Những kỳ tích của vùng đất lửa – Kỳ 9

Cập nhật: 07-04-2015 | 08:58:04

Kỳ 9: Phát huy nội lực

Trong phát triển kinh tế, Bình Dương đã phát huy tốt cả 2 yếu tố huy động nội lực và thu hút ngoại lực để đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Với nội lực, thành phần kinh tế đầu tư trong nước đã đóng góp xuyên suốt trong quá trình phát triển, tạo bức tranh kinh tế thăng hoa của Bình Dương hôm nay.

Tăng về lượng, vượt về chất

Với chủ trương “trải chiếu hoa đón nhà đầu tư”, cùng vị trí thuận lợi, chính sách cởi mở… tiếp bước Sông Bé, tỉnh Bình Dương đã thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp vào làm ăn. Điều đó bảo đảm cho quá trình chuyển dịch kinh tế từ một tỉnh nông nghiệp sang một tỉnh công nghiệp trọng điểm của khu vực Đông Nam bộ. Nếu như năm 1996 toàn tỉnh mới có gần 700 doanh nghiệp trong nước với nguồn vốn khá khiêm tốn thì đến nay, đã có hơn 18.000 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 136.506 tỷ đồng. Không chỉ tăng về lượng, khối doanh nghiệp này có vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp đáng kể trong việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Qua số liệu cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực này chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng vào 1996 đã tăng lên gần 57.384,5 tỷ đồng và chiếm 30,6% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh vào năm 2014.

Dây chuyển sản xuất sữa của Công ty Vinamilk. Ảnh: V.GIANG

Điều đáng nói, ngành nghề kinh doanh của khối doanh nghiệp trong nước rất phong phú và đa dạng, tham gia ở tất cả ngành nghề từ truyền thống như gốm sứ, sơn mài, điêu khắc gỗ đến các ngành nghề mới như dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, dược phẩm, hóa mỹ phẩm… Thành công và sự tăng trưởng mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong nước bắt nguồn từ cái nhìn và cách xử lý đúng đắn của chính quyền về vai trò, vị trí của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Nổi bật là chính quyền địa phương đã đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của sự phát triển, làm đúng và làm tốt chức năng quản lý để thu hút, chào đón, tạo điều kiện thuận lợi và giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư; qua đó tạo được sự tin cậy của doanh nghiệp.

Nâng tầm hội nhập

Để hội nhập và phát triển, nhìn chung, khả năng đổi mới trang thiết bị và công nghệ trong những năm qua của khối doanh nghiệp trong nước đã có bước đột phá. Nhiều doanh nghiệp đã cải tiến công nghệ, trang thiết bị hiện đại đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Điển hình như dây chuyền sản xuất gốm sứ của Công ty TNHH Minh Long I, dây chuyển sản xuất giày của Công ty Cổ phần Giày Thái Bình, dây chuyền sản xuất tôn thép của Công ty Hoa Sen, Đại Thiên Lộc, Tôn Đông Á… Qua đó, đã góp phần nâng tầm cạnh tranh và đưa thương hiệu Việt vươn xa.

Nâng tầm cạnh tranh và hội nhập, khối doanh nghiệp trong nước tại Bình Dương đã có sự chuẩn bị tốt cho một giai đoạn hội nhập và phát triển. Nổi bật có Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina); tháng 4-2014, công ty đã khánh thành đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất lốp xe tải toàn thép Casumina radial với tổng vốn đầu tư 3.380 tỷ đồng tại TX.Tân Uyên. Nhà máy này có công suất 350.000 lốp xe/năm đã giải quyết việc làm cho 1.200 lao động và tạo đột phá trong việc thay thế và chuyển đổi từ công nghệ sản xuất lốp xe mành nylon lạc hậu sang công nghệ mành thép hiện đại, góp phần đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và giảm phụ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu. Còn Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) mới đây đã đưa vào hoạt động 2 nhà máy với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu đô la Mỹ tại Bình Dương. Đây là những nhà máy sữa hiện đại nhất châu Á, giúp người tiêu dùng trong nước được sử dụng những sản phẩm sữa có chất lượng tốt, giá cả hết sức cạnh tranh; đồng thời xuất khẩu những sản phẩm sữa chất lượng cao của Việt Nam ra nước ngoài. Việc ra đời nhà máy sữa hiện đại bậc nhất thế giới này đã nâng cao vị thế của ngành công nghiệp sữa Việt Nam, đồng thời ghi dấu ấn Việt Nam trên bản đồ ngành công nghiệp sữa thế giới.

Bên cạnh Vinamilk, Casumina, nhiều doanh nghiệp trong nước khác còn có nhiều đóng góp trong việc khẳng định thương hiệu Việt. Với ngành dệt may, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam đã đóng góp quan trọng cho ngành này thông qua việc cung cấp nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu; Công ty Cổ phần Đông Hưng, Công ty Cổ phần Giày Thái Bình đã nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho ngành giày Việt Nam và cạnh tranh tốt ở thị trường nhiều nước…

 Kỳ 10: Doanh nghiệp Nhà nước phát huy đầu tàu kinh tế

 VỆ GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên