Xây lý tưởng ở chốn lao tù- Kỳ 5

Cập nhật: 20-03-2015 | 07:55:53

Kỳ 5: Như hoa hướng dương!

Trong bài này, chúng tôi viết về chân dung một nữ tù chính trị tại nhà giam Phú Tài - Quy Nhơn, người đã mưu trí ứng phó với những chiêu trò của kẻ địch, kiên gan bền chí vượt qua khó khăn. Với vai trò là Bí thư Đảng ủy khối, bà đã tự nguyện, “nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương”, luôn tìm cách vươn lên và dẫn dắt những chị em tù binh khác vượt qua đàn áp, tra tấn của kẻ địch để chiến thắng trở về với cách mạng.

Bà Trần Thị Hòa với chiếc mền bằng vải dù, một kỷ vật luôn được bà nâng niu, trân trọng 

3 lần bị bắt, 9 năm đọa đày!

Bà là tên Trần Thị Hòa (tức Năm Chanh) sinh năm 1934, quê gốc ở xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng. Ngay từ khi còn trẻ, bà Năm Chanh đã sớm giác ngộ cách mạng. Trong suốt thời gian hoạt động cách mạng, bà bị địch bắt 3 lần với 9 năm đọa đày, gian khổ, chịu đựng biết bào đòn roi, nhục hình của địch. Từ 1955 đến năm 1972, bà đã trải qua các nhà tù khét tiếng của chính quyền Mỹ - Ngụy như trại giam Dầu Tiếng, khám đường Bình Dương, trại giam Phú Lợi, sân dù Củ Chi, trại giam Hố Nai - Biên Hòa, trại giam Phú Tài - Quy Nhơn, trại giam Cần Thơ… Bà Hòa vẫn còn nhớ như in dấu mốc năm 1968, trong một trận càn của địch vào xã Thanh An, do bị chỉ điểm, dù cố thủ nhưng vì lực lượng bên ta quá mỏng, bà và các đồng đội bị địch bắt. Bị đưa vào trại giam, nhìn bà quen mặt nên bọn cai ngục tra tấn bà dã man hơn nhưng bà vẫn không khai nửa lời nên chúng không lập được hồ sơ tù nhân. Lúc này, bà đã là đảng viên nên ý thức về việc giữ vững lập trường của người chiến sĩ cộng sản trước các thủ đoạn của kẻ thù được bà kiên định trong lòng. Lý tưởng cách mạng đã giúp bà kiên gan, bền chí vượt qua các khó khăn, gian khổ để bảo vệ tổ chức.

Những lần bị địch bắt, bà đều bị bọn chúng hành hạ, tra tấn dã man, lần sau lại nặng hơn lần trước. Thế nhưng lập trường của người chiến sĩ cách mạng luôn được bà giữ vững, kiên cường vượt qua những thủ đoạn độc ác, đê hèn, cùng những người bạn tù đấu tranh chống lại sự độc ác của kẻ địch. Dù phải chịu bao đau đớn trong thời gian lao tù, khi được thả ra bà lại tiếp tục tham gia vào các hoạt động cách mạng. Bà Hòa tâm sự: “Thấy quê hương bị tàn phá bởi bom đạn, đồng bào mình bị giết hại, lòng căm hờn kẻ thù đã hình thành trong tôi từ khi còn trẻ. Được kết nạp vào Đảng, thấm nhuần lý tưởng của Đảng, tôi càng tin tưởng và sẵn sàng tranh đấu, góp sức vào thành công của cách mạng để mang hòa bình ấm no về cho quê hương”.

Như hoa hướng dương

Khi đã trở thành đảng viên, tham gia vào các hoạt động đấu tranh trong nhà tù, bà đã ngày càng ý thức hơn về sức mạnh của tập thể, của sự đoàn kết dưới sự lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng trong nhà tù. Vì vậy, khi bị chuyển ra giam giữ tại nhà giam Phú Tài - Quy Nhơn bà đã ý thức rõ sự cần thiết phải lãnh đạo chị em nữ tù binh đòi dân sinh, dân chủ, đấu tranh chống lại sự tra tấn của kẻ thù, tìm cách phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng.

Nhà giam Phú Tài - Quy Nhơn được xây dựng trên một địa hình núi non hiểm trở. Sự tra tấn của bọn cai ngục nơi này cũng không hề thua kém gì các nhà tù khác mà bà đã từng trải qua. Bà Hòa kể: “Tôi còn nhớ rất rõ lần đầu tiên khi chúng tôi được đưa đến nơi này. Vừa xuống xe, bọn quân cảnh đã ùa vào đàn áp, bắt chúng tôi phải thay áo tù nhưng chị em chúng tôi không chịu và đòi phải vào trại 2 cùng chung với các chị nữ tù binh thay vì phải vào trại số 1. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ đàn áp, thấy không làm lung lay được ý chí của những người tù mới đến, bọn cai ngục đã buộc phải chấp nhận yêu sách của chúng tôi. Vậy là đã có thắng lợi đầu tiên, chúng tôi lại càng có lòng tin vào thắng lợi của những lần đấu tranh sau này…”.

