Bài 10: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh: “Không ngừng nâng cao tầm trí tuệ của Đảng”
Chân dung Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh |
Trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nông Đức Mạnh đã góp phần quan trọng cùng Ban Chấp hành Trung ương đưa đất nước tiếp tục phát triển, vượt qua những khó khăn to lớn do tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới, hội nhập sâu hơn vào đời sống kinh tế - chính trị quốc tế.
Đồng chí Nông Đức Mạnh sinh ngày 11-9-1940 tại xã Cường Lợi, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Từ năm 1958 đến năm 1961, đồng chí học tại trường Trung cấp Nông lâm Trung ương - Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, đồng chí làm công nhân lâm nghiệp, kỹ thuật viên điều tra rừng Ty Lâm nghiệp Bắc Kạn (1962-1963), rồi Đội phó Đội khai thác gỗ Bạch Thông (1963-1965). Đồng chí được kết nạp vào Đảng ngày 5-7-1963. Từ năm 1965 đến năm 1966, đồng chí học tiếng Nga tại trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Từ năm 1966 đến năm 1971, đồng chí là sinh viên Học viện Lâm nghiệp Lêningrát (Liên Xô). Về nước, đồng chí được phân công giữ chức Phó ban Thanh tra Ty Lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái (1972-1973), rồi Giám đốc Lâm trường Phú Lương, tỉnh Bắc Thái (1973- 1974). Năm 1974, đồng chí được cử đi học tại trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) và hoàn thành khóa học hai năm sau đó. Từ năm 1976 đến năm 1980, đồng chí là Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ty Lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái kiêm Chủ nhiệm Công ty Xây dựng lâm nghiệp, rồi Trưởng ty Lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái. Từ năm 1980 đến năm 1983, đồng chí được bầu là Tỉnh ủy viên, giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Thái. Năm 1984, đồng chí được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Thái cho đến tháng 10-1986. Từ tháng 11-1986 đến tháng 2-1989, đồng chí làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đến tháng 3-1989, đồng chí được Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Ủy viên chính thức. Tháng 8-1989, đồng chí được phân công làm Trưởng ban Dân tộc Trung ương. Tháng 11-1989, đồng chí được bầu bổ sung đại biểu Quốc hội khóa VIII và được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Tháng 6-1991, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 9-1992, đồng chí được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa IX. Tháng 6-1996, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, đồng chí được bầu lại làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 9-1997, đồng chí được bầu lại làm Chủ tịch Quốc hội khóa X. Tháng 1-1998, đồng chí được phân công làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX (4-2001) và lần thứ X (4-2006) của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư của Đảng.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương khóa VII. Ảnh: DUY HIỀN
Trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nông Đức Mạnh đã góp phần quan trọng cùng Ban Chấp hành Trung ương đưa đất nước tiếp tục phát triển, vượt qua những khó khăn to lớn do tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới, hội nhập sâu hơn vào đời sống kinh tế - chính trị quốc tế. Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Còn nhớ trong lần đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2010), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã ôn lại truyền thống hào hùng, vẻ vang và những thắng lợi vĩ đại của Đảng ta, nhân dân ta, đồng thời nêu bật những bài học có giá trị lý luận và thực tiễn trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng. Đó là phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất; xây dựng khối liên minh vững chắc giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; tăng cường xây dựng nhà nước thật sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. “Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, trước những công việc khó khăn, phức tạp và mới mẻ, không tránh khỏi có lúc, có việc Đảng mắc sai lầm, khuyết điểm. Mỗi lần như vậy, Đảng đều nghiêm khắc tự phê bình, tìm ra nguyên nhân của những sai lầm và quyết tâm sửa chữa”, Tổng Bí thư nói.
Đồng chí nhấn mạnh: Mỗi chủ trương, chính sách, bước đi cụ thể đều phải hướng tới lợi ích của nhân dân, của dân tộc và đất nước. Phải thực hiện tốt nhất lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng ta là Đảng cách mạng, là Đảng lãnh đạo. Ngoài lợi ích của nhân dân và của giai cấp công nhân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”. Đề cập đến công tác xây dựng Đảng, Tổng Bí thư chỉ rõ: Hiện nay, bên cạnh những cơ hội lớn, đất nước ta và Đảng ta cũng đang phải đối mặt với những thách thức gay gắt. Vì vậy, xây dựng Đảng vững mạnh thật sự là nhiệm vụ then chốt, là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Đảng chú trọng đổi mới tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ; kiện toàn và đổi mới hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách và lề lối làm việc thật sự dân chủ, thiết thực, nói đi đôi với làm. Đảng kiên quyết đấu tranh phòng ngừa và khắc phục có hiệu quả sự suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, ngăn chặn và đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác. Từ ngày đổi mới, Ðảng ta đề ra kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Ðảng là nhiệm vụ then chốt, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Ðại hội lần thứ IX của Ðảng đề ra nhiệm vụ “xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng” để tương xứng với vị trí là nhiệm vụ then chốt, để Ðảng xứng đáng với vai trò lãnh đạo của mình. Ðại hội nhấn mạnh phải làm tốt các công tác quan trọng là: Giáo dục tư tưởng chính trị, rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân; tiếp tục đổi mới công tác cán bộ; xây dựng, củng cố các tổ chức cơ sở Đảng; kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định, vấn đề lớn nhất của Ðảng cầm quyền là không ngừng nâng cao tầm trí tuệ đủ sức xây dựng đường lối, chính sách đúng đắn để phát triển đất nước; đồng thời bảo đảm sự trong sạch, liêm khiết, xây dựng mối quan hệ máu thịt với nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.
Để Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh, nhân dân một lòng tin tưởng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, trau dồi lý tưởng của người cộng sản chân chính, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Tại hội nghị Tổng kết 3 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vào năm 2009, đồng chí Nông Đức Mạnh cho rằng, việc thực hiện cuộc vận động đã cho chúng ta nhiều bài học thiết thực và lưu ý rằng, việc thực hiện cuộc vận động phải tạo được sự thống nhất cao về nhận thức tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về ý nghĩa, tầm quan trọng, tác dụng to lớn, nhiều mặt của cuộc vận động. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm, tính gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị là vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc huy động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tham gia. Lời dặn dò lúc sinh thời của Bác: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” trong cuộc vận động này là hết sức có ý nghĩa. Mức độ thành công của cuộc vận động trước hết và chủ yếu phụ thuộc vào những yếu tố, nhân tố quan trọng đó. Phải làm cho cuộc vận động lan tỏa, thấm dần vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, mỗi người dân, trở thành lối sống, nếp sống, lẽ sống. Phải xây dựng chương trình, kế hoạch và hướng dẫn thực hiện cuộc vận động một cách khoa học, thiết thực, sát hợp với tình hình, nhiệm vụ của ngành, địa phương, đơn vị trong từng giai đoạn và suốt cả nhiệm kỳ. Phải xây dựng chuẩn mực đạo đức, lối sống phù hợp với từng loại hình công việc, từng loại đối tượng; các chuẩn mực này dễ nhớ, dễ thực hiện; tránh ôm đồm, chung chung, xơ cứng. Phải coi việc thực hiện cuộc vận động trước hết là vì nhu cầu, quyền lợi tự thân của mỗi người, mỗi gia đình, tổ chức; không chỉ thuần túy về đạo đức, lối sống mà cao hơn, phục vụ trực tiếp cho sản xuất, công tác, học tập, cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi tập thể, cá nhân.
P.V (tổng hợp)