Đờn ca tài tử Nam bộ - Bảo tồn và phát triển

Cập nhật: 03-03-2017 | 09:23:02

BÀI 1: Nơi giữ lửa đờn ca tài tử Nam bộ

LTS: Tuy không phải là nơi khai sinh ra nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ, nhưng Bình Dương tự hào có những người con ưu tú đã góp nhiều công sức cho nền âm nhạc truyền thống độc đáo này của dân tộc. Tháng 4-2017, Bình Dương vinh dự là tỉnh thứ hai đăng cai tổ chức Festival ĐCTT Quốc gia. Hòa chung niềm vui của người dân 21 tỉnh, thành phố Nam bộ đang hân hoan chào đón Festival, từ số này Báo Bình Dương gửi đến quý độc giả chuyên đề “Đờn ca tài tử Nam bộ - Bảo tồn và phát triển”, như góp thêm những bông hoa tươi thắm tôn vinh giá trị tuyệt vời của bộ môn nghệ thuật được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại.

 Sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ nhất đã được tổ chức tại Bạc Liêu. Để hiểu thêm về Bạc Liêu, nơi được mệnh danh là một trong những chiếc nôi lớn của loại hình nghệ thuật độc đáo này, phóng viên Báo Bình Dương đã tìm về Khu lưu niệm Nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tọa lạc tại phường 2, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu…

Đến Bạc Liêu trong những ngày Nam bộ đang hân hoan chào đón Festival ĐCTT Quốc gia lần 2 – Bình Dương 2017, chúng tôi như vỡ òa cảm xúc trước những nỗ lực của người dân địa phương với bộ môn nghệ thuật di sản này. Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Vũ, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Bạc Liêu phấn khởi chia sẻ về niềm tự hào được sống trên vùng đất này, nơi được mệnh danh là một trong những chiếc nôi lớn của loại hình nghệ thuật ĐCTT Nam bộ. Ông Nguyễn Vũ nói, chúng tôi rất vinh dự là tỉnh đầu tiên tổ chức Festival ĐCTT Quốc gia năm 2014 và đặc biệt tự hào khi Bạc Liêu đã xây dựng được nhiều công trình tôn vinh nghệ thuật ĐCTT Nam bộ. Trong đó, Khu lưu niệm Nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu là một minh chứng sống động cho cốt cách của người Bạc Liêu: luôn nhớ về cội nguồn và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc!

Đặt chân đến khu lưu niệm, chúng tôi thật sự ấn tượng với công trình bản chuẩn Dạ cổ hoài lang - “bản nhạc lòng” đã thăng hoa trở thành bản vọng cổ được lộng khung với chữ khắc bằng vàng. Bản chuẩn Dạ cổ hoài lang cùng với bức tượng bán thân của người nghệ nhân tài hoa sáng tạo ra nó, được đặt một cách trang trọng trong một khu vực đặc biệt trưng bày về ĐCTT, cải lương như một món quà thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với bác Sáu Lầu.

 Một góc Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Bên cạnh đó, khu lưu niệm còn có những hạng mục, công trình giúp người thưởng lãm có cái nhìn khá đầy đủ về cuộc đời, sự nghiệp của nghệ nhân Cao Văn Lầu, về nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, như: Nhà sân khấu biểu diễn ĐCTT; Nhà trưng bày các tranh, ảnh, hiện vật về nhạc sĩ Cao Văn Lầu và sự phát triển của “bài ca vua”; biểu tượng cây đờn kìm; tượng nghệ nhân Cao Văn Lầu; vườn tượng các loại nhạc cụ dân tộc…

Trong khuôn viên khu lưu niệm, tại biểu tượng đài ống tre, lối vào chính phía trên của nhà hành chính là cầu thang lên khu vực có biểu tượng cây đờn kìm và hình ảnh nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Cây đờn kìm được cách điệu từ đốt tre và xung quanh phần đài ống tre khắc họa 20 bản Tổ: 3 bản Nam, 6 bản Bắc, 4 bản Oán và 7 bản lớn. Đặc biệt, các bậc thang trên đài ống tre dẫn lên khu đặt lư hương (để mọi người hành lễ, tưởng niệm) được bố trí theo các bậc số: 2, 4, 6, 8, 16, 32 và 64 - tượng trưng cho cung bậc, nhịp phách của ca cổ cải lương tương ứng với từng nghệ nhân sáng tác. Đó là: nhịp 2 của Cao Văn Lầu, nhịp 4 của Trịnh Thiên Tư, nhịp 8 của Lư Hòa Nghĩa, nhịp 16 của Mộng Vân, nhịp 32 của Trần Tấn Hưng và nhịp 64 của Lý Khi. Quả là một không gian đậm chất tài tử!

Điều mọi người quan tâm nhất khi đến khu lưu niệm là những hình ảnh và hiện vật trong Nhà trưng bày các tranh, ảnh, hiện vật về nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Đến với khu nhà này, chúng tôi thật sự bất ngờ khi thấy ông Sáu Lầu vẫn còn ngồi ôm chiếc đờn kìm. Theo lời của người thuyết minh, để tạo thêm nét độc đáo cho khu lưu niệm, mới đây khu nhà này vừa được đặt thêm bức tượng Cao Văn Lầu. Do được làm bằng silicon (khoảng 600 triệu đồng) nên bức tượng rất giống người thật và từng làm nhiều người xúc động khi nhìn thấy.

Còn nhiều nét hấp dẫn khác mà chỉ khi được đặt chân vào khu lưu niệm mọi người mới có thể cảm nhận hết “hơi thở” của ĐCTT. Với tổng diện tích xây dựng trên 12.500m2, tổng vốn đầu tư hơn 75 tỷ đồng, khu lưu niệm này được xem là điểm du lịch “son” của Bạc Liêu. Từ việc tham quan của du khách thập phương, đến những chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo Trung ương và các tỉnh đến Bạc Liêu, hay các sự kiện văn hóa quan trọng khác. Đây là một công trình “để đời” mà Bạc Liêu đã làm được với mong muốn hành trình “đi lên từ văn hóa” đạt những kết quả tốt đẹp.

 Kể về một kỷ niệm khi tiếp các đoàn khách đến tham quan khu lưu niệm, ông Nguyễn Vũ, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Bạc Liêu cho biết: “Sau khi diễu hành quanh các tuyến đường TP.Bạc Liêu, đoàn lữ hành xe môtô với khoảng 180 người đã đến thăm Khu lưu niệm Nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Trong tiếng nhạc Dạ cổ Hoài Lang du dương, làn hương lan tỏa khắp nơi, khu lưu niệm bổng lặng trầm, tất cả các lữ khách sành điệu khi nãy bỗng im lặng và theo dõi chăm chú tài tử ca giao lưu một bài vọng cổ Trở lại Bạc Liêu. Họ kính cẩn, ngưỡng mộ và liên tiếp yêu cầu giao lưu thêm bài thứ hai rồi bài thứ ba, thứ tư...”.

Bài 2: Ông Cao Văn Lầu và những giai thoại

 M.HIẾU - C.THANH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1597
Quay lên trên