Tại nơi giam giữ mới, chịu đủ các màn tra tấn độc địa của kẻ thù, người nữ bí thư đã vượt lên nỗi đau thể xác và tinh thần, kiên cường tổ chức lãnh đạo các đảng viên, đoàn viên, người tù trong khối của mình đấu tranh chống lại các chiêu trò của kẻ địch. Có giai đoạn, bà bị chỉ điểm và bị tra tấn khốc liệt. Bà bảo, việc làm đầu tiên khi đến nơi giam giữ mới là phải kết nối được với các tổ chức cơ sở khác trong nhà tù để có đường hướng đấu tranh chung và thống nhất trong hành động. Các hình thức liên lạc nhanh được bà chỉ đạo thực hiện, chị em khi đi lấy gạo, lấy củi nấu cơm, nếu gặp các khối khác thì tranh thủ trao đổi. Trong nhà giam, bà cũng phân công người phụ trách giao liên. Chính vì vậy phương hướng hoạt động trong khối do bà phụ trách luôn theo sát phương hướng chung của Đảng ủy nhà tù và có sự thống nhất trong hành động mỗi khi nổi dậy đấu tranh.

Bà đã chỉ đạo, tập hợp các chị em trong khối thường xuyên đấu tranh chống giảm khẩu phần ăn, tăng lượng nước uống, chống chào cờ, tập quân sự, học nội quy, chống tố cộng với kẻ địch. Bà Hòa cho biết, trong điều kiện khắc nghiệt, sống chết cận kề, việc sớm có tổ chức Đảng, có sự lãnh đạo của Đảng ủy trại giam đã giúp cho chị em nữ trong tù khoảng 1.000 người chung tay, sát cánh với nhau cùng vượt qua những gian khổ, đắng cay nơi tù ngục.

“Vào khoảng tháng 5-1970, chúng tôi tổ chức cho 2 đồng chí nữ vượt ngục là đồng chí Nguyệt và Tuyết Dung. Việc vượt ngục được chúng tôi nghiên cứu và chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Đến 12 giờ đêm thì tiến hành cho 2 đồng chí này vượt ngục. Đến khi trời vừa sáng, 2 đồng chí đã vượt qua 4 lớp rào kẽm gai nhưng sau đó bị bọn cai ngục phát hiện và bắt lại đưa vào trại giam tra tấn. Thấy tình hình gay go, Đảng ủy khối ra chỉ thị cho các chị em nữ đứng lên đấu tranh đòi phải chữa trị cho 2 đồng chí này. Thấy vậy, chúng tăng cường quân cảnh, ném lựu đạn cay vào chị em khiến chị em ngạt thở. Nhưng chị em vẫn kiên cường đấu tranh, kêu gọi phải điều trị cho 2 người bạn tù. Các tù binh khối khác cũng nhanh chóng nổi dậy đấu tranh hưởng ứng. Thấy khí thế của người tù, bọn cai ngục phải xuống nước và chấp nhận yêu sách của anh em”, bà Hòa nhớ lại.

Cũng theo bà Hòa, bước sang năm 1971, đây cũng là thời điểm lực lượng ta liên tục tiến công địch trên khắp các mặt trận. Tại nhà giam này, địch cũng tăng cường đàn áp, tra tấn dã man các người tù. Có lần, bọn cảnh vệ lôi kéo những nữ tù binh tại nơi đây ra sân quây bằng hàng rào kẽm gai cho phơi nắng phơi sương 3 ngày liên tiếp, không cho ăn uống. Những tiếng kêu la phản đối của chị em đều bị bọn cai ngục phớt lờ. Cái nắng gay gắt của miền Trung đã khiến nhiều chị em nữ tù ngã xuống. Tình thế trước mắt đòi hỏi Đảng ủy khối phải có hình thức đấu tranh nhanh và hiệu quả. Đảng ủy đã đồng ý cho 1 đồng chí nữ nhảy xuống giếng sâu 24m để gây sự chú ý bọn quân cảnh. Tất cả chị em đều la lớn có người tự tử, địch hoảng sợ tù binh chết trong đàn áp sẽ gây ảnh hưởng xấu trong dư luận quốc tế nên ngưng đàn áp và trả chị em trở lại nơi giam giữ ban đầu. Sau thời gian giam giữ tại đây, vào năm 1972 bà Hòa và các nữ tù binh được chuyển đến trại giam Cần Thơ và đến năm 1973 thì được trao trả. Những cuộc đấu tranh của những nữ tù binh trong khối dưới sự chỉ đạo của bà đã làm cho địch khiếp sợ. Điều này càng khắc họa sâu sắc hình tượng người phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xứng đáng là con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu.

Giờ đây khi đã ở tuổi xế chiều, trong căn nhà nhỏ tại phường Phú Lợi, bà Hòa vẫn còn lưu giữ những kỷ vật từ thời kháng chiến như lọ thuốc, đèn dầu từ đầu đạn và đặc biệt là chiếc mền bằng vải dù mà bà được các chiến sĩ giải phóng tặng trong ngày trao trả tù binh tại Lộc Ninh năm 1973. Những kỷ vật này luôn được bà nâng niu để ghi nhớ lại những tháng ngày đấu tranh anh dũng nơi các trại giam, góp sức cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chiến thắng kẻ thù bạo tàn, giành lại hòa bình cho đất nước.

Kỳ 6: Vượt qua nỗi đau

 

CAO SƠN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=874
Quay lên trên