Quân đoàn 4 - “Quả đấm thép” phía Nam: Bình Dương nhớ mãi tên anh

Cập nhật: 14-11-2014 | 11:05:22

Kỳ 14: Bình Dương nhớ mãi tên anh

Trong những năm đánh Mỹ ác liệt, mảnh đất “miền Đông gian lao mà anh dũng” đã lập nên những chiến công đi vào sử sách. Ngày nay, khi nhắc đến những địa danh Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Tam giác sắt, mọi người đều rất đỗi tự hào về một thời chiến chinh anh dũng của cha ông. Trong niềm tự hào chung đó, có một con người mà mỗi lần nhắc đến tên ông, đồng bào tỉnh Sông Bé rất quý mến và ngưỡng mộ.

Tượng đài chiến thắng Bàu Bàng. Ảnh: Q.CHIẾN

Người mà chúng tôi đang kể chính là đại tá, anh hùng LLVTND Trần Nam Hùng, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 anh hùng. Ông sinh ra ở một vùng quê đầy nắng gió nhưng giàu truyền thống cách mạng, thuộc xã Lộc Hưng, Trảng Bàng, Tây Ninh. Cũng như bao thanh niên yêu nước thời đó, khi đến tuổi trưởng thành Trần Nam Hùng đã chọn cho mình con đường duy nhất là đi theo cách mạng, đánh giặc ngoại xâm. Những buổi đầu cầm súng đánh giặc, ông đã tham gia trên 30 trận ở địa phương và được cấp trên tin tưởng. Năm 1954 ông được tập kết ra miền Bắc, sau đó được dự lớp đào tạo quân sự tại trường Hoàng Phố, Trung Quốc - ngôi trường rất nổi tiếng về quân sự và cả những vai trò của nó trong các giai đoạn lịch sử.

Những năm 60 của thế kỷ trước, do thất bại trong “chiến tranh đặc biệt”, người Mỹ cay cú ồ ạt đưa quân sang miền Nam Việt Nam thực hiện “chiến tranh cục bộ” hòng tiêu diệt hoàn toàn sự kháng cự của ta. Mưu đồ của Mỹ buổi đầu đã gây cho ta không ít khó khăn. Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, sau quá trình thực tế xem xét, đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã vạch ra chiến thuật “nắm thắt lưng địch mà đánh”, áp dụng cho toàn quân. Có thể hiểu chiến thuật này là đánh bất ngờ, đánh giáp lá cà, đánh chia cắt vào đội hình địch… nhằm vô hiệu hóa vũ khí hiện đại tầm xa của Mỹ. Chiến thuật này ra đời đã góp phần giải được bài toán “đánh Mỹ như thế nào?”.

Là người con của Nam bộ “thành đồng Tổ quốc”, Trần Nam Hùng ngày đêm mong được về Nam chiến đấu cùng đồng bào, đồng đội. Sau khi tốt nghiệp ở trường Hoàng Phố, nguyện vọng của ông được đáp ứng. Tháng 8-1959, Trần Nam Hùng vượt Trường Sơn về Nam nhận chức vụ tiểu đoàn trưởng. Không lâu sau đó, người tiểu đoàn trưởng này đã vang danh trong một trận đánh tiêu diệt quân Mỹ ở Bàu Bàng.

Ông Trần Nam Hùng kể về chiến thắng Bàu Bàng với phóng viên Báo Bình Dương. Ảnh: KIẾN GIANG

“Hành động khác thường đạt kết quả phi thường” là câu nói có lẽ luôn được dành cho những nhà cầm quân. Trong trận Bàu Bàng, trên cương vị là tiểu đoàn trưởng, vào những giờ phút gay go nhưng Trần Nam Hùng vẫn quyết đoán đưa ra những quyết định cực kỳ táo bạo và sáng suốt, vượt ra khỏi kế hoạch chung trước đó của chỉ huy đơn vị. Sự cao minh và phẩm chất anh hùng của những con người cầm quân là như thế. Lục trong sử sách của quân đội ta cũng sẽ thấy những con người có phẩm chất như vậy và sau này họ đều được tuyên dương anh hùng. Nổi bật nhất phải nhắc đến thượng tướng, anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu. Lúc chiến dịch Quảng Trị nổ ra ông cũng là tiểu đoàn trưởng và đã tự quyết định nổ súng trước giờ quy định của Bộ Tư lệnh. Hành động quyết đoán của ông đã mang lại một chiến thắng rất quan trọng của chiến dịch Quảng Trị. Trước lúc về hưu, tướng Hiệu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Về đường học vấn, ông là viện sĩ, tiến sĩ khoa học quân sự. Tóm lại, những hành động kể trên là nói về trí tuệ, bản lĩnh chớp thời cơ của những con người dũng cảm.

Sáng ngày 11-11-1965, Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn bộ binh 1 (Anh cả đỏ) của Mỹ cùng 2 chi đoàn tăng thiết giáp, quân số trên 2.500 tên được hỏa lực của không quân, pháo binh yểm trợ tổ chức hành quân càn quét dọc quốc lộ 13, từ Lai Khê lên Chơn Thành. Chiều cùng ngày, chúng nghỉ lại ở Bàu Bàng và phòng ngự rất cẩn mật. Sau khi nghe trinh sát báo cáo, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9 lúc bấy giờ là tướng Hoàng Cầm cùng cấp ủy quyết định đánh địch. Các phương án tác chiến nhanh chóng được vạch ra. Tiểu đoàn của Trần Nam Hùng được giao tiêu diệt cụm quân Mỹ ở sân bóng phía bắc ấp chiến lược Bàu Bàng trước khi trời sáng. Nhận nhiệm vụ xong, tiểu đoàn lập tức hành quân bôn tập, vừa đi vừa phổ biến nhiệm vụ. Nhưng khi tiếp cận mục tiêu thì không thấy địch, sau đó mới biết chúng di chuyển xuống phía nam Bàu Bàng. Tình huống bất ngờ này khiến cấp ủy tiểu đoàn định tổ chức họp thảo luận vì lúc này sự liên lạc với chỉ huy sư đoàn đều không được. Song, Trần Nam Hùng nêu ý kiến với đồng chí chính trị viên: họp sẽ không kịp. Tôi là Tiểu đoàn trưởng, Phó Bí thư Đảng ủy, anh là Bí thư Đảng ủy tiểu đoàn cùng nhau quyết định, hạ quyết tâm tiến sang phía nam Bàu Bàng tìm địch mà đánh. Lại một tình huống ngoài dự kiến nữa xảy ra. Khi đơn vị của ông tiến tới tiếp cận quân địch ở phía nam thì được tin các đơn vị chủ công ở đây đã về vị trí tập kết, không liên lạc được. Trời sắp sáng, tình hình rất nguy hiểm, nếu không nổ súng, trời sáng địch phát hiện thì nguy. Và rồi tiếng súng đã nổ, rền vang cả một vùng trời rừng miền Đông. Ngay loạt đạn đầu tiên, Tiểu đoàn 1 đã bắn cháy những xe tăng địch ở tiền duyên. Quân Mỹ phản kích rất quyết liệt, có trường hợp chúng sử dụng xe tăng đâm thẳng vào đội hình ta. Quân ta chiến đấu rất dũng cảm, áp thật sát địch dùng cả bộc phá, lựu đạn tiêu diệt từng chiếc xe tăng, đồng thời lúc này quân ta đưa 2 tiểu đoàn tới chi viện thêm, mãnh liệt tấn công vào địch. Vào 8 giờ sáng, Trần Nam Hùng ra lệnh cho một trung đội thọc sâu vào chỉ huy lữ đoàn và trận địa pháo của địch. Bị đánh trúng chỉ huy sở, mất thông tin liên lạc nên quân địch hoàn toàn tan rã. Kết quả trận Bàu Bàng, quân Mỹ ở đây bị ta tiêu diệt hơn 2.000 tên và nhiều phương tiện chiến tranh bị phá hủy.

Đây là trận đầu tiên trên chiến trường Nam bộ, ta tiêu diệt quân Mỹ cấp lữ đoàn. Chiến thắng này đã giải quyết cơ bản nỗi băn khoăn của bộ đội ta lúc bấy giờ về phương thức tác chiến với quân Mỹ, tiếp tục hoàn thiện và củng cố chiến thuật chiến đấu đầy hiệu quả là “nắm thắt lưng địch mà đánh”. Sau chiến thắng này, Tiểu đoàn trưởng Trần Nam Hùng được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất.

Người anh hùng đất Trảng Bàng, Tây Ninh nay đã nghỉ hưu sống đoàn viên cùng con cháu tại TP.Hồ Chí Minh, nhưng nhắc đến tên ông, nhiều người dân ở Bình Dương rất biết ơn và quý mến, bởi chính ông và đồng đội trong chiến tranh đã góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống oanh liệt của vùng đất anh dũng này.

Kỳ 15: Uy dũng Tiểu đoàn 5

KIẾN GIANG - ĐÌNH HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên