Mẹ Nguyễn Thị Huân: Tự hào vì chồng vì con
Trong chiến tranh, mẹ Nguyễn Thị Huân (sinh năm 1933) ở ấp Định Thọ, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng đã chịu đựng nỗi đau mất chồng mất con nhưng cho dù trong hoàn cảnh nào mẹ cũng một lòng kiên trung. Vượt qua những nỗi đau, mẹ càng thấy tự hào hơn về chồng về con, họ đã sống và hy sinh vì lý tưởng cao đẹp, góp phần cho cuộc sống hòa bình hôm nay.
Mẹ Huân kể chuyện với phóng viên Báo Bình Dương
Mẹ Huân sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng có 6 anh chị em. Người anh trai thứ 4 của mẹ là ông Nguyễn Văn Lợi là liệt sĩ hy sinh năm 1949 trong kháng chiến chống Pháp; người anh trai thứ 5 của mẹ là ông Nguyễn Văn Quang cũng là liệt sĩ hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Còn người em út của mẹ cũng làm nhiệm vụ giao liên ở chiến khu R (căn cứ Trung ương Cục miền Nam).
Chồng của mẹ Huân là ông Phan Văn He. Ông He tham gia công tác mật, theo dõi tình hình của địch, nắm hoạt động của những tên ác ôn ở địa phương. Năm 1959, trong một lần thi hành nhiệm vụ tiêu diệt ác ôn, ông He cùng những đồng chí của mình bao vây nhà của một tên ác ôn ở xã Long Hòa, huyện Bến Cát (trước đây). Ông He đã bắn chết tên ác ôn nhưng ngay sau đó ông đã bị lộ và bị địch bắt. Chúng tra tấn dã man, đưa ông đi nhiều nơi để ông khai ra tổ chức nhưng ông đã giữ vững khí tiết của một người chiến sĩ cách mạng kiên trung thà chết chứ nhất định không khai. Khoảng 4 tháng không khai thác gì được ở ông, chúng đã đem ông đi bắn ở xã Long Nguyên.
Chồng chết để lại cho mẹ 10 người con, 7 trai, 3 gái với gia cảnh nghèo khó. Một mình mẹ phải khổ cực làm lụng nuôi con. Mẹ nói lúc đó ở địa phương không ai khổ bằng mẹ, mẹ phải đi làm thuê làm mướn, ai thuê gì làm đó như làm cỏ mì, cỏ đậu, nhổ đậu… suốt ngày mẹ quần quật ngoài đồng. Nhiều người thấy thương gia cảnh của mẹ mà cho lon gạo, củ khoai để mẹ nuôi con. Khổ cực là vậy nhưng mẹ nào có yên thân để làm nuôi con đâu, lúc nào cũng phải dắt díu đàn con chạy qua chỗ này chỗ nọ để tránh bom rơi trong thời buổi khói lửa của giặc tràn lan khắp nơi. Hết khổ vì bơm rơi đạn lạc, mẹ lại bị địch làm khó vì lúc đó có một tên trưởng ấp suốt ngày cứ theo đuổi mẹ, nhưng không được hắn cứ cho lính rình nhà làm khó làm dễ mẹ đủ điều.
Cha hy sinh vì đất nước, những người con của mẹ lớn lên cũng nối gót cha tham gia cách mạng. Người con gái thứ hai của mẹ là chị Phan Thị Rửng (sinh năm 1952) lên đường nhập ngũ năm 1969, công tác ở Phòng Chính trị Quân khu 1. Chỉ 1 năm sau nhập ngũ cô Rửng đã được đơn vị chọn là chiến sĩ tiêu biểu đi dự Đại hội thi đua yêu nước. Đến năm 1970, cô được đi học y tá và về công tác trong ngành quân y cho đến ngày về hưu.
Người con trai thứ 3 của mẹ là anh Phan Văn Rựng (sinh năm 1954) tham gia bộ đội năm 18 tuổi. Lúc đó anh Rựng là một thanh niên có vóc người cao lớn nhưng hiền lành được mọi người yêu mến. Trong một lần anh cùng đồng đội của mình đi công tác ở huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh) thì đụng độ với địch. Anh Rựng cùng 3 người đồng đội của mình bị địch bắn chết. Khi hay tin anh Rựng hy sinh khó có thể nói hết nỗi đau đớn tiếc thương của mẹ, nhưng mẹ càng đau đớn hơn khi biết anh Rựng cùng những người đồng chí của mình bị địch cột xác vào xe Jeep lôi đi bêu riếu khắp nơi. Lúc đó mẹ nén đau thương đi dò la tin tức nơi chôn cất của anh để cắm mộ. Sau này, khi đất nước giải phóng mẹ mới thỏa lòng khi anh Rựng được Nhà nước đem về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Dầu Tiếng.
Chồng con anh dũng chiến đấu, hy sinh mẹ nén đau thương chịu đựng mất mát mà sống chính trực, cống hiến hết mình cho cách mạng. Mẹ kể cho chúng tôi nghe những ngày tháng mẹ chở gạo nuôi quân đầy gian khó, nguy hiểm. Lúc đó bộ đội ta ở trong rừng thiếu thuốc men, để qua mắt địch cung cấp thuốc men cho bộ đội mẹ không dám mua nhiều thuốc mà mua ở nhiều nơi mỗi nơi một ít. Mẹ bảo lúc đó tình hình kiểm soát của địch còn lỏng lẻo nên mẹ bó thuốc vào người để mang vào tiếp tế cho bộ đội.
Trò chuyện với chúng tôi mẹ không khỏi tự hào về chồng về con của mình. Họ đã sống, chiến đấu và hy sinh kiên cường góp phần cho mảnh đất quê hương có được cuộc sống yên bình như hôm nay. Thật khó có thể nói hết tấm lòng của những người mẹ như mẹ Huân, mẹ đã sống với đức hy sinh thầm lặng mà cao cả, mẹ đã vượt qua những nỗi đau mất mát quá lớn để đất nước đi đến hết chặng đường kháng chiến hào hùng cho tới ngày toàn thắng. Mẹ rất vui khi vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Vì danh hiệu này là một niềm vinh dự lớn của gia đình.
Noi gương sáng của mẹ, thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay càng thấy mình phải sống có trách nhiệm không chỉ với bản thân mà còn với quê hương, đất nước cùng nhau chung tay góp sức xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp xứng đáng với những gì mà các mẹ đã hy sinh cho hòa bình độc lập hôm nay.
• ĐỨC LÊ