Bài 10: Những trận đánh lịch sử và bài học quý giá
Khi vừa được khai sinh, Tiểu đoàn Phú Lợi (TĐPL) đã lập nên nhiều chiến công. Tiểu đoàn diệt tiểu đoàn, đại đội diệt đại đội, trung đội diệt trung đội, xây dựng nên truyền thống ra quân đánh thắng trận đầu, đã đánh là tiêu diệt, bắt tù binh, thu vũ khí. Tiêu biểu là trận ấp Đồng Sổ, Đồng Chèo, Quý Hiệp… Những trận đánh này chính là những kinh nghiệm quý báu để tiểu đoàn góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
Xóa sổ phiên hiệu Tiểu đoàn “Biệt kích Mỹ”
Về với ấp Đồng Sổ (xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng) hôm nay, dấu tích xưa cũ về một trận đánh ác liệt vào tối 28-12-1964 của TĐPL vẫn còn. Đó chính là tấm bia cách ngã ba Đồng Sổ khoảng 100m. Ông Trần Văn Ấn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lai Uyên cho biết, bia này giờ nằm trong Khu công nghiệp Bàu Bàng. Ông mong bia được trùng tu, có thể mở rộng để lưu giữ cho con cháu, vì đây là một giá trị lịch sử lớn lao cần được bảo tồn.
Ông Trần Văn Ấn nói về trận tập kích ấp Đồng Sổ được ghi trên tấm bia ở ấp Đồng Sổ, xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng. Ảnh: T.T
Là một người “gạo cội” của mảnh đất Đồng Sổ nên ông Ấn biết rất rõ về mảnh đất này. Ông Ấn cho biết, ở ấp Đồng Sổ, từ năm 1963, ngụy quyền Sài Gòn đã cho xây dựng thành một ấp chiến lược nằm dọc theo quốc lộ 13, có chiều rộng 1km, chiều dài 2km. Do có vị trí án ngữ trên quốc lộ 13 nên Tiểu đoàn biệt kích “Lôi Hổ” lấy ấp chiến lược Đồng Sổ làm điểm trú quân dã ngoại sau những ngày lùng sục, càn quét tại các xã Đông Bắc huyện Bến Cát. Lực lượng của Tiểu đoàn biệt kích “Lôi Hổ” có hơn 200 tên, trang bị gọn nhẹ, thông thạo địa bàn, khả năng ứng chiến rất linh hoạt. Khi dừng trú quân thường ở lẫn trong nhà dân làm cho ta khó phát hiện lực lượng để tiến công tiêu diệt. Thực hiện chủ trương chống phá bình định của Khu ủy và Tỉnh ủy, Tỉnh đội Thủ Dầu Một xây dựng quyết tâm tiêu diệt Tiểu đoàn biệt kích “Lôi Hổ”. Sau thời gian điều tra, nghiên cứu, Tỉnh đội Thủ Dầu Một giao nhiệm vụ cho TĐPL và Đại đội 61, Đại đội 81 Huyện đội Bến Cát tập kích tiêu diệt Tiểu đoàn biệt kích “Lôi Hổ”, bảo vệ hành lang Đông - Tây đường 13 của ta.
Ông Huỳnh Văn Thu, nguyên là chính trị viên TĐPL, người trực tiếp tham gia trận tập kích Đồng Sổ nhớ lại: Quân số của ta tham gia đánh trận này có hơn 300 cán bộ, chiến sĩ. Đội hình chiến đấu chia làm 3 bộ phận. Bộ phận tiến công vào ấp chiến lược Đồng Sổ gồm Đại đội 301, 304, 306 của TĐPL. Lực lượng này hình thành 4 mũi tiến công từ các hướng Đông, Đông Nam, Tây và Tây Nam ấp vào bên trong. Sau đó phát triển dọc theo ấp về hướng Bắc. Bộ phận đón lõng địch rút chạy gồm Đại đội 61 và Đại đội 81 bộ đội địa phương Bến Cát. Lực lượng này bố trí ở phía Bắc ấp chiến lược 500m, đảm nhiệm chặn đánh tiêu diệt quân địch rút chạy từ Đồng Sổ về Chơn Thành theo quốc lộ 13. Bộ phận kìm chế pháo địch ở Bến Cát do Đại đội Hỏa lực của TĐPL đảm nhiệm, bắn phá kiềm chế trận địa pháo địch ở Bến Cát không cho chúng chi viện lực lượng ở Đồng Sổ trong quá trình ta thực hiện tấn công.
Ông Thu cho biết, quyết tâm chiến đấu của tiểu đoàn là bí mật cơ động lực lượng, tập kích bất ngờ sau khi địch mới tạm dừng trú quân, chưa có điều kiện tổ chức chiến đấu, đội hình còn lộn xộn, sơ hở mất cảnh giác nhất. Để thực hiện quyết tâm, TĐPL đã cử trinh sát phối hợp với du kích địa phương liên tục bám nắm địch trong suốt 22 ngày. Bộ đội được tổ chức luyện tập kỹ theo phương án chiến đấu.
Vào 21 giờ ngày 28-12-1964, các bộ phận tham gia trận đánh đã bí mật chiếm lĩnh xây dựng trận địa. 23 giờ, mũi tiến công hướng Đông ấp chiến lược nổ súng tấn công địch. Theo hiệp đồng tiếng súng, các mũi tiến công của ta nhanh chóng vượt rào đánh vào bên trong ấp chiến lược Đồng Sổ. Ấp chiến lược Đồng Sổ có trên 5.000 dân ở trải dài hơn 2km dọc quốc lộ 13. Nhà cửa dày đặc, chúng ta lại đánh ban đêm nên rất khó xác định vị trí địch đóng quân. Để bảo đảm an toàn cho nhân dân trong ấp chiến lược, các tổ xung kích của ta phải hạn chế dùng lựu đạn, thủ pháo nên sức tiến công giảm, tốc độ tiến công giảm. Vì vậy, sau 2 giờ ta mới đánh chiếm được toàn bộ ấp chiến lược. Địch chạy dạt về phía Bắc ấp thì bị lực lượng phục kích đón lõng của ta tiêu diệt một số lớn. 2 giờ ngày 29-12-1964, trận đánh kết thúc thắng lợi.
Nhớ về trận tập kích ấp Đồng Sổ năm xưa, ông Thu tự hào cho biết: Trận tập kích ấp Đồng Sổ thể hiện quyết tâm chiến đấu rất cao của cán bộ, chiến sĩ. Họ kiên trì bám địch nhiều ngày để tìm thời cơ diệt địch. Khi thời cơ xuất hiện, nhanh chóng vừa cơ động vừa bổ sung quyết tâm chiến đấu, triệt để khai thác yếu tố bất ngờ làm chúng chưa kịp chuẩn bị đối phó. Trận đánh trong ấp chiến lược có dân nhưng chỉ huy đơn vị giải quyết tốt tình huống bằng vận dụng lối đánh gần, đẩy dần địch ra ngoài ấp để bộ phận đón lõng tiêu diệt nên đạt hiệu quả chiến đấu cao mà vẫn bảo đảm an toàn cho nhân dân. Đây là một kinh nghiệm tốt vận dụng trong các trận tập kích địch trú đóng trong ấp chiến lược có nhân dân.
“Đánh điểm diệt viện”
Sau chiến thắng vang dội ở ấp Đồng Sổ, TĐPL tiếp tục lập công lớn ở Suối Dứa (nay thuộc thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng). Thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phong trào “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, TĐPL và Đại đội 64 huyện Bến Cát được giao nhiệm vụ tiến công bót Suối Dứa. Với nghệ thuật “đánh điểm diệt viện”, chỉ sau hơn 30 phút chiến đấu, lực lượng ta đã giành thắng lợi, góp phần phá tan kế hoạch bình định của Mỹ - ngụy tại Thủ Dầu Một.
Là người trực tiếp tham gia trận Suối Dứa, ông Huỳnh Văn Thu, kể lại: Khi ấy, quân số chiến đấu có 400 đồng chí, được trang bị 2 súng ĐKZ 57, 2 súng cối 81mm, 5 súng đại liên, 5 súng trung liên và hơn 200 súng tiểu liên. Đội hình chiến đấu chia làm 3 bộ phận. Bộ phận tiến công bót Suối Dứa có nhiệm vụ tiến công uy hiếp bót Suối Dứa, buộc địch từ chi khu Trị Tâm đến ứng cứu. Bộ phận phục kích đánh địch đến ứng cứu bót Suối Dứa có nhiệm vụ xây dựng trận địa, chờ địch vào khu vực trận địa đồng loạt nổ súng tiêu diện toàn bộ lực lượng địch đến giải tỏa. Và bộ phận hỏa lực bố trí khẩu đội 81mm có nhiệm vụ bắn kìm chế trận địa pháo địch tại chi khu Trị Tâm và chi viện hỏa lực cho các đơn vị trong quá trình chiến đấu đánh địch.
Mọi thứ đã sẵn sàng, đêm 7-7-1965, các đơn vị của ta từ căn cứ hành quân bí mật vào vị trí chiếm lĩnh xây dựng trận địa. Rạng sáng 8-7-1965, bộ phận tiến công bót Suối Dứa nổ súng tiến công. Địch tại bót Suối Dứa xin cứu viện. Ta tiếp tục vây ép tổ chức bắn tỉa, dùng hỏa lực chế áp. Đến 7 giờ, địch dùng pháo bắn vào các vị trí quanh bót Suối Dứa và tổ chức Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 8 đến cứu viện. 10 giờ cùng ngày, địch đến khu vực trận địa của ta bố trí, chia thành 2 mũi so le tiến cặp theo hai bên lộ. Chờ địch vào cách 70m, trung đội chặn đầu của ta đồng loạt nổ súng. Cùng lúc, hỏa lực ĐKZ nổ súng bắn sập chòi gác Cầu Cát, bắn vào khu vực quyết chiến điểm, tạo điều kiện cho bộ đội tổ chức vận động khóa đuôi đội hình địch. Bị đánh bất ngờ, địch chưa kịp tổ chức chống trả thì lực lượng đánh chính diện của ta đã vận động đến sát mé lộ dùng thủ pháo, lựu đạn đồng loạt ném vào các vị trí địch đang ẩn nấp. Sau hai loạt thủ pháo, quân ta đồng loạt xung phong ra mặt lộ tiêu diệt địch. Hai bộ phận chặn đầu và khóa đuôi cũng hình thành hai mũi đánh cặp theo lộ về giữa đội hình địch, thành thế tiến công ở cả 3 hướng, đẩy địch chạy dạt về phía Tây lộ. Trong quá trình chiến đấu, bộ phận làm nhiệm vụ kiềm chế pháo ở chi khu Trị Tâm liên tục bắn phá trận địa pháo 105mm của địch nên chúng không thể chi viện hỏa lực cho nhau khi bị ta tiến công.
Sau hơn 30 phút chiến đấu, ta tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 8 ngụy. Ông Huỳnh Văn Thu tự hào cho biết: Trận đánh thể hiện sự vận dụng sáng tạo hình thức chiến thuật “đánh điểm diệt viện”. Ta giành thắng lợi to lớn do nắm chắc địch, nghiên cứu, bố trí trận địa ở vị trí bất ngờ đối với địch, thuận lợi cho bộ đội xung phong đánh gần. Trận phục kích tại Suối Dứa góp phần phá tan kế hoạch “bình định” của Mỹ - ngụy tại Thủ Dầu Một, thúc đẩy phong trào “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” của lực lượng vũ trang tỉnh Thủ Dầu Một và miền Đông Nam bộ.
Những chiến thắng vang dội của trận tập kích Đồng Sổ, Suối Dứa và nhiều trận khác nữa chính là những bài học quý giá giúp TĐPL có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 (còn tiếp).
NHÓM P.V