Chủ động nắm bắt cơ hội từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN

Cập nhật: 29-12-2015 | 07:40:50

Kỳ 5: Đẩy mạnh phát triển ngành hàng

Trong thị trường chung Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có 12 ngành được ưu tiên hội nhập như: Hàng không (vận tải hàng không), ô tô, điện tử, các sản phẩm cao su, dệt may và may mặc, sản phẩm gỗ…

AEC cùng với TPP được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội đưa nước ta vào top 20 nền kinh tế mạnh toàn cầu. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của Công ty Cổ phần Đông Hưng (TX.Dĩ An). Ảnh: PHƯƠNG AN

Sức nóng từ AEC

Không cần đợi đến khi AEC có hiệu lực, tại Việt Nam, nhiều năm qua hàng hóa từ các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia… đã có mặt nhiều trên thị trường. Bài toán trước mắt của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam chính là củng cố thị trường nội địa. Trong hoàn cảnh đó, việc phát triển đa dạng hóa ngành hàng chính là cách giúp các DN cùng chung tay hướng người tiêu dùng sử dụng hàng Việt Nam. Bởi khi AEC thật sự mở cửa, sự cạnh tranh gay gắt sẽ diễn ra tại mỗi nước thành viên AEC.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, bản chất AEC không có cơ cấu chặt chẽ và không có sự tương thích nhiều. AEC là tiến trình hội nhập chứ không phải là hiệp định, là khát vọng chứ không phải bắt buộc của AEC. Như vậy, AEC là một tiến trình và thật ra ngày 1-1-2016 là thời điểm khởi đầu để xây dựng AEC. Nên để xây dựng được cộng đồng kinh tế như Liên minh châu Âu (EU) thì còn cần một thời gian dài nữa.

Cũng theo ông Lộc, trong số các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia thì sự cắt giảm thuế quan trong AEC là cao nhất hiện nay. Cơ hội cho DN khi AEC hình thành đó là mở ra nhiều thị trường cho DN, tạo khí thế và động lực mới cho DN… Tuy nhiên, AEC cũng mang lại nhiều thách thức như DN sẽ phải cạnh tranh hàng hóa vô cùng lớn khi trình độ phát triển của các DN trong nước thấp hơn so với DN của các nước phát triển trong ASEAN...

Lãnh đạo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho biết, ngành gỗ đang là mặt hàng phải chịu áp lực cạnh tranh lớn. Thực tế trong thời gian qua cho thấy, sản phẩm gỗ từ Thái Lan, Malaysia… đang mở rộng dần thị phần tại thị trường Việt Nam; còn các DN gỗ tại Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng vẫn ưu tiên cho thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, thị phần nội địa nhiều năm qua chiếm hơn 30% giá trị đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của các DN trong nước.

Nhiều DN tại Bình Dương cũng cảm nhận được sức nóng từ các thành viên AEC ở những nhóm mặt hàng: May mặc, giày da, điện tử, nước giải khát, bánh kẹo… Rõ ràng, sân chơi AEC đang nóng dần, cho dù vào thời điểm 1-1-2016 chỉ mới đánh dấu cho bước khởi đầu để hình thành thị trường chung như thị trường EU.

Tập trung phát triển các ngành hàng có ưu thế

Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc. Trong khi đó, Nhật Bản là bạn hàng lớn thứ 3 của ASEAN. Trong vòng một thập niên trở lại đây, tốc độ tăng trưởng thương mại ASEAN - Nhật Bản trung bình đạt 16% năm. Về đầu tư, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ 2 ở ASEAN sau EU. Khi AEC có hiệu lực, dự kiến đến năm 2018, FTA ASEAN - Nhật Bản sẽ được thực hiện. Ông Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR) cho biết, trước khi AEC hình thành, hơn 90% dòng thuế giữa các quốc gia trong ASEAN đã được cắt giảm.

Do vậy, AEC không tạo ra một sự đột phá có ý nghĩa lớn với DN. Sau khi AEC hình thành, 669 dòng thuế còn lại liên quan đến các lĩnh vực ô tô, sắt thép, sữa và các sản phẩm từ sữa sẽ được cắt giảm dần. Việc này giúp Việt Nam có điều kiện thuận lợi nhập khẩu linh kiện liên quan đến ngành công nghiệp phụ trợ cũng như ô tô. Ở một khía cạnh nào đó, điều này giúp Việt Nam giảm sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Đối với Bình Dương, thời gian qua nhiều DN trong tỉnh đã chú trọng chuyển hướng đầu tư vào các nước trong ASEAN với các ngành: Viễn thông, ngân hàng, tài chính, địa ốc, may mặc, nước giải khát…; cụ thể là tại các nước Lào, Campuchia và Myanmar. Tuy nhiên, so với các DN của Thái Lan, Singapore… thì ngay tại sân nhà, DN Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng đã tỏ ra sự kém thế.

Ngoài Singapore là đối tác lớn của Việt Nam từ nhiều năm qua, Thái Lan đang có xu hướng chuyển dịch nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào thị trường Việt Nam. Thực tế cho thấy, thương vụ mua Metro của một tỷ phú người Thái chỉ là bước khởi đầu cho tham vọng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam của các DN Thái Lan. Mới đây nhất, Tập đoàn Sangha của Thái Lan cũng đã đầu tư hơn 1,1 tỷ USD vào Tập đoàn Masan Việt Nam. Theo đó, những mặt hàng thực phẩm của Masan sẽ có mặt vào tận bếp của người Thái và ngược lại, thức uống Singha cũng sẽ hiện diện ngay tại phòng khách của người Việt.

Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI cho rằng, có 3 điểm yếu mà các DN Việt Nam cần khắc phục ngay. Trước hết, năng suất lao động thấp do khu vực tư nhân chưa phát triển mạnh. Thực tế hiện nay, có đến 96% DN khu vực tư nhân trong nước đang hoạt động thuộc nhóm nhỏ và siêu nhỏ, chỉ 4% còn lại thuộc DN lớn và vừa. Bên cạnh đó, 4,6 triệu hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động dưới dạng phi chính thức hoặc bán chính thức (không đăng ký thành lập DN nhưng vẫn có mã số thuế).

Cùng với đó, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của DN trong nước còn thấp. Thực tế cho thấy, các DN Việt Nam đã khá thành công trong liên kết xuôi với những thành tựu xuất khẩu ban đầu ấn tượng nhưng lại chưa thành công trong liên kết ngược.

“Đánh giá về sự tham gia hội nhập của các DN Việt Nam thực chất là đánh giá về sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và khả năng “kháng cự” của các DN trên thị trường nội địa. Trên thực tế, sự tham gia của DN Việt Nam trong mạng lưới sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp so với các nền kinh tế có quy mô tương tự trong khu vực Đông Nam Á”, Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng cho biết.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thể chế để bảo đảm cho sự hội nhập không chỉ từ sân chơi AEC, mà còn đón nhận những thách thức từ Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại. Hiện nay, Việt Nam đang là nền kinh tế top 50 của thế giới. AEC, cùng với TPP được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội đưa nước ta vào top 20 nền kinh tế mạnh toàn cầu trong thời gian tới.

Việt Nam đang nỗ lực đơn giản hóa hệ thống giấy phép, giấy chứng nhận gồm: Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; giấy chứng nhận xuất xứ (C/O); giấy chứng nhận vệ sinh kiểm dịch; giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Việt Nam cũng đã sửa đổi và ban hành mới các chính sách để thực hiện những cam kết trong từng ngành cụ thể. Điển hình là trong các ngành dịch vụ phân phối, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, viễn thông để phù hợp với các cam kết trong Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) cũng như Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS)…

Kỳ 6: Tăng cường thu hút đầu tư

PHÙNG HIẾU

 

Chia sẻ bài viết
Tags
ASEAN

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên