Thành tựu xây dựng và phát triển, người dân thụ hưởng- Kỳ 3

Cập nhật: 28-05-2021 | 08:54:07

Để đáp nhu cầu phát triển nhanh về công nghiệp trên toàn tỉnh, công tác đào tạo nghề (ĐTN) được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm. Qua đó, không ngừng nâng cao chất lượng tay nghề cho học viên, khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ngoài công lập. Bên cạnh đó, việc ĐTN cho lao động nông thôn (LĐNT) được mở ra, tạo việc làm ổn định và mang lại thu nhập cao cho hàng chục ngàn lao động.

Kỳ 1: Năng động, hiệu quả trong phát triển kinh tế

Kỳ 2: Tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển

Kỳ 3: “Mang” nghề nghiệp, việc làm đến với người lao động

Phát huy thế mạnh địa phương

Đặt chân đến các địa phương như Dầu Tiếng, Phú Giáo hay Bắc Tân Uyên rất dễ bắt gặp những người thành đạt nhờ kinh qua các lớp ĐTN cho LĐNT. Xuất phát điểm của họ là lao động chân tay, có thu nhập thấp, nhưng từ khi được tiếp cận các lớp ĐTN tại địa phương, họ dần thay đổi tư duy, mở ra một công việc mới có thu nhập cao hơn. Có người xây được nhà, mua được đất, thậm chí vươn lên trở thành những ông, bà chủ miệt vườn.

Tuy giờ đây đã có nhà cửa khang trang, mua đất nền tiền tỷ, công việc ổn định nhưng anh Lê Chiến Công, xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng vẫn không thích ai đó gọi mình là người thành đạt. Anh cho rằng: “Không nên xem nhẹ chương trình ĐTN cho LĐNT. Đó là con đường khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm cho người nghèo mà bản thân tôi là một minh chứng. Nghề nào cũng vậy, khi được đào tạo cơ bản bước đầu, mình sẽ tiếp tục nâng cao trong quá trình làm việc, rồi sẽ có một mức thu nhập tương xứng. Nếu huyện Dầu Tiếng có mở lớp dạy nghề, mời tôi tham gia dạy, tôi sẽ không từ chối”. Năm 2013, khi huyện Dầu Tiếng thông tin mở lớp ĐTN nấu ăn và được thông báo về xã, anh Công là người đầu tiên trong xã từ bỏ công việc nặng nhọc ở một công gỗ để đăng ký ngay. Có sẵn đam mê và học xong lớp ĐTN, anh không ngừng học hỏi thêm và nhanh chóng trở thành đầu bếp giỏi của một nhà hàng lớn tại địa phương, với thu nhập khá cao.

Các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh không ngừng nâng cao năng lực giảng dạy, đáp ứng nhu cầu phát triển chung, góp phần tạo việc làm, nâng thu nhập cho người dân. Trong ảnh: Học viên học nghề tại trường Cao đẳng Nghề Đồng An

Anh Liễu Văn Tài Phú, ấp Xóm Bưng, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng cũng vậy. Anh Phú là một trong những điển hình LĐNT thường xuyên tham gia các lớp ĐTN do huyện tổ chức. Cách đây 3 năm, anh Phú đăng ký học lớp kỹ thuật trồng, chăm sóc cây măng cụt nên rất tự tin chăm sóc vườn cây của mình. Sau những khóa học, ứng dụng những kiến thức đã học, anh đã thành công trên vườn măng cụt rộng 1 ha của mình. Chưa hết, anh còn chủ động tham gia Tổ liên kết măng cụt VietGAP Thanh Tuyền để chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, giữ gìn cây ăn quả đặc sản măng cụt của Bình Dương. Nhờ đó, nhiều nông dân ở đây học được nghề, đem lại thu nhập cao từ loại cây này...

10 năm qua, công tác ĐTN cho LĐNT được phủ khắp các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, đào tạo cho khoảng 20.000 lao động, trong đó hơn 80% có thu nhập ổn định. Người thụ hưởng là đối tượng thuộc diện chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác (thuộc nhóm đối tượng 1); lao động thuộc diện hộ cận nghèo (đối tượng 2); lao động nông thôn khác (đối tượng 3). Các ngành nghề đào tạo được triển khai gồm nấu ăn đãi tiệc; tin học; trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su; tạo dáng và chăm sóc cây cảnh; may gia dụng; chăn nuôi thú y; trồng bưởi theo công nghệ VietGAP… Thông qua các lớp đào tạo, hầu hết các học viên đều có tay nghề khá, được giới thiệu hoặc tự tìm việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Tùy vào thế mạnh kinh tế của mỗi địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) sẽ phối hợp, tổ chức các lớp ĐTN tương ứng, khai thác triệt để nguồn lao động nhàn rỗi, tạo việc làm sau khóa học. Nhiều người sau đó khi có nghề, mạnh dạn vay vốn mở cơ sở kinh doanh, cơ sở trồng trọt, trở thành những ông, bà chủ. Họ không chỉ tạo việc làm, mà còn dạy nghề lại cho các lao động khác.

Nâng cao năng lực cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm

Bên cạnh việc ĐTN cho LĐNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 100 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và cơ sở hoạt động GDNN (tăng thêm 46 cơ sở so với năm 2016). Để việc ĐTN có chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các sở, ngành không ngừng rà soát, bổ sung trang thiết bị, nâng cao năng lực ĐTN. Trong 100 cơ sở GDNN và cơ sở hoạt động GDNN, có 75 cơ sở ngoài công lập gồm 2 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 6 trung tâm GDNN và 56 cơ sở khác có tham gia hoạt động GDNN, chiếm 75% cơ sở trên toàn tỉnh.

Theo Sở LĐ-TB&XH, công tác ĐTN theo Luật Giáo dục nghề nghiệp hiện có ở 3 cấp trình độ là sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế và thị trường lao động của tỉnh, góp phần giải quyết vấn đề nguồn nhân lực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hàng năm, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tuyển sinh khoảng hơn 30.000 - 40.000 người học, số lượng đào tạo và tốt nghiệp ra trường hàng năm khoảng hơn 25.000 học viên. Điển hình trong năm 2019, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tuyển sinh được 42.942 người, đạt tỷ lệ 110% so với chỉ tiêu kế hoạch của năm là 39.000 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78% (có văn bằng, chứng chỉ đạt 28%). Trong năm 2020, chỉ tiêu tuyển sinh của tỉnh là 40.000 học viên. Trong đó, cao đẳng là 2.000 học viên, trung cấp 4.000 học viên, sơ cấp và dưới 3 tháng là 34.000 học viên.

Thời gian qua, Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả của công tác giải quyết việc làm cho người lao động. Bên cạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, chính sách tín dụng ưu đãi để hỗ trợ người lao động tạo việc làm, mở rộng và duy trì việc làm cũng được thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, để bảo đảm nguồn lao động cung ứng cho các doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tăng cường kết nối với các công ty, nhà máy, doanh nghiệp, các huyện, thị, thành phố trên địa bàn để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp nhằm công bố kịp thời, chính xác đến người lao động, nhất là học viên vừa thông qua các lớp ĐTN hàng năm. Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm được đa dạng hóa để phù hợp với các đối tượng thuộc nhiều lứa tuổi; tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, qua mạng internet, qua các ứng dụng.

Hoạt động ĐTN, định hướng nghề nghiệp cũng được quan tâm, chú trọng. Hàng năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp cùng các cơ sở đào tạo trên địa bàn tổ chức nhiều buổi gặp gỡ giữa học sinh, sinh viên và đại diện một số doanh nghiệp. Tại đây, các bạn không chỉ được giải đáp những thắc mắc liên quan đến công việc, nghề nghiệp thực tế mà còn được định hướng về việc làm và tư vấn về những xu hướng mới của thị trường lao động.

Có thể nói, công tác ĐTN, giải quyết việc làm trên toàn tỉnh trong nhiều năm qua đã đi đúng hướng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong tỉnh từ thành thị đến nông thôn. (Còn tiếp)

"Cần khẳng định, thời gian qua, công tác ĐTN đã và đang triển khai đúng hướng, phù hợp với nhu cầu tạo nguồn lao động cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới của các địa phương. Qua đó, đã thu hút được nhiều cơ sở ĐTN, doanh nghiệp tham gia ĐTN cho LĐNT, có sự gắn kết giữa địa phương với cơ sở ĐTN và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc tuyển sinh đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động sau học nghề”.
(Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH)

QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên