Những kỳ tích của vùng đất lửa – Bài 7

Cập nhật: 04-04-2015 | 08:41:49

Kỳ 7: Bài học xã hội hóa đầu tư khu công nghiệp

Xuyên suốt quá trình phát triển từ Sông Bé đến Bình Dương, dù số lượng khu công nghiệp (KCN) ngày càng nhiều nhưng quá trình phát triển, các KCN không dùng ngân sách Nhà nước để xây dựng mà chủ yếu là phát huy hiệu quả từ nguồn vốn xã hội hóa đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Thúc đẩy phát triển kinh tế

Việc hình thành và phát triển các KCN tập trung đã giúp cho Sông Bé trước đây và Bình Dương hiện nay có thể phát triển công nghiệp theo kế hoạch, quy hoạch cụ thể và bảo đảm được sự hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Đồng thời, việc phát triển các KCN tập trung, tạo quỹ đất sạch để thu hút, bố trí dự án đầu tư hiệu quả đã tạo nên những thành công mang tính đột phá đưa Bình Dương trở thành một trong những tỉnh công nghiệp hàng đầu của đất nước. Sự góp sức của các KCN đã đưa Bình Dương luôn duy trì mức tăng trưởng GDP gấp 2 lần so với bình quân chung cả nước và tăng 1,5 lần so với bình quân của các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Riêng năm 2014, GDP của tỉnh tăng trưởng 13% so năm trước; thu ngân sách vượt 300 tỷ đồng so kế hoạch; giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài tăng từ 15,5 - 53% so năm trước…

Thu hút đầu tư vào các KCN góp phần quan trọng trong phát triển công nghiệp của Bình Dương. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của một DN Nhật Bản trong KCN Việt Nam - Singapore I (TX.Thuận An). Ảnh: T.BÌNH

Ông Mai Hùng Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết sự hoàn thiện hạ tầng các KCN ngày càng đưa tiếng vang của Bình Dương đến với bạn bè quốc tế nhiều hơn. Dưới góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, Bình Dương luôn có môi trường đầu tư lý tưởng để ưu tiên chọn lựa. Chính vì vậy, nguồn đầu tư vào Bình Dương không chỉ tăng về lượng mà cả về chất với nhiều dự án tầm cỡ của các tập đoàn lớn trên thế giới. Một số doanh nghiệp (DN) đầu tư lớn vào tỉnh như Công ty Mapletree đầu tư 400 triệu đô la Mỹ; Công ty lốp Kumho đầu tư trên 384 triệu đô la Mỹ; Công ty Uni-President đầu tư 225 triệu đô la Mỹ; Công ty Giấy Chánh Dương đầu tư 206 triệu đô la Mỹ…

Phát huy giải pháp không dùng ngân sách

Là địa phương có nhiều KCN (28 khu) nhưng Bình Dương không sử dụng vốn ngân sách để đầu tư phát triển hạ tầng trong các KCN. Đây là điểm rất khác biệt so với các tỉnh, thành trong cả nước. Chỉ ra vấn đề này, ông Bùi Minh Trí, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, cho biết tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 19 DN thuộc 5 thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN gồm: 2 DN 100% vốn Nhà nước, 2 DN có vốn Nhà nước liên doanh với nước ngoài, 9 DN tư nhân, 2 DN 100% vốn nước ngoài và 4 DN cổ phần có vốn Nhà nước. Có thể nói, với giải pháp thiết thực không dùng ngân sách này Bình Dương đã khơi dậy, khai thác tiềm lực các nguồn vốn trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN rất hiệu quả; qua đó góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh.

Theo ông Bùi Minh Trí, đến nay các chủ đầu tư KCN đã đầu tư trên 14.500 tỷ đồng để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đạt tỷ lệ 98%. Dù không sử dụng vốn ngân sách nhưng với trách nhiệm của các chủ đầu tư, đến nay hạ tầng kỹ thuật các KCN được xây dựng đồng bộ, cơ sở hạ tầng được đấu nối thông suốt với các hạ tầng phía ngoài KCN. Chính hạ tầng kỹ thuật chất lượng cao, đồng bộ đã đáp ứng được yêu cầu khắt khe nhất của nhà đầu tư. Từ những nỗ lực đó, các KCN đã đáp ứng tốt yêu cầu thu hút đầu tư và hoạt động của các DN. Nhờ đó, với 26 KCN đã đi vào hoạt động, đến nay diện tích đất cho thuê đạt tỷ lệ lấp kín bình quân trên 65% .

Để góp phần đưa Bình Dương trở thành thành phố công nghiệp trực thuộc Trung ương trước năm 2020, thời gian tới công nghiệp tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, trong đó các KCN tiếp tục làm nền tảng đột phá. Theo mục tiêu quy hoạch phát triển KCN đến năm 2020, dự kiến toàn tỉnh sẽ có tổng cộng 35 KCN với diện tích gần 13.765 ha. Nhiệm vụ đặt ra cho các KCN là thu hút và lấp đầy 16 KCN tại TX.Dĩ An, TX.Thuận An và TP.Thủ Dầu Một; tiếp tục hoàn chỉnh và thu hút đầu tư vào các KCN phía bắc của tỉnh. Đồng thời, các KCN cũng cần chú trọng thu hút những ngành công nghiệp có hàm lượng nội địa cao, hạn chế tối đa ngành công nghiệp thâm dụng nhiều lao động; chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu; từng bước nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chế biến trên thị trường quốc tế... Để mục tiêu này thành công, giải pháp huy động xã hội hóa đầu tư phát triển KCN mà không dùng ngân sách Nhà nước tiếp tục được Bình Dương thực hiện.

Kỳ 8: Vàng son một thời tiểu thủ công nghiệp

VỆ GIANG

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên