Bác Hồ - Nguồn cảm hứng sáng tác bất tận! - Bài 5

Cập nhật: 16-05-2015 | 09:33:47

Bài 5: Vinh dự từ một bức ảnh tình cờ…

Trong dịp trao giải các tác phẩm hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” toàn quốc vừa qua, anh Trần Khánh Hưng, hội viên nhiếp ảnh thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã được xướng danh cho giải C tác phẩm “Trồng cây trồng người”.

 

Bức ảnh “trồng cây trồng người” đoạt giải 3 của Trần Khánh Hưng

Niềm vui và vinh dự của người cầm máy đến với anh một cách rất tình cờ. Tuy nhiên, nói sâu xa hơn chính là nhờ học Bác ở những điều giản dị nhất đã giúp anh gặt hái được thành công. Anh Trần Khánh Hưng kể: “Tôi là người chụp ảnh nên thường được mời đến các trường chụp hình tư liệu. Lần đó, đến một ngôi trường và hình ảnh mà tôi bắt gặp là một người thầy đã già đang hướng dẫn tận tình cho học sinh trong giờ thực tập. Hình ảnh rất sống động và hấp dẫn tôi. Người thầy tận tâm và học sinh cũng rất chú tâm vào từng lời thầy giảng. Nhìn cảnh đó, tôi nhớ lại từng nghe đồng chí Nguyễn Minh Giao, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nói chuyện với văn nghệ sĩ rằng, các đồng chí học tập Bác là học tập những điều giản dị nhất. Trong sáng tác cứ bám vào thực tiễn cuộc sống sẽ thấy những điều hay, đẹp để mình khắc họa vào tác phẩm. Cuộc vận động sáng tác học tập và làm theo gương Bác là như thế, là đời thường chứ không có gì to tát lắm đâu… Đồng chí đã chuyện trò rất thân tình với văn nghệ sĩ như thế và khi đó, tôi dừng lại bấm máy liên tục. Về nhà, tôi lựa một tấm đẹp nhất, phóng lớn và dự thi cấp tỉnh. Tác phẩm “Trồng cây trồng người” được giải thưởng cấp tỉnh là đã vinh dự rồi. Vậy mà nó được chọn trao giải C toàn quốc quả là điều tôi rất mừng”.

Sự nghiệp trồng cây, trồng người luôn được Bác Hồ nhắc nhở. Đó là sự nghiệp chung của cả dân tộc và những ai, dù đóng góp ít nhiều cho sự nghiệp này cũng đáng tự hào. Điều mà Trần Khánh Hưng muốn lột tả qua bức ảnh là sự tận tụy, hy sinh vì thế hệ măng non của người thầy có mái đầu đã bạc. Sự trao truyền kiến thức từ thế hệ này sang thế hệ khác là điều thiêng liêng chứ không chỉ là việc dạy và học được hiểu theo kiểu đơn thuần…

Là một người nhiếp ảnh, anh Trần Khánh Hưng luôn muốn được đi, ghi lại những khoảnh khắc của cuộc sống và “nhìn góc khác để thấy rõ hơn, kỹ hơn, nghệ thuật hơn”. Anh còn gặt hái được nhiều giải thưởng như năm 2013 giải ba của Liên hoan ảnh nghệ thuật tỉnh cho tác phẩm “Xây dựng”; giải nhì An toàn giao thông và văn minh đô thị do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức cho tác phẩm “Cổng trường an toàn giao thông” ảnh chụp tại trường THCS Chu Văn An (TP.Thủ Dầu Một) và ảnh dự treo của liên hoan khu vực miền Đông, toàn quốc… Anh Hưng làm nghề nhiếp ảnh hơn 20 năm nay, đi sáng tác có khi cùng bạn bè hoặc đi một mình với quan niệm phải nhìn cuộc sống dưới nhiều góc cạnh mới thấy đẹp.

Và, giải thưởng cấp quốc gia lần này cho cuộc vận động sáng tác “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” sẽ giúp anh vững bước hơn, cố gắng hơn trong quá trình sáng tạo nghệ thuật.

Bài 6: Ghi lại nét chân chất đời thường là học tập Bác

QUỲNH NHƯ

 

Chia sẻ bài viết
Tags
Bác Hồ

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=637
Quay lên trên