40 năm trước, sáng ngày 28-3-1975, bộ phận đầu não của Đặc khu ủy Quảng Đà hành quân áp sát vùng ven Đà Nẵng và quyết định phát lệnh đồng loạt tấn công và nổi dậy chiếm thành phố vào đêm 29 rạng ngày 30-3-1975.
Những ngày đầu tháng 3-1975, tin thắng trận dồn dập của lực lượng quân giải phóng trên các chiến trường đã làm nức lòng nhân dân cả nước. Ngày 10-3-1975, vào lúc 1 giờ 45 phút, quân ta nổ súng tấn công thị xã Buôn Ma Thuột, mở đầu chiến dịch quy mô ở Tây nguyên. Ngày 11-3-1975, thị xã Buôn Ma Thuột hoàn toàn giải phóng. Trước tình hình trên, ngày 14-3-1975, Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu họp với Cao Văn Viên, Trần Thiện Khiêm, Đặng Văn Quang, Phạm Văn Phú ở Nha Trang, quyết định rút quân bỏ 3 tỉnh Kon Tum, Pleiku, Phú Bổn. Chiến thắng tiếp chiến thắng, ngày 19-3-1975, thị xã Quảng Trị và toàn tỉnh hoàn toàn giải phóng. Ngày 24-3, Quảng Ngãi và thị xã Tam Kỳ (tỉnh lỵ tỉnh Quảng Tín) được giải phóng.
Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đọc diễn văn tại lễ mít tinh mừng giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng tại Đà Nẵng năm 1975. Ảnh: T.L
Liên tiếp những chiến công từ chiến trường Tây nguyên và miền Trung dồn dập, ngày 26- 3-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đảng ủy mặt trận Quảng Đà (mật danh 475), do Trung tướng Lê Trọng Tấn, Tổng Tham mưu phó làm Tư lệnh và Thượng tướng Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu V làm Chính ủy, trực tiếp chỉ huy Quân đoàn 2 và các lực lượng vũ trang khác ở khu V đánh chiếm căn cứ liên hợp quân sự hải lục không quân lớn thứ hai ở miền Nam là Đà Nẵng. Trước sức mạnh của cuộc tấn công và nổi dậy của lực lượng vũ trang và nhân dân, chiều 28-3, Ngô Quang Trưởng cùng Bộ Tư lệnh Vùng 1 chiến thuật đã bí mật chuồn khỏi Đà Nẵng.
Được tin Ngô Quang Trưởng cùng Bộ chỉ huy đã rút khỏi Đà Nẵng, Ban chỉ đạo khởi nghĩa ở nội thành đã có quyết định sáng suốt và táo bạo là phát lệnh khởi nghĩa ngay trong đêm 28-3, mặt khác điện báo cho Bộ Tư lệnh chiến dịch điều lực lượng vũ trang vào ngay thành phố. Rạng sáng ngày 29-3-1975, các cánh quân chủ lực của ta theo 3 hướng tiến vào thành phố. Đến 11 giờ 30 phút, biệt động thành phố và sau đó Đại đội 1 của Trung đoàn 96 tiếp quản Tòa Thị chính. Phối hợp với lực lực lượng nổi dậy, của quần chúng chiều 29-3, bộ đội chủ lực đã vượt qua cầu Trịnh Minh Thế tiến vào cứ điểm Sơn Trà.
Đến chiều 29-3-1975, chiến dịch giải phóng thành phố lớn thứ hai ở miền Nam kết thúc thắng lợi hoàn toàn.
Tại Bình Dương, trong thời gian này, song song với đấu tranh trong lòng địch, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một còn lãnh đạo các lực lượng vũ trang tỉnh cùng nhân dân tiếp tục thực hiện nghị quyết: “Đánh bại về cơ bản kế hoạch “bình định” lấn chiếm của địch, cùng quân dân toàn Miền giành thắng lợi to lớn có ý nghĩa quyết định, sẵn sàng mọi mặt cho những đợt hoạt động mới tiếp theo trong năm 1975” (Trích Nghị quyết Tỉnh ủy Thủ Dầu Một).
Đặc biệt, những ngày giữa tháng 3-1975, Tỉnh ủy đã lãnh đạo giải phóng Dầu Tiếng. Để kịp phối hợp với lực lượng chủ lực Miền tham gia tiến công giải phóng Dầu Tiếng, từ cuối tháng 2-1975, Tỉnh ủy đã chỉ đạo cho Huyện ủy Dầu Tiếng khẩn trương triển khai các mặt công tác chuẩn bị, từ lực lượng 3 mũi phối hợp tác chiến đến công tác hậu cần và kế hoạch tiếp quản sau giải phóng. Tỉnh ủy phân công 2 đồng chí Tỉnh ủy viên (đồng chí Sáu Trọng và đồng chí Tám Tấn) và một số cán bộ công đoàn, an ninh trực tiếp cùng Huyện ủy Dầu Tiếng triển khai công tác chuẩn bị và phối hợp với các lực lượng trên sẵn sàng tham gia phục vụ chiến đấu, giúp đỡ đồng bào vùng giải phóng. Phối hợp với chiến trường Tây nguyên, ngày 10-3-1975, Sư đoàn 9 và Trung đoàn 16 chủ lực Miền cùng bộ đội địa phương Dầu Tiếng triển khai lực lượng tiến công tiêu diệt chi khu quân sự Trị Tâm (Dầu Tiếng).
Ngày 13-3-1975, toàn bộ Dầu Tiếng được giải phóng. “Chiến thắng Dầu Tiếng đã chặt đứt một mắt xích quan trọng và làm rung chuyển tuyến phòng thủ phía bắc Sài Gòn của địch” (Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương tập 1).
Từ chiến thắng Phước Long (6- 1), những ngày cuối tháng 3-1975, cùng với chiến thắng Dầu Tiếng, tin chiến thắng dồn dập của cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân ta ở Tây nguyên, Huế, Đà Nẵng làm nức lòng quân và dân cả nước, góp phần quan trọng cho Bộ Chính trị trong cuộc họp ngày 31-3-1975 đã quyết định: “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4-1975, không thể để chậm”. (Còn tiếp)
VĂN HIỆP