Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Cập nhật: 30-03-2022 | 08:28:49

 Chiến tranh đã qua đi rất lâu, nhưng nỗi đau của cuộc chiến vẫn còn đó, trong đó có một phần không nhỏ là những nạn nhân nhiễm chất độc da cam (CĐDC). Ở nhiều gia đình trên địa bàn huyện Bàu Bàng, nỗi đau da cam vẫn còn hiện diện dai dẳng với bệnh tật và cuộc sống khó khăn khó nói hết bằng lời.

 Huyện Bàu Bàng thường xuyên phối hợp với các ban ngành, đoàn thể để thăm và tặng quà cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam trên địa bàn

 Nỗi đau còn đó

Đã ngoài 60 tuổi nhưng ông Đoàn Xuân Thái, bệnh binh mất sức 61% ở khu phố Bàu Hốt, thị trấn Lai Uyên vẫn là lao động chính trong gia đình. Chiến tranh đã lùi xa, người lính xông pha các mặt trận năm nào nay tóc đã bạc nhưng vẫn phải cùng vợ con ngày đêm gánh chịu hậu quả của chiến tranh khi nỗi đau da cam vẫn ám ảnh trong gia đình họ. Ông Thái sinh ra và lớn lên ở tỉnh Quảng Trị. Năm 1967, ông lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Gio Linh (Quảng Trị) đầy ác liệt. Tháng 4-1976, ông Thái phục viên trở về địa phương lập gia đình và sinh con. Năm 1992, khi cuộc sống ở quê nhà quá khó khăn, cả gia đình ông khăn gói đi theo người quen vào vùng đất Lai Uyên làm ăn và sinh sống.

Khi các con ra đời, ông luôn hy vọng con sẽ khỏe mạnh, thế nhưng vợ ông sinh được 7 người con thì có tới 4 người bị ảnh hưởng bởi di chứng CĐDC, trong đó người con gái Đoàn Thị Huệ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chị Huệ sinh ra đã bị teo một bên tay, sức khỏe yếu nên không làm được gì. Điều mà ông Thái không thể ngờ đó chính là khi con gái ông lấy chồng, sinh ra đứa cháu đầu tiên thì đôi mắt của cháu cũng bị ảnh hưởng bởi di chứng CĐDC. Hiện tại chồng chị Huệ đã bỏ đi, ông Thái trở thành trụ cột chính làm mọi việc để nuôi con, nuôi cháu.

Ông Thái nghẹn ngào: “Sức khỏe tôi mỗi ngày mỗi yếu, khi trái gió trở trời những cơn đau đầu, đau nhức các khớp xương hành hạ chẳng để tôi yên. Cuộc đời mình vất vả nhưng khi nghĩ đến các con, cháu cũng phải gánh chịu nỗi đau này thật đau xót. Chỉ mong sau này chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để các cháu có thể ổn định cuộc sống”.

Còn với bà Huỳnh Thị Ngọc Hằng (57 tuổi) ở khu phố Xà Mách, thị trấn Lai Uyên thì sinh ra đã phải chịu sự dày vò của di chứng CĐDC khi mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào gia đình, mỗi lần trở bệnh lại quậy phá, bỏ nhà đi lang thang. Càng lớn tuổi, sức khỏe của bà ngày càng giảm sút, hiện tại mắt đã mờ, đi lại khó khăn, thậm chí nhiều lúc bà Hằng còn không ý thức được hành động của mình.

Chị Huỳnh Thị Tuyết Nhung, em gái bà Hằng chia sẻ: “Sau khi mẹ mất, không còn ai chăm sóc cho chị nên tôi dọn hẳn về đây sống chung để tiện bề chăm lo cho chị. Thương chị nhưng cũng đành nuốt nước mắt vào trong để có thể lo cho chị tốt nhất chứ không biết làm gì hơn”.

Đó chỉ là 2 trong nhiều trường hợp nạn nhân CĐDC trên địa bàn huyện Bàu Bàng minh chứng cho một điều: Chiến tranh dù đã lùi xa nhưng hậu quả của nó để lại vẫn còn nhiều đau xót, những nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai trong những gia đình có người thân chịu ảnh hưởng của CĐDC.

Huy động các nguồn lực để chăm lo

Huyện Bàu Bàng hiện có 48 đối tượng đang được hưởng chế độ đối với nạn nhân CĐDC, bao gồm cả người trực tiếp tham gia kháng chiến và con cháu của họ. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện Bàu Bàng đã có nhiều nỗ lực trong công tác vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC.

Ông Tô Tiến Quân, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bàu Bàng, cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi luôn chủ động tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách đối với nạn nhân, nỗ lực vận động nguồn lực hỗ trợ, giúp nạn nhân và gia đình vơi bớt khó khăn. Bên cạnh đó, chúng tôi cố gắng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị các cấp có thẩm quyền xét giám định đủ điều kiện để các nạn nhân CĐDC được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số người chưa được hưởng chế độ do thiếu giấy tờ, chưa đủ điều kiện để xem xét giải quyết”.

Hoạt động giúp đỡ nạn nhân CĐDC tại huyện Bàu Bàng được thực hiện bằng việc vận động nhiều nguồn lực xã hội với nhiều hình thức kết hợp với các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì người nghèo” của địa phương. Tuy nhiên, dù đã có sự vào cuộc của cộng đồng, nhưng nỗi đau da cam vẫn ẩn sâu trong nhiều gia đình. Ngoài tình thương của gia đình, nạn nhân CĐDC vẫn luôn cần sự hỗ trợ, quan tâm và chia sẻ từ cộng đồng để có thêm động lực, niềm tin vào cuộc sống. Hành trình xoa dịu nỗi đau da cam cần nhiều hơn sự quan tâm của các cấp chính quyền và ngành chức năng trong xem xét, giải quyết chế độ cho chính nạn nhân và người thân của họ.

 Trong 3 tháng đầu năm 2022, huyện Bàu Bàng đã phối hợp với Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh chi hỗ trợ tết cho 10 đối tượng ảnh hưởng chất độc hóa học với số tiền 15 triệu đồng; phối hợp với UBND các xã, thị trấn trao 500kg gạo từ Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ cho 48 nạn nhân CDDC/dioxin trên địa bàn huyện; trao 38 phần quà cho 38 đối tượng ảnh hưởng chất độc hóa học với tổng giá trị 57 triệu đồng; thăm, tặng quà cho 13 đối tượng là con của nạn nhân CĐDC/dioxin với tổng số tiền 65 triệu đồng…

 HỒNG PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=400
Quay lên trên