Những mô hình mới, cách làm hay

Cập nhật: 19-05-2017 | 09:56:10

Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, có ý nghĩa thiết thực. Từ đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đưa việc học tập, làm theo Bác ngày càng đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa.

Mô hình “Vì NLĐ” của Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh sẽ góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định Trong ảnh: Công nhân lao động tham gia hưởng ứng Tháng công nhân năm 2017 Ảnh: THU THẢO

“Vì người lao động”

Một trong những mô hình ý nghĩa, nhận được sự hưởng ứng, đồng tình - đó chính là mô hình “Vì người lao động (NLĐ)” của Đảng bộ Khối doanh nghiệp (ĐBKDN) tỉnh. Ông Trần Văn Mến, Phó Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh cho biết, thực hiện Chỉ thị 05, trong giai đoạn 2016- 2020, ĐBKDN tỉnh triển khai mô hình “Vì NLĐ”. Sở dĩ ĐBKDN tỉnh chọn mô hình này là vì xác định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của NLĐ đối với sự phát triển của từng đơn vị, doanh nghiệp và quan trọng hơn hết là chính NLĐ là nhân tố góp phần to lớn trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị văn minh, hiện đại.

Cũng theo ông Mến, thông qua mô hình “Vì NLĐ” sẽ góp phần nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên (CB, ĐV), NLĐ, từ đó xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định giữa người sử dụng lao động và NLĐ theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28-1-2008 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Chỉ thị 22-CT/TW ngày 5-6-2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Mến nhấn mạnh: “Chúng tôi xây dựng mô hình này với yêu cầu đặt ra là tiếp tục đưa việc làm theo Bác từng bước đi vào chiều sâu; nâng cao nhận thức trong CB, ĐV, NLĐ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hành động nhằm đem lại những kết quả cụ thể, thiết thực. Qua đó kịp thời nêu gương người tốt, việc tốt, nhân rộng những tập thể, cá nhân xuất sắc, những điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Qua 1 năm thực hiện mô hình “Vì NLĐ”, cấp ủy các chi, Đảng bộ cơ sở đã phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện thường xuyên công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ. Trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp trong khối đã tạo điều kiện cho trên 1.400 lượt CB, ĐV, NLĐ được đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị; quan tâm cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho NLĐ với tổng kinh phí trên 3,6 tỷ đồng; tổ chức cho trên 4.000 công nhân lao động được đi nghỉ dưỡng trong nước và nước ngoài…

“Thắp sáng” những tấm lòng

Trong học tập, làm theo Bác, mô hình “Thắp sáng đường quê” của huyện Bàu Bàng cũng được nhân dân địa phương nhiệt tình hưởng ứng. Không chỉ đơn giản là thắp sáng những con đường mà mô hình này đã “thắp sáng” những tấm lòng, kết nối những miền quê.

Điển hình cho phong trào này ở huyện Bàu Bàng chính là xã Trừ Văn Thố. Ông Nguyễn Quang Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Trừ Văn Thố cho biết, để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa, Đảng ủy xã phải lựa chọn những mô hình “Làm theo Bác” cho phù hợp để thu hút được đông đảo người dân tham gia. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của nhân dân, Đảng ủy xã đã thống nhất triển khai mô hình “Thắp sáng đường quê”. Đồng thời, đây cũng chính là mô hình thiết thực để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm 2017, xã Trừ Văn Thố được công nhận xã đạt các tiêu chí nông thôn mới.

Để thực hiện chủ trương trên của Đảng ủy xã, trước khi triển khai, chi bộ và ban điều hành các ấp đã họp dân, bàn bạc thống nhất phương án lắp đặt, mức đóng góp, đối tượng miễn giảm, cách quản lý vận hành và cả việc cử người giám sát thi công… Với cách làm dân chủ, minh bạch nên nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.

Từ những tuyến đường điểm được thực hiện từ cuối năm 2015, đến nay trên địa bàn xã Trừ Văn Thố đã thực hiện được 32 tuyến đường, với tổng kinh phí do nhân dân tự đóng góp trang bị mua dây điện và bóng đèn thắp sáng là 342 triệu đồng. Mặc dù thu nhập của nhiều người còn thấp nhưng người dân nơi đây đã tự nguyện đóng góp kinh phí để thực hiện mô hình “Thắp sáng đường quê”. Từ khi có hệ thống điện chiếu sáng đã tạo điều kiện cho người dân sinh hoạt và đi lại vào ban đêm dễ dàng hơn, tình trạng trộm cắp, tai nạn giao thông cũng giảm hẳn, đặc biệt là tạo diện mạo mới cho những ấp ở trong xã.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bàu Bàng cho biết, thời gian qua mô hình “Thắp sáng đường quê” đã phát huy hiệu quả. Thường trực Huyện ủy đang chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy xem xét, gắn mô hình này với các mô hình “Tuyến đường xanh, sạch, đẹp”, “Cung đường tự quản”, “Tuyến đường tự quản”… ở các xã thành mô hình lớn, nhân rộng ra toàn huyện. Khi mô hình này được triển khai không chỉ tạo điều kiện cho bà con đi lại thuận tiện vào ban đêm, giảm thiểu tình trạng trộm cắp và tai nạn giao thông, mà còn phát huy được vai trò chủ thể, tinh thần tự lực, tự cường của người dân. Mô hình này không chỉ góp phần để 100% xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới mà còn tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

 

 THU THẢO

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=689
Quay lên trên