Lực lượng vũ trang Bình Dương: “Trung dũng, kiên cường - Chủ động, sáng tạo - Đoàn kết, quyết thắng”- Bài 3

Cập nhật: 25-11-2020 | 09:01:35

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược đầy cam go, ác liệt, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã bám đất, bám làng với tinh thần đi đầu, quả cảm, lập nhiều chiến công xuất sắc để góp phần giải phóng dân tộc, thống nhất non sông. Hôm nay, Bình Dương tiếp tục là địa bàn trọng điểm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, LLVT tỉnh lại ra sức thi đua lập chiến công mới để bảo vệ và phát huy những thành quả ấy.

Bài 1: Mốc son lịch sử

Bài 2: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh

Bài 3: Ghi thêm những chiến công

Đội Dân quân thường trực cấp tỉnh biểu diễn trong ngày ra mắt

Tiểu đoàn Phú Lợi oai hùng

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trước nhu cầu bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở, hỗ trợ cho đấu tranh chính trị ở địa phương, từ năm 1956, cấp bộ Đảng ở tỉnh Thủ Dầu Một từng bước tổ chức các đơn vị vũ trang (xã, ấp có du kích, tự vệ; tỉnh có đại đội). Vừa mới ra đời, các đơn vị vũ trang nói trên đã tập được nhiều thành tích xuất sắc trong vũ trang tuyên truyền phát động quần chúng, xây dựng cơ sở, diệt ác trừ gian, bảo vệ cán bộ và tiến tới tổ chức những trận đánh lớn.

Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, đánh dấu bước trưởng thành lớn của LLVT tỉnh cả về quy mô tổ chức, trình độ chỉ huy chiến đấu, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trước quân Mỹ, chính là việc thành lập Tiểu đoàn Phú Lợi. Tiểu đoàn chủ lực tập trung cơ động đầu tiên của tỉnh ra đời từ những ngày đầu Mỹ đổ bộ trên chiến trường Thủ Dầu Một.

Ông Dương Văn Liễu, nguyên Chính ủy Tiểu đoàn Phú Lợi, cho biết: “Cuộc kháng chiến của quân và dân tỉnh Thủ Dầu Một ngày càng phát triển, đòi hỏi LLVT tỉnh phải gấp rút có tiểu đoàn tập trung cơ động, thực hành tác chiến tiêu diệt địch, gây tác động mạnh đến kẻ thù và hỗ trợ đắc lực cho phong trào chiến tranh du kích, phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân. Trên cơ sở đó, tháng 11-1964, Tỉnh ủy quyết định tập trung các Đại đội 304, 306, 308 và Đại đội 4 trợ chiến hình thành lâm thời Tiểu đoàn chủ lực cơ động của tỉnh. Tiểu đoàn tập trung của tỉnh chưa chính thức làm lễ ra mắt nhưng đã mang trong mình sự kế thừa truyền thống của Chi đội 1, Trung đoàn 301 - 310, Tiểu đoàn 303 trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược”.

Để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ của một tiểu đoàn chủ lực, cơ động của tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần trực tiếp cử cán bộ xuống giúp tiểu đoàn giải quyết những khó khăn về công tác huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, tổ chức học tập chính trị, tăng cường công tác xây dựng Đảng bộ tiểu đoàn. Lúc 19 giờ ngày 5-6-1965, tại xóm Vườn Trầu, ấp Hố Mên, xã Long Nguyên, Bến Cát (nay là xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng), Tiểu đoàn Phú Lợi chính thức được thành lập. Với hơn 500 cán bộ, chiến sĩ, tiểu đoàn được tổ chức biên chế thành 3 đại đội bộ binh: 304 (C1), 306 (C2), 308 (C3), Đại đội 4 trợ chiến và các trung đội trực thuộc như thông tin, trinh sát, công binh, vận tải và đội phẫu.

