(BDO) Sáng 4-12, nằm trong chuỗi các hoạt động của Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis châu Á 2023, diễn ra phiên đối thoại với chủ đề: “Việc sử dụng blockchain châu Á vẫn tồn tại và đang phát triển tốt”. Diễn giả Victor Guixer, Đối tác quản lý, Guixer & Partners (Tây Ban Nha) điều hành phiên đối thoại.
Toàn cảnh phiên đối thoại với chủ đề: “Việc sử dụng blockchain châu Á vẫn tồn tại và đang phát triển tốt”.
Tại phiên đối thoại, các đại biểu đã trao đổi về tầm quan trọng của công nghệ Blockchain trong hầu hết các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, xã hội, thương mại… cũng như cách ứng dụng hiệu quả công nghệ Blockchain; tận dụng, khai thác như thế nào để tối ưu hiệu quả.
Theo các diễn giả, dù sàn giao dịch Bitcoin đang rất bất ổn nhưng Blockchain vẫn tiếp tục phát triển sang các thị trường mới.
Các diễn giả đã bàn về vấn đề: Làm thế nào để “hợp đồng thông minh” phát triển thương mại châu Á; trong dòng chảy kinh doanh trên khắp châu Á, Blockchains đã phát triển bảo mật thương mại tốt như thế nào…
Các đại biểu tham luận tại phiên đối thoại.
Ông Victor Guixer, Đối tác quản lý, Guixer & Partners (Tây Ban Nha) cho rằng, các hoạt động kinh doanh thương mại toàn cầu hiện nay đang sống trong sự bùng nổ của kỷ nguyên công nghệ thông tin với vai trò trụ cột của internet, trong đó công nghệ Blockchain với các đặc điểm như bảo mật, minh bạch, phi tập trung, khả năng mở rộng, đáng tin cậy… đóng vai trò quan trọng. Ngoài ra, Blockchain còn được ứng dụng nhiều trong thanh toán quốc tế và theo dõi chuỗi cung ứng. Trong hoạt động thương mại quốc tế, độ tin cậy của hồ sơ có thể bảo đảm truy xuất được nguồn gốc hàng hóa từ nơi khởi phát đến điểm cuối và có thể kiểm tra được. Chỉ bằng công nghệ Blockchain với sự lưu trữ phân tán phi tập trung và chống sửa đổi mới có thể giúp làm được công việc đó.
Theo ông Mitchell Pham, Đồng sáng lập, Tập đoàn phần mềm Augen (New Zealand), Blockchain mở ra nhiều cơ hội tốt hơn không cho Việt Nam mà cho châu Á. Việt Nam chưa nhìn được bức tranh đầy đủ của Blockchain, cách mà blockchain có thể ứng dụng vào tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. Vì vậy, thời gian tới, Việt Nam cần đưa nội dung này vào thảo luận tại các hội nghị liên quan; đặc biệt là ứng dụng công nghệ Blockchain vào việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Blockchain khi kết hợp với những công nghệ khác sẽ tạo ra giải pháp đồng bộ giải quyết những vấn đề khó khăn đang gặp phải, tập trung vào việc hỗ trợ chuỗi cung ứng, minh bạch nguồn gốc sản phẩm, tối ưu hóa quy trình quản lý và xử lý hồ sơ, cải cách hành chính, tạo ra một xã hội công bằng, minh bạch.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, cần mở rộng về giáo dục và truyền thông mạnh mẽ hơn; soạn thảo những đề xuất và ý tưởng cụ thể, chi tiết trình Chính phủ xem xét. Qua đó giúp mọi người hiểu hơn về tầm quan trọng mà công nghệ hiện đại, công nghệ số, đặc biệt là Blockchain mang lại. Đồng thời cũng là yếu tố then chốt giúp ổn định chính trị, xây dựng mối liên kết giữa Chính phủ và người dân, bảo vệ quốc gia trước các thế lực thù địch và ảnh hưởng xấu từ thiên tai, dịch bệnh.
Phương Lê