Bài 11: Sóc Trăng với “Ký ức dòng sông”
Đó là chủ đề chương trình của đoàn nghệ nhân Sóc Trăng sắp tham gia Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần II - Bình Dương 2017. Tự hào với những ký ức đẹp về dòng sông trăng (tên gọi xưa của Sóc Trăng là Nguyệt Giang), những nghệ nhân đờn ca tài tử (ĐCTT) hôm nay đang từng bước lan tỏa giá trị độc đáo của loại hình nghệ thuật này.
Chương trình biểu diễn của các nghệ nhân Sóc Trăng tại Liên hoan ĐCTT 3 tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau
Sóc Trăng - Cà Mau năm 2015Thu hút khách du lịch
ĐCTT không ngừng được cải tiến về chất lượng mà còn được quan tâm, khai thác phục vụ du lịch của các tỉnh miền Tây Nam bộ nói chung, Sóc Trăng nói riêng. Theo ông Lâm Hoàng Viên, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Sóc Trăng, trong năm 2016, có gần 40 đoàn khách du lịch yêu cầu biểu diễn ĐCTT. Sở dĩ du khách ưa chuộng, thích thú loại hình này vì đa số được tổ chức biểu diễn dựa vào phong cảnh hữu tình, gần với thiên nhiên, như: Tổ chức tại các sân vườn, ở trên thuyền trôi xuôi êm ả theo dòng nước.
Toàn tỉnh có khoảng 156 CLB ĐCTT, phân bố đều ở 11 huyện, thị, thành phố và 105 xã, phường, thị trấn. Các CLB ĐCTT này hoạt động theo 2 dạng: Phần lớn các CLB trực thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh, Nhà văn hóa huyện, xã. Số còn lại sinh hoạt theo kiểu xã hội hóa tại các gia đình, xóm, ấp. Nổi trội nhất hiện nay là CLB ĐCTT TX.Ngã Năm do nghệ nhân Nguyễn Thanh Bền chủ nhiệm. CLB sinh hoạt đều đặn hàng tháng, với nhiều tay đờn, tài tử ca rất tốt và mỗi năm đều gặt hái nhiều giải thưởng cao tại Liên hoan ĐCTT Sóc Trăng, Liên hoan ĐCTT 3 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau. |
Sóc Trăng là tỉnh cũng có nhiều điểm tương đồng so với các tỉnh trong khu vực Nam bộ. Sóc Trăng có các dãy cù lao xanh dài hàng chục km, thuộc các huyện Kế Sách, cù lao Dung, Long Phú chạy dài ra tận cửa biển. Trên các cù lao có trồng nhiều cây trái nhiệt đới, không khí trong lành như ở cù lao Phong Nẫm, cồn Mỹ Phước, cồn Song Phụng... là địa điểm lý tưởng để phát triển loại hình du lịch sinh thái gắn với ĐCTT.
Riêng cồn Mỹ Phước (huyện Kế Sách), hàng năm vào dịp Tết Đoan Ngọ, huyện có tổ chức Lễ hội Sông nước miệt vườn trong 2 ngày (từ mùng 3 - 4 âm lịch). Trong 2 ngày hội này, Liên hoan ĐCTT Nam bộ tại đây thu hút hàng ngàn người đến xem. Vào những ngày bình thường, hay ngày nghỉ cuối tuần câu lạc bộ (CLB) ĐCTT cồn Mỹ Phước sẵn sàng phục vụ theo yêu cầu của khách qua những điệu thức đậm chất tài tử Nam bộ mộc mạc, trữ tình làm say mê lòng người. Chị Dương Xuân Phương, du khách đến từ Kiên Giang chia sẻ, thật thú vị khi vừa có những phút giây thư giãn thả hồn mình trên sông nước miệt vườn, vừa được hướng dẫn một vài điệu lý, hay vài câu vọng cổ để cùng hòa lời ca tiếng hát của mình, cùng trổ tài với các nghệ nhân ĐCTT nơi đây.
Thưởng thức tài tử ở siêu thị
Có dịp đi ngang qua Siêu thị Co.opmart Sóc Trăng vào tối thứ sáu, chúng tôi bị thu hút bởi sự náo nhiệt nơi đây. Một khoảng hành lang lớn trước siêu thị được biến thành sân khấu tổ chức ĐCTT. Các tài tử đờn và ca thi nhau khoe giọng ca, ngón đờn một cách khá chuyên nghiệp. Khán giả đến xem và cổ vũ ngồi ở quán nước trước siêu thị, một số khác ngồi trên xe máy trong khoảng sân của Co.opmart Sóc Trăng… Là người gốc miền Tây, lại rất yêu thích ĐCTT, bà Phạm Thị Huỳnh Ân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Sài Gòn - Sóc Trăng (Co.opmart Sóc Trăng) chân tình chia sẻ: “Ngoài việc thu hút khách hàng đến với siêu thị, Co.op Mart còn nhằm góp phần bảo tồn, phát huy và mang nghệ thuật ĐCTT đến với đông đảo công chúng thường xuyên hơn. Do đó, từ ngày 26-4-2015 đến nay, siêu thị đã tổ chức chương trình ĐCTT vào mỗi tối thứ sáu. Ngoài ra, nhân các ngày lễ lớn, chúng tôi cũng tổ chức ĐCTT, hay như kỷ niệm sinh nhật hệ thống Co.op, chúng tôi tổ chức liên tục trong một tuần”. Gắn bó với sân khấu ĐCTT này trong suốt thời gian qua, anh Nguyễn Văn Liêm, Chủ nhiệm CLB ĐCTT Phường 2 phấn khởi nói: “Cứ mỗi tối thứ sáu, anh em CLB ĐCTT Phường 2 lại đến Siêu thị Co.opmart để sinh hoạt, biểu diễn ĐCTT. Thành viên CLB biểu diễn “mồi” trước rồi các tài tử những nơi khác đến tiếp tục đăng ký ca. Thời gian sinh hoạt thường từ 6 giờ 30 đến 8 giờ. Các tài tử đến biểu diễn rất đông với trang phục lịch sự, đa phần là chương trình hết thời gian nhưng danh sách đăng ký vẫn còn”.
Bảo tồn và phát huy
Tuy phong trào hoạt động phát triển nhưng do ĐCTT là một loại hình mang tính bác học nên đòi hỏi người chơi phải có năng khiếu và đam mê. Năm 2015, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2015-2020 với kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Phấn khởi khi đề án ngày càng phát huy được những giá trị của nghệ thuật ĐCTT, ông Lâm Hoàng Viên cho biết, từ khi có nguồn lực Nhà nước hỗ trợ đề án, phong trào ĐCTT ở Sóc Trăng dần khởi sắc hơn. ĐCTT được mở rộng đến nhiều đối tượng, nhiều ngành, nhiều sắc tộc tạo nên nét đặc trưng rất độc đáo. Người chơi ĐCTT không dừng lại ở đối tượng là người nông dân mà ngay cả cán bộ, công nhân viên chức cũng tham gia rất tốt. Trên địa bàn tỉnh có cả người dân tộc Hoa, Khmer biết đờn ca.
Mỗi năm, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đều tổ chức liên hoan ĐCTT với sự tham gia đông đủ của 11 huyện, thị, thành phố. Bên cạnh đó còn có hội thi sáng tác lời mới 20 bài bản tổ, các chương trình giao lưu giữa các nghệ nhân Sóc Trăng với các tỉnh, thành bạn. Chương trình ĐCTT được giới thiệu trong trường học ngày càng nhiều và dừng lại ở mức độ giao lưu, khơi dậy lòng say mê trong học sinh. Mỗi năm, Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức 2 lớp truyền dạy đờn và ca cho người mộ điệu. Các nghệ nhân có tên tuổi được trân dụng, tham gia truyền dạy trong các lớp ĐCTT do tỉnh tổ chức có chế độ chính sách rõ ràng. Để khích lệ tinh thần cho các nghệ nhân, ngành văn hóa cũng đã tổ chức lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian, khen thưởng cho các nghệ nhân tích cực tham gia hoạt động phong trào.
Hiện, các nghệ nhân ĐCTT Sóc Trăng đang luyện tập và háo hức hướng về Festival ĐCTT Quốc gia lần II - Bình Dương 2017. Với tên gọi “Ký ức dòng sông”, chương trình biểu diễn của Sóc Trăng hứa hẹn sẽ mang đến cho Festival những cung bậc cảm xúc về một quê hương có tinh thần chiến đấu anh dũng trong quá khứ và đang từng ngày vươn mình phát triển. Góp mặt trong đội ngũ nghệ nhân tham gia Festival lần này có nghệ nhân đờn cò Dương Khang, nghệ nhân đờn kìm Năm Cò, nghệ nhân Châu Thoại Mỹ - một giọng ca từng đoạt nhiều huy chương vàng cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc.
Bài 12: Sức hút đờn ca tài tử ở An Giang
MINH HIẾU