Đất nước trọn niềm vui! – Bài 1

Cập nhật: 28-03-2015 | 08:18:21

Bài 1: “Cuộc chia ly màu đỏ…”

LTS: Thắng lợi mùa xuân 1975 là thiên hùng ca vĩ đại nhất trong lịch sử hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Âm vang của chiến thắng đã vượt qua mọi không gian và sẽ tồn tại mãi với thời gian. Nó chứng minh một cách hùng hồn về cách lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ, đã tập hợp và phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc; là cuộc đấu tranh ngoan cường, bền bỉ và vô cùng dũng cảm, thông minh của nhân dân hai miền Nam - Bắc, quyết tâm thống nhất non sông. Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Báo Bình Dương trân trọng giới thiệu đến độc giả loạt bài viết với chủ đề “Đất nước trọn niềm vui”, nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc ta, đồng thời tưởng nhớ đến thế hệ cha ông đã không tiếc máu xương của mình vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Những chiến thắng oanh liệt trong kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã buộc thực dân Pháp và can thiệp Mỹ phải ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Campuchia và Lào. Nhưng với mưu đồ đã dự tính từ trước, đế quốc Mỹ trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ, hất cẳng Pháp, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Với dã tâm cực kỳ thâm độc, chúng thực hiện chính sách thực dân mới, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Chính quyền Mỹ - Diệm tập trung thực hiện biện pháp “tố cộng”, “diệt cộng” đàn áp, khủng bố phong trào yêu nước, trả thù những người kháng chiến cũ, tiêu diệt cơ sở cách mạng ở miền Nam, ban hành luật 10/59 “đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, biến cả miền Nam thành nơi tràn ngập nhà tù, trại giam, trại tập trung, cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu. Song, âm mưu thâm độc của kẻ thù không ngăn được ý chí quật cường đấu tranh và khát vọng hòa bình của nhân dân miền Nam. Trong lời kêu gọi đồng bào, bộ đội và cán bộ, ngày 22-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ. Để giành thắng lợi, toàn thể nhân dân, quân đội và cán bộ ta từ Bắc đến Nam cần phải đoàn

kết chặt chẽ, tư tưởng phải thống nhất, hành động phải nhất trí”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, nhân dân cả nước sục sôi tinh thần đấu tranh cách mạng. Riêng Bình Dương, mặc dù đang ở trong thời kỳ cách mạng gặp khó khăn, nhiệm vụ rất nặng nề nhưng Đảng bộ và nhân dân Bình Dương luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, lòng tin cách mạng nhất định thắng lợi, Tổ quốc sẽ thống nhất, Nam - Bắc sẽ sum họp một nhà. Đồng bào Bình Dương muôn người như một, quyết tâm vượt qua khó khăn gian khổ, một lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng, đoàn kết đấu tranh đến thắng lợi cuối cùng.

Theo tinh thần Hiệp định Giơnevơ, sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, hòa bình được lập lại nhưng đất nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt. Hàng vạn người con của quê hương Nam bộ thành đồng phải tạm biệt người thân tập kết ra miền Bắc. Lịch sử dân tộc ta lại một lần nữa phải chứng kiến một cuộc chia ly dài đăng đẵng trong niềm thương nhớ vô hạn của người thân, quê hương nhưng cũng rất đỗi kiên cường bất khuất. Người ra đi, kẻ ở lại đều một lòng chấp nhận hy sinh, mất mát, tất cả đều hướng về Tổ quốc được độc lập, tự do. Ở Bình Dương, ngày 25-8- 1954, tại Nhà Nai (Chiến khu Đ), tỉnh đã tổ chức cuộc mít tinh lớn và làm lễ tiễn đưa đoàn quân lên đường ra Bắc. Mọi người ai cũng lưu luyến bên nhau, nói cho nhau nghe những nỗi niềm vui mừng và những băn khoăn của lòng mình khi phải chia tay người thân và những khó khăn trên bước đường đấu tranh sắp tới. Họ dặn dò nhau ra đi trọn một lời thề sắt son vì dân, vì nước…

Trong những ngày tháng 3 lịch sử, cả nước đang tưng bừng kỷ niệm sự kiện quân ta giải phóng Tây nguyên, đập tan tuyến phòng thủ của địch ở Huế và Đà Nẵng, chúng tôi bồi hồi nhớ lại dịp về thăm phố biển Sầm Sơn, Thanh Hóa, vùng đất nghĩa tình đầy ắp tình cảm trong ký ức của đồng bào miền Nam. Nơi đây, hơn 60 năm về trước đã diễn ra một sự kiện có ý nghĩa chính trị, lịch sử quan trọng của đất nước. Đó là, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa được giao nhiệm vụ đón tiếp hơn 50.000 bộ đội, cán bộ và nhân dân từ miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơnevơ.

Người dân nơi đây kể lại rằng: Vào những ngày sục sôi năm ấy, khi chuyến tàu đầu tiên chở những chiến sĩ ta bị địch bắt cập cảng, hàng ngàn đồng bào đứng chật hai bên đường chào đón những người con thân yêu của đất nước trở về trong niềm vui và xúc động trào dâng. Tiếp theo những chuyến tàu chở bộ đội là tàu chở cán bộ, đồng bào miền Nam, trong đó có những người con ưu tú của Bình Dương ra tập kết nối tiếp nhau vào bờ. Đồng bào hai miền gặp nhau mà như những người thân lâu ngày gặp lại. Phố biển Sầm Sơn những ngày năm ấy chan chứa tình người và vui như ngày hội, dù đó là một cuộc chia ly chưa hẹn ngày về.

Kể từ ngày dựng nước, nhân dân Việt Nam đã trải qua hàng trăm cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, đô hộ của nhiều thế lực hiếu chiến. Để thực hiện quyết tâm đánh đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, nhân dân Việt Nam đã bao lần buộc phải chia ly kéo dài. Nhưng chia ly mà không hề biệt ly, hay nói như lời một bài hát, đó là những “cuộc chia ly màu đỏ…”. Chia ly, chấp nhận hy sinh, xa cách cho ước vọng cuối cùng thống nhất một nhà, non sông thu về một dải trong vinh quang, hào hùng…

Bài 2: “Thống nhất non sông mới thỏa tấm lòng…”

KIẾN GIANG - CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1450
Quay lên trên