Kỳ 37:Tình yêu biển lớn Chúng tôi đón nhận cái bắt tay thân mật và nụ cười hiền hậu của ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa trong một chiều muộn tại cơ quan cũ. Ông bảo, thật vui khi có một đoàn phóng viên đến từ Bình Dương và thực hiện đề tài về biển đảo. Còn chúng tôi cũng nắm lấy cơ hội để hỏi chuyện một trong những người lãnh đạo chính quyền khá nổi tiếng liên quan đến vấn đề biển đảo tại Việt Nam…
Cựu Điệp báo viên A10
Ấn tượng ban đầu của chúng tôi về cái tên Đặng Công Ngữ lại đến từ một buổi họp mặt tại TP.HCM. Buổi gặp mặt đó có một số nhân vật lịch sử quan trọng, như ông Phan Xuân Huy, Nguyễn Hữu Thái... - những thành viên của một cụm điệp báo. Trong câu chuyện giữa những người đồng đội cũ hôm đó, chúng tôi loáng thoáng nghe tên ông Đặng Công Ngữ. Thì ra, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa cũng từng là thành viên của Cụm Điệp báo A10 (được thành lập năm 1972) gồm 39 thành viên, phần lớn là trí thức, học sinh, sinh viên Quảng Nam - Đà Nẵng, hoạt động ở Sài Gòn với nhiệm vụ cùng với các lực lượng cách mạng lật đổ Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu để tạo điều kiện thuận lợi cho người khác ôn hòa lên thay thế nhằm sớm ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình cho Việt Nam.
Ông Đặng Công Ngữ giới thiệu cho khách tham quan những tư liệu chứng minh Hoàng Sa là của
Việt Nam
Sau này, qua một số thành viên của Cụm Điệp báo A10, chúng tôi còn biết thêm đôi ba chuyện về ông Đặng Công Ngữ. Chẳng hạn, năm 1974 chàng sinh viên Đặng Công Ngữ tham gia Cụm Điệp báo A10. Cũng năm đó, ông biết thông tin về Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa. Và cũng thật bất ngờ khi đúng 35 năm sau, vào năm 2009, ông trở thành Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa.
Ông Võ Vân, cháu của nguyên Chủ tịch nước Võ Chí Công, hiện là Phó Chánh Văn phòng Sở GTVT TP.HCM kể: “Đặng Công Ngữ cùng tham gia A10 với tôi, hoạt động ở lõm chính trị Bảy Hiền, bên cạnh sân bay Tân Sơn Nhất từ tháng 4-1974. Chúng tôi có nhiệm vụ nắm tình hình địch ở Bảy Hiền, nhất là các lực lượng mật thám, quân đội, cảnh sát và chuẩn bị các điều kiện để khi thời cơ đến là vùng lên giành chính quyền.
Vào 6 giờ sáng ngày 30-4-1975, tôi và Đặng Công Ngữ cùng một số anh em điệp báo A10 ở lõm chính trị Bảy Hiền dẫn đầu giành chính quyền. Lúc đó, Dương Văn Minh chưa tuyên bố đầu hàng, nhiều đơn vị quân đội, cảnh sát vẫn cố thủ. Do đó, chúng tôi đã tước vũ khí, trói sĩ quan, binh lính, khoảng 40 - 50 người, dẫn về Dinh Độc Lập để chờ quân giải phóng tiến vào thành phố…Nhiều năm sau này, ông Đặng Công Ngữ được biết đến với những hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo, cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ cho TP.Đà Nẵng… nhưng hầu như không mấy ai biết về ông với vai trò của một cán bộ điệp báo A10. Theo hình dung của chúng tôi, điều đó cũng giống như nụ cười rất hiền từ nhưng luôn bí ẩn của ông, một điệp báo viên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, để rồi, được tin tưởng hoàn toàn khi trở thành Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa đầu tiên. Ông, trên cương vị và vai trò chủ chốt của mình với tình yêu biển, tình yêu quê hương xứ sở đã tiến hành các hoạt động bảo vệ chủ quyền cho Hoàng Sa thân yêu.
“Chúng ta phải kiên cường đấu tranh!”
Đó là lời khẳng định đanh thép của ông Đặng Công Ngữ khi chúng tôi đề cập về những hành động ngang ngược của ngoại bang xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam trong thời gian gần đây. Ông Ngữ nhẩm tính, ông đã có 1.828 ngày ở cương vị Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng kiêm Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa (ông nghỉ hưu vào tháng 5-2014). Suốt 1.828 ngày đó có quá nhiều sự kiện nhạy cảm mà một lời nói cũng có thể ảnh hưởng đến đại cuộc cũng như thân phận con người. Nhưng xuyên suốt hành trình dài dằng dặc ấy, cái tên Đặng Công Ngữ luôn được nhắc đến mỗi khi có những sự kiện lớn trên biển Đông.
Và cũng không thể nào quên, trong khó khăn chồng chất ấy, tiếng vang của huyện đảo Hoàng Sa - với những cuộc triển lãm bản đồ, tư liệu khẳng định chủ quyền biển đảo, những hội thảo khoa học đầy trí tuệ, hàng trăm đoàn khách trong và ngoài nước ghé thăm trụ sở UBND huyện, hàng ngàn bài báo, bộ phim, phóng sự truyền hình, hàng trăm tư liệu quý được sưu tầm… đã lan tỏa rộng rãi, vượt qua cả biên giới quốc gia. Tất nhiên, đó là công sức của nhiều người, nhưng chắc ông Ngữ là một phần không thể nào không nhắc đến.Chúng tôi ngồi đối diện với ông Đặng Công Ngữ, con người kiên trung với khuôn mặt nhân từ nhưng đôi mắt vẫn ánh lên những tia nhìn sắc lạnh khi được hỏi về chủ quyền biển đảo, về Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu. Với ông, sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 và những động thái không thể chấp nhận khác của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa như là những lưỡi dao cứa vào da thịt xót xa.
Tiễn chúng tôi rời UBND huyện đảo Hoàng Sa, rời TP.Đà Nẵng xinh đẹp và không kém phần hào hùng, ông Đặng Công Ngữ không quên nhắc đi nhắc lại: “Người Việt Nam đã chiến đấu oai hùng, quyết chiến đấu đến cùng cho toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của dân tộc. Tuy ngoại bang có nhiều thái độ hung hăng, càn quấy nhưng lịch sử và sự thật là không thể nào chối cãi được. Chúng ta phải nhớ rằng, dân tộc ta đã đứng lên và sẽ tiếp tục đấu tranh, kiên quyết bảo vệ, giữ vững chủ quyền quần đảo thiêng liêng này... Tôi xin kính cẩn tri ân đến các dân binh Hoàng Sa, các chiến sĩ, ngư dân, những người đã hiến thân vì Hoàng Sa thân yêu. Tổ quốc sẽ ghi nhớ công ơn họ…”.
Chuyến bay đêm của hãng hàng không Việt Nam Airline đưa chúng tôi dần xa TP.Đà Nẵng xinh đẹp. Từ khoang máy bay nhìn xuống, thành phố biển lấp lánh ánh đèn với cây cầu Rồng vươn mình kiêu hãnh. Xin chào, tạm biệt một tình yêu biển lớn lao và câu nói thật nhẹ nhàng, sâu lắng của ông Đặng Công Ngữ: “Xin cảm ơn đã giúp đỡ huyện! Nhớ là, sau khi xong loạt bài, tập hợp tất cả các bài báo gửi lại để chúng tôi có thêm một tư liệu nữa tuyên truyền về biển đảo nhé!...”.
KHÁNH VINH - KIẾN GIANG
Kỳ 38: Nỗi nhớ biển da diết