tránh thai hiệu quả…
Tiếp tục giữ gìn và phát huy
Với sức lan tỏa của phong trào ĐCTT, ngày nay nó đã trở thành nét đẹp sinh hoạt văn hóa truyền thống, gần gũi trong đời sống, mang đậm giá trị tình làng, nghĩa xóm sau những giờ lao động mệt nhọc. Theo thống kê của Sở VH-TT&DL năm 2013, trên địa bàn tỉnh có hơn 230 CLB ĐCTT ở 156 xã, phường, thị trấn, với hơn 2.700 người tham gia sinh hoạt (mỗi CLB có từ 10 thành viên trở lên). Bà Đỗ Thị Thanh Vân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh An Giang, cho biết tuy có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhưng hoạt động của các CLB ĐCTT cũng gặp không ít khó khăn, trong đó khó khăn nhất vẫn là kinh phí hoạt động, phương tiện âm thanh, ánh sáng. Một khó khăn nữa là nguồn tài chính để hoạt động của các CLB ĐCTT chủ yếu do thành viên tự nguyện đóng góp; những người nắm rõ bài bản, đờn hay, hát giỏi còn rất ít, nhất là nghệ nhân đờn; lực lượng trẻ kế thừa, thực hành các kỹ năng nghệ thuật ĐCTT đang thiếu hụt. Một số nhóm ĐCTT đã biểu hiện thương mại hóa, làm ảnh hưởng đến hình ảnh trang trọng, tao nhã, nghĩa tình, sâu lắng của nghệ thuật ĐCTT.
Để mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của phong trào ĐCTT, Sở VH-TT&DL vừa hoàn chỉnh Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2017- 2021”. Theo đó, hàng năm Sở VH-TT&DL sẽ kết hợp với Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức các trại sáng tác viết các bài ca cổ, bài bản có nội dung mới, phù hợp với nhịp sống hiện đại. Bên cạnh đó là các cuộc thi sáng tác các bài bản, bài ca cổ có nội dung về học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; viết về công cuộc xây dựng nông thôn mới trên quê hương An Giang và các lớp ĐCTT ở cấp huyện… Ngoài ra, Trung tâm Văn hóa tỉnh cũng đã tổ chức 2 năm một lần Liên hoan ĐCTT cho 11 huyện, thị xã, thành phố tham gia.
Với tinh thần tự hào và mong muốn quảng bá ĐCTT đến khắp nơi, Trung tâm Văn hóa tỉnh đang xây dựng chương trình mang tên “Vang mãi khúc tự tình quê hương” để tham dự Liên hoan nghệ thuật ĐCTT Nam bộ tại Festival ĐCTT Quốc gia lần 2 - Bình Dương 2017. Theo đó, An Giang sẽ tuyển chọn những nghệ nhân có ngón đờn hay và giọng ca xuất sắc để mang đến festival những bài ca chan chứa tình người, tình đất phương Nam. Ngoài ra, An Giang cũng đang triển khai việc thiết kế để trang trí cho không gian ĐCTT Nam bộ trong festival, bố trí các nghệ nhân tham gia biểu diễn giao lưu với du khách nhằm khẳng định sức sống của ĐCTT vẫn đang lan tỏa mạnh mẽ trong từng thế hệ người Nam bộ.
Bài 13: Hơi thở đờn ca ở Đất Mũi
MINH HIẾU