Khi vừa được khai sinh, Tiểu đoàn Phú Lợi đã lập nên nhiều chiến công, xóa phiên hiệu nhiều tiểu đoàn, đại đội địch. Tiểu đoàn đã thực hiện được chủ trương “tiểu đoàn diệt tiểu đoàn, đại đội diệt đại đội, trung đội diệt trung đội”; xây dựng nên truyền thống ra quân đánh thắng trận đầu, đã đánh là tiêu diệt, bắt tù binh thu vũ khí. Suốt 21 năm xây dựng và chiến đấu, tiểu đoàn đã lập nhiều chiến công hiển hách... Trong chiến dịch mùa khô 1974-1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, LLVT tỉnh đã vượt qua khó khăn, thử thách, liên tục tiến công, đánh chiếm căn cứ quân sự, diệt và làm tan rã hoàn toàn lực lượng quân ngụy, đập tan bộ máy ngụy quyền từ tỉnh đến huyện, xã, ấp, giành chính quyền về tay nhân dân, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử.

Ông Nguyễn Văn Hữu, nguyên Tỉnh đội trưởng Thủ Dầu Một, nhớ lại: “Với tinh thần “Một ngày bằng 20 năm”, mọi công tác chuẩn bị cho cuộc tiến công và nổi dậy của các LLVT trong tỉnh đã được tiến hành rất khẩn trương. Cán bộ, chiến sĩ sục sôi khí thế cách mạng tiến công, quyết tâm giành thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Phối hợp với chiến trường chung, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quyết định sử dụng LLVT 3 thứ quân của tỉnh cho chiến dịch tiến công và nổi dậy giải phóng tỉnh”.

Sông Bé - Bình Dương cầm súng diệt ác!

Hòa bình chưa được bao lâu, chiến tranh biên giới Tây Nam lại nổ ra. LLVT tỉnh vừa củng cố phát triển, bổ sung trang bị và huấn luyện, vừa tổ chức các đơn vị lên biên giới tham gia chiến đấu, thực hành phản công và tiến công, đuổi địch về bên kia biên giới, góp phần bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Ông Dương Văn Liễu nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn Phú Lợi, một trong những lực lượng nòng cốt của LLVT tỉnh Sông Bé - Bình Dương tham gia đánh bọn phản động Pôn Pốt, nhớ lại: “Tháng 5-1977, cùng với LLVT Quân khu 7, Tiểu đoàn Phú Lợi được điều lên biên giới đánh địch, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Ngày 20-6-1977, Trung đoàn trưởng Hun Sen cùng 4 người lính đã rời huyện Memot, tỉnh Kompong Cham đến ấp Hoa Lư (xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh) để tìm kiếm sự giúp đỡ của Việt Nam. Lúc này, ông Hun Sen chỉ mới 25 tuổi và đang ở trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, vì không còn đường về. Bởi lẽ, rất nhiều người Campuchia trở về gần như đều bị Khmer Đỏ bắn chết. Còn với Việt Nam, khi chủ quyền lãnh thổ, cuộc sống của nhân dân đang bị đe dọa, không còn con đường nào khác, buộc phải cầm súng để bảo vệ biên giới, bảo vệ đồng bào mình và đứng về phía quân cách mạng Campuchia để giúp bạn thoát khỏi thảm họa diệt chủng”.

Ông Dương Văn Liễu cho biết kể từ khi cuộc chiến tranh nổ ra ở toàn tuyến biên giới Tây Nam trên địa bàn Quân khu 7 (ngày 25-9-1977) cho đến lúc ta chặn được bước chân xâm lược của Khmer Đỏ ở bên kia biên giới (tháng 1-1979), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, LLVT tỉnh Sông Bé - Bình Dương đã trải qua 21 tháng vừa chiến đấu vừa xây dựng với sự chi viện của quân dân TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Phối hợp với LLVT của quân khu, các LLVT tỉnh Sông Bé đã góp phần quan trọng vào việc giải phóng hoàn toàn Tà Nung, Mi Mốt, Snoul của tỉnh Kratié, góp phần mở ra vùng giải phóng đầu tiên để Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đứng chân trực tiếp lãnh đạo nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, góp phần xứng đáng vào chiến thắng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc. Với sự giúp đỡ của quân dân Sông Bé - Bình Dương và cả nước, tỉnh Kratié từ đống tro tàn của chế độ diệt chủng, nhân dân Kratié nói riêng và người dân Campchia nói chung đã dần hồi sinh.

Hiện nay, thực hiện chủ trương của Đảng và việc xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh toàn diện, theo phương châm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, kết hợp kinh tế với quốc phòng, xây dựng thế trận phòng thủ toàn dân. Trong những năm qua, LLVT tỉnh đã không ngừng phát triển cả về mặt chất và lượng, hoàn thành tốt mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân từng bước thